Announcement

Collapse
No announcement yet.

Sidney Poitier (1927-2022), từ bần cùng trở thành ngôi sao sáng chói

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Sidney Poitier (1927-2022), từ bần cùng trở thành ngôi sao sáng chói


    Sidney Poitier (ảnh: Larry Busacca/VF14/Getty Images)
    Sidney Poitier, với những vai diễn để đời trong “To Sir With Love”, “In the Heat of the Night”, “Guess Who’s Coming to Dinner”… giúp đưa tên tuổi ông trở thành tượng đài da đen đầu tiên của Hollywood và giúp mở ra cánh cửa cho loạt thế hệ diễn viên da màu, vừa qua đời ngày 6 Tháng Một 2022 ở tuổi 94.

    Từ thập niên 1960, Sidney Poitier đã là một trong những diễn viên được trả thù lao cao nhất Hollywood và là ngôi sao bảo chứng cho doanh thu, đứng thứ năm trong số diễn viên nam từ bình chọn của các chủ rạp cũng như những nhà phê bình của tạp chí Box Office (chỉ sau Richard Burton, Paul Newman, Lee Marvin và John Wayne). Các vai ông diễn thường gai góc. Trong “No Way Out” (1950), vai diễn điện ảnh quan trọng đầu tiên của ông, Poitier đóng vai một bác sĩ bị khủng bố bởi một bệnh nhân phân biệt chủng tộc; và trong “Cry, the Beloved Country” (1952), dựa trên tiểu thuyết của Alan Paton về nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, Poitier trong vai một linh mục trẻ. Trong “The Defiant Ones” (1958), bộ phim đưa ông lên hàng top và mang về cho ông đề cử Oscar hạng mục nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Poitier là một tù nhân trên đường chạy trốn. Giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho ông vào năm 1964 với vai diễn trong “Lilies of the Field”.
    Sidney Poitier trong ‘Lilies Of The Field’, 1963 (ảnh: United Artists/Getty Images)
    Sinh ngày 20 Tháng Hai 1927 tại Miami (sinh non trước hai tháng), Poitier lớn lên ở Bahamas. Là con út trong gia đình chín người con, Poitier xuất thân nghèo khó; hồi nhỏ từng mặc quần áo làm từ bao tải bột mì và chưa bao giờ nhìn thấy “mặt mũi” chiếc xe hơi, hoặc nếm que kem để biết nó mùi vị như thế nào, cho đến khi cha ông, Reginald, chuyển cả gia đình từ Cat Island đến Nassau vào năm 1937. Năm 12 tuổi, Poitier nghỉ học, kiếm sống bằng nghề… xách nước cho những người thợ lao động chân tay. Có tật nghịch ngợm, Poitier thường bị bố mẹ rầy la. Có lần Poitier bị nhốt trong đồn cảnh sát một đêm vì tội trộm bắp. Sợ Poitier trở thành kẻ du thử du thực, bố mẹ gửi Poitier đến Miami khi anh 14 tuổi để sống với người anh trai Cyril.

    Chưa đầy một năm sau, Poitier rời Miami đến New York, trong túi vỏn vẹn $3 và một ít tiền lẻ. Poitier kiếm sống lây lất bằng nghề rửa bát, đào mương, phụ hồ và giao hàng ở khu may mặc. Cuộc sống với Poitier thời điểm này vô cùng khó khăn và nghiệt ngã. Anh phải tiết kiệm từng xu để có tiền mua chỗ ngủ trong nhà vệ sinh vào những đêm đông buốt giá. Cuối năm 1943, Poitier khai man tuổi để và gia nhập Quân đội, phục vụ tại một bệnh viện cựu chiến binh ở Long Island.

    Sau đó, ông lại khai dối mình mắc chứng rối loạn tâm thần để có thể xuất ngũ vào năm 1945 và trở lại New York. Đó là lúc ông đọc trên tờ The Amsterdam News một mẩu tin cho biết Nhà hát Da đen Hoa Kỳ (American Negro Theater) đang tìm diễn viên. Ông đến thử. Thất bại. Chất giọng đặc sệt Tây Ấn (West Indian) của ông khiến người nghe không có cảm tình. Frederick O’Neal, người sáng lập American Negro Theater, tiễn Poitier ra cửa, dặn dò: Nên đi về tìm nghề khác, chẳng hạn rửa bát.
    Với giải Oscar 1964 (ảnh: John Kisch Archive/Getty Images)
    Không nản, Poitier mua một cái radio để luyện tiếng Anh. Một đồng nghiệp tốt bụng tại nhà hàng nơi ông rửa bát đã giúp Poitier rèn thêm kỹ năng đọc. Poitier cuối cùng giành được một suất vào trường đào tạo diễn xuất của nhà hát, nhưng chỉ sau khi ông tình nguyện làm gác cổng không lương. Cơ duyên may mắn đến khi một diễn viên khác tại nhà hát, Harry Belafonte, không có mặt trong một buổi tập (có sự tham gia của một nhà sản xuất Broadway). Poitier được chọn thay và được giao một vai nhỏ trong vở “Lysistrata” vào năm 1946…

    Chỉ vài năm sau, Poitier đã không chỉ bước lên sân khấu lộng lẫy Broadway mà còn bước vào Hollywood. Ngay từ bộ phim đầu tiên “No Way Out” (1950), Poitier đã được giới phê bình khen ngợi hết lời. Năm 1959, Poitier trở lại sân khấu Broadway trong vở “A Raisin in the Sun” của Lorraine Hansberry và lập tức lại được tán thưởng. “Ông Poitier là một diễn viên đáng chú ý với sức mạnh dữ dội và luôn biết cách kiểm soát” – Brooks Atkinson viết trên tờ The New York Times…
    Tại đêm Oscar 2014 (ảnh: Axelle/Bauer-Griffin/FilmMagic)
    Với sự bùng nổ khai thác đề tài chủng tộc đầu những năm 1970, Poitier chuyển sang làm đạo diễn và sản xuất. Ông là người đưa ý tưởng cho bộ phim hài lãng mạn “For Love of Ivy” (1968), trong đó ông đóng vai chính với Abbey Lincoln. Sau khi hợp tác với Paul Newman và Barbra Streisand năm 1969 để thành lập công ty sản xuất phim ảnh có tên First Artists, Poitier làm đạo diễn cho bộ phim Viễn Tây “Buck and the Preacher” (1972)… Đến thập niên 1980, Sidney Poitier đã trở thành một tượng đài lớn ở Hollywood. Năm 1991, ông xuất hiện với vai chính trong bộ phim truyền hình ABC “Separate but Equal”, nói về cuộc đời Thẩm phán Tối cao Pháp viện Thurgood Marshall. Năm 1997, ông được giới phê bình tán dương với vai Nelson Mandela trong “Mandela và de Klerk”.

    Năm 2000, Poitier từ giã sự nghiệp diễn xuất, và ấn hành hồi ký The Measure of a Man: A Spiritual Autobiography, trong đó nhấn mạnh rằng nỗ lực cả đời của ông đều được gieo cấy từ những nguyên tắc định hình từ cha của ông cũng như nhiều người khác mà ông ngưỡng mộ. Năm 2002, Poitier được trao Oscar danh dự cho sự nghiệp điện ảnh (cũng tại lễ trao giải Oscar này, Denzel Washington trở thành nam diễn viên da đen đầu tiên giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất kể từ cột mốc mà Poitier đạt được năm 1964). Năm 2009, Tổng thống Barack Obama trao Huân chương Tự do Tổng thống cho Sidney Poitier…
    Được Tổng thống Barack Obama trao ‘Medal of Freedom’; Tòa Bạch Ốc, ngày 12 Tháng Tám 2009 (ảnh: Win McNamee/Getty Images)
    Dù được Hollywood nói riêng và nước Mỹ nói chung nhìn nhận như là một trong những người giúp thay đổi nhận thức xã hội Mỹ về chủng tộc và có vai trò lớn trong việc mở ra cánh cửa cho các thế hệ diễn viên da đen sau này, Sidney Poitier vẫn luôn khiêm tốn khi nói về sự nghiệp mình. “Lịch sử sẽ xem tôi đơn giản như là một thành tố nhỏ bé trong một sự kiện lớn hơn đang diễn ra, (tôi) chỉ là một năng lượng, có thể cần thiết, nhưng cũng chỉ rất nhỏ”.
    Attached Files
Working...
X