Announcement

Collapse
No announcement yet.

Mùa lễ

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Mùa lễ

    Mùa lễ tại Âu Mỹ là những ngày cuối năm, từ lễ Giáng Sinh (Christmas / Noel) đến Tết Tây (New Year) hay Năm Mới. Theo truyền thống, cuối năm cũng là dịp nghỉ ngơi của nhà nông sau một năm cày cuốc, thu hái mệt nhọc. Cuối năm trời vào Đông của vùng ôn đới, thời tiết lạnh lẽo, băng tuyết, ngư phủ cũng chẳng ra khơi được nữa nên bá tánh cùng ngưng làm việc. Ngày nay, máy móc & kỹ thuật đã thay thế khá nhiều sức người nên thời tiết dù vẫn ảnh hưởng nhưng không còn là nỗi ám ảnh nặng nề như xưa nhưng người thế giới vẫn cử hành ngày lễ theo truyền thống.

    Click image for larger version

Name:	ZZ60-N~1.JPG
Views:	651
Size:	83.1 KB
ID:	83143


    Giáng Sinh là ngày lễ mừng sinh nhật của Chúa Jesus của tín đồ Thiên Chúa giáo. Christmas theo Anh ngữ có nghĩa là “thánh lễ (mass) trong ngày của Chúa”. Danh từ này tương đối mới so với lịch sử của cư dân Âu Mỹ. Yule là chữ “cũ”, gốc Ðức “jol” hoặc gốc Anh “geol”, có nghĩa là “ngày lễ [tiết] đông chí” (winter solstice). Christmas tương đương với “Navidad” (Tây Ban Nha),Natale” (Ý), “Noel” (Pháp) với ý nghĩa “ngày sinh”. Tuy nhiên vào thế kỷ XX thì Giáng Sinh trở thành dịp lễ của mọi cư dân, bất kể tôn giáo, mất dần các tập tục có ý nghĩa tôn giáo và là dịp trao đổi quà cáp.

    Ông già bụng phệ, râu tóc trắng xóa trông rất hiền lành phúc hậu, Papa Noel / Santa Claus, trao quà cáp là biểu tượng của ngày lễ.



    Ngày 25 tháng Mười Hai được chọn là sinh nhật Chúa Jesus xuất phát từ năm 221 theo sử gia Sextus Julius Africanus dù kinh thánh Tân Ước không hề đề cập đến ngày sinh của Jesus. Về sau, ngày này cũng được đại đế La Mã Constantine I đồng thuận và sử dụng vì đó là ngày khởi sinh của mặt trời hay “dies solis invicti nati” khi cư dân cử hành ngày lễ mừng “mặt trời sống lại”, xua đuổi mùa Ðông âm u lạnh lẽo và khởi đầu mùa Xuân theo thời tiết thủa ấy. Các sử gia Thiên Chúa giáo đồng lòng sử dụng ngày “mặt trời sống lại” là ngày Chúa ra đời qua lập thuyết Chúa là ánh sáng (mặt trời) của muôn loài. Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa, tập tục và thổ nhưỡng đã dẫn đến việc cử hành lễ Giáng Sinh vào những ngày khác nhau tùy theo niên lịch sử dụng, Gregorian calendar, Coptic calendar hoặc Julian calendar, ngày 6, ngày 7 tháng Giêng hoặc ngày 25 tháng Mười Hai.

    Ngày xa xưa, cư dân mừng lễ Giáng Sinh suốt 24 ngày (cũng là thời gian nghỉ ngơi của cư dân sau những tháng nhọc nhằn và chờ đợi đất trời ấm áp trở lại), từa tựa như người Việt ta ăn Tết suốt tháng Giêng sau mùa gặt hái?
    Sách vở ghi chép tập tục trưng bày vòng lá thông, wreath, hiện diện từ thế kỷ XVI khi cư dân Âu châu kết vòng lá thông với 24 ngọn nến (24 ngày bắt đầu từ ngày mùng 1); về sau vòng lá này, the Advent wreath, chỉ giản tiện có 4 ngọn nến tượng trưng cho 4 Chủ Nhật trước ngày Giáng Sinh hay “Sự mong chờ của tín đồ trước ngày Chúa ra đời”.
    Cuốn lịch, Advent calendar, cũng có 24 ô che kín, mỗi ngày mở một ô để đếm. Tương truyền rằng đây là sáng kiến của một bà nội trợ người Ðức, cứ bị con cái hỏi suốt ngày xem chừng nào thì đến Giáng Sinh [để được ăn tiệc?]. Trả lời chán rồi thì bà ấy chế tạo luôn một tờ lịch tháng Mười Hai bằng vải, gồm 31 ô, 24 ô đầu được che đậy, mỗi ngày mở lên một ô cho đến ngày Giáng Sinh. Và cuốn lịch đầu tiên xuất hiện trên thị trường được in tại Ðức năm 1851.



    Rước kiệu tại Bethlehem

    Mùa lễ từ từ tiết giảm dần theo nhịp sống đương thời, cư dân Huê Kỳ có 12 ngày, Twelve days of Christmas, trường học đóng cửa khoảng hai tuần lễ trong khi công sở hãng xưởng chỉ chính thức đóng cửa khoảng 2-7 ngày, từ Giáng Sinh đến Tết Dương Lịch.
    Trong suốt mùa lễ, bá tánh trang hoàng nhà cửa rực rỡ hoa đèn, phổ thông nhất là chưng cây thông và các vòng hoa, wreath, vòng kết bằng cành lá thì chính xác hơn. Ấy là chuyện ngày xưa, lễ lạt là dịp thăm viếng giữa những người thân yêu và gia đình. Các bữa ăn thân mật gần gũi để con cháu nhận mặt chú bác sinh sống nơi xa, để gia đình ôn chuyện cũ, kể chuyện mới… Nhưng những năm gần đây thì người ta mừng lễ rộn ràng hơn ồn ào hơn và trưng bày tất cả những vật dụng đang có. Thế là những hình nhân bơm hơi được dựng trước vườn nhà, ông già Noel, tuần lộc, thiên thần xanh đỏ rủ nhau đứng đầy ngoài ngõ. Cứ buổi chiều tối là đèn đuốc sáng trưng vì nhiều khu phố dùng cơ hội này để thi đua xem khu phố nào rực rỡ nhất. Ngôi nhà rực rỡ nhất đã được chụp hình, quay phim và đưa lên báo chí, truyền hình…và bá tánh thì đi xem như trẩy hội, vừa ngó vừa phê bình phê lọ…

    Ðến thế kỷ XXI thì mùa Giáng Sinh với ý niệm tôn giáo, tập tục trở thành những ngày vui chơi tặng quà rầm rộ. Các công ty chế biến sản phẩm ganh đua kịch liệt trong mùa lễ nên đã biến dịp lễ trọng đại của gia đình thành mùa tặng quà vì khoảng 70% mãi lực của những món “thích nhưng không cần” ấy được buôn bán trong mùa lễ. Tạm hiểu là bá tánh được thúc giục mở hầu bao tiêu xài mạnh tay để thành ông [hay bà] già Noel rộng rãi. Việc chi tiêu của khách hàng ảnh hưởng rất mạnh đến lợi tức của hãng xưởng sản xuất nên không lạ là ta thấy quảng cáo khắp nơi. Rầm rộ nhất là những cây thông giả và đàn tuần lộc kết đèn xanh đỏ rực rỡ. Thiên thần ít xuất hiện và vắng hơn nữa là những hang đá, hình ảnh của Bethlehem.



    Nơi Chúa Jesus sinh ra tại Bethlehem



    Nhắc đến Bethlehem thì Dế Mèn nhớ đến chuyến đi thăm thánh tích năm nọ, trong lãnh thổ của Palestine. Phe ta cũng mò đến địa điểm ấy để được ngó cánh đồng nơi mục đồng được báo tin, Shepherd Field. Hang lừa ngày trước bây giờ là nhà thờ, máng lừa nằm ở tầng dưới đánh dấu bằng ngôi sao bạc. Trước mặt nhà thờ là một đền thờ Hồi giáo với nóc đền cao ngất, cao hơn nóc nhà thờ.
    Rồi Dế Mèn nhớ những mùa Giáng Sinh khác tại vùng đông bắc có tuyết rơi trắng xóa, có những con cardinal đỏ rực đậu trên cành thông tuyết phủ… Mùa Giáng Sinh nào cũng là dấu hiệu của một năm sắp tàn và kế tiếp sẽ khởi đầu một năm mới.

    Mỗi năm mùa Giáng Sinh lại khác đi một chút. Không gian của Dế Mèn đã thay đổi, từ miền ôn đới sang nơi ấm áp, ẩm ướt. Giáng Sinh không còn đi kèm với cây thông Douglas thơm mùi nhựa nữa; ở đây Dế Mèn chỉ mua được những ngọn fir hoặc Fraser. Thôi thì thông nào cũng là thông, miễn có cây thông mừng lễ là được quá rồi, kén chọn chi nữa? Thời gian cũng đem lại những thay đổi. Dế Mèn mất hẳn thói quen mua sắm, gói quà & gửi quà vì những đứa cháu trong gia đình đã lớn kềnh càng. Giáng Sinh dần dần hóa dạng và trở thành mùa lễ của muôn người, một cơ hội để thăm viếng người thân, để nghỉ ngơi và sửa soạn cho một năm mới?
Working...
X