Announcement

Collapse
No announcement yet.

DẦU NHỊ THIÊN ĐƯỜNG: Thần dược trị bá bệnh của một thời

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    DẦU NHỊ THIÊN ĐƯỜNG: Thần dược trị bá bệnh của một thời

    Sau năm 1975, dầu Nhị Thiên Đường đã ngừng hoạt động. Dòng họ Vi ra định cư nước ngoài, và nhãn hiệu Nhị Thiên Đường tuy không còn sản xuất ở Việt Nam, nhưng vẫn được chế tạo ở nước ngoài.


    Thời "bao cấp" xuất hiện những chai dầu Nhị Thiên Đường giả mạo, sau này người Việt xài dầu Nhị Thiên Đường sản xuất ở Hong Kong nhập về.

    Khi còn học cấp I, bọn trẻ con chúng tôi đều biết câu đồng dao: "Nhất dương chỉ, Nhị thiên đường, Tam tông miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá", bốn câu sau lúc đó chưa biết là gì, chỉ biết hai câu đầu. Nhất dương chỉ là môn võ tuyệt luân trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, mà ngày đó kiếm hiệp Kim Dung người miền Nam phần nhiều đều nằm lòng. Dầu Nhị Thiên Đường còn phổ biến rộng rãi hơn vì phụ nữ, nhất là các cô, các bà lớn tuổi, ít có ai mà không có trong túi một lọ dầu ve bằng ngón út đựng ít dầu màu nâu đỏ mang nhãn hiệu ông Phật mập này.

    Dầu xài mọi lúc, mọi nơi

    Tôi hồi nhỏ vẫn được bà nội thỉnh thoảng nhờ ra tiệm tạp hóa mua chai dầu Nhị Thiên Đường mỗi khi hết. Rất khó quên cái cảm giác cầm về hộp giấy vuông vức, lấy chai dầu đưa cho bà, còn hộp giấy và tờ hướng dẫn sử dụng chữ nhỏ li ti thì gỡ ra liệng vô sọt rác. Hãng sản xuất luôn kèm tờ hướng dẫn gấp nhỏ cuộn sẵn trong khi người dùng chẳng mấy khi xem vì đều biết rõ cách dùng từ lâu.

    Dầu Nhị Thiên Đường lúc đó được bà con lao động gọi là "dầu trị bá bệnh" vì hễ khó ở là người ta lấy ra xài. Đau đầu lấy ra thoa hai bên thái dương, ho thoa cổ, đau bụng thoa chỗ bao tử, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió thì thoa lưng, đau cơ ở đâu thì thoa ở đó. Cần xông hơi khỏi cần kiếm lá xông chi mắc công, nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là xong, chẳng may trúng thực cũng cho vài giọt vào ly nước nóng mà uống. Thậm chí côn trùng cắn, dị ứng cũng thoa, rồi mèo cào, gai xước, chảy máu thì dầu xài như thuốc sát trùng hay cồn y tế. Đến mức sâu răng cũng lấy cây tăm quấn miếng bông gòn thấm dầu chấm vào chỗ đau nhức… thì đúng là xài dầu đã quá nên thành… nghiện.

    Nhiều người miền Bắc rất ngạc nhiên khi thấy người miền Nam, kể cả nam giới thường hay bỏ trong túi một lọ dầu nước như một thứ bửu bối phòng thân khi ra đường. Đó là thói quen dùng dầu gió rất khó bỏ một thời.

    Một thời vang bóng

    Dầu Nhị Thiên Đường là sản phẩm của nhà thuốc Nhị Thiên Đường của người Quảng Đông do gia đình họ Vi sáng lập. Ban đầu chỉ xuất hiện ở những khu vực có người gốc Quảng Đông ở Chợ Lớn, sau lan dần ra vì người Việt dùng rất nhiều, đây là một trong những sản phẩm rất lâu năm ở Việt Nam, có cơ sở khác ở Malaysia, Singapore... Tại Chợ Lớn, nhà thuốc đặt ở 47 Canton, sau này là đường Triệu Quang Phục. Trong cuốn niên giám Đông Dương 1933-1934 còn ghi lại rõ ràng: Nhị Thiên Đường Pharmacie asiatique 47 rue de Canton, Telephone no 58, Directeur Vi-Khai Chợ Lớn.

    Sản phẩm chủ lực ban đầu của nhà thuốc Nhị Thiên Đường là ngoại cảm tán, một loại thuốc trị cảm rất hiệu nghiệm, bán rất chạy. Ngoài ra còn dầu, gồm hai loại: dầu gió nước và dầu cù là cùng mang tên Nhị Thiên Đường.

    Giai đoạn đầu dầu cù là bán được, vì lúc đó người miền Nam ưa dùng dầu cù là, trong đó có hiệu Mac Phsu do người Miến Điện (còn gọi là người Cù Là) sinh sống ở Việt Nam bán. Dầu cù là Mac Phsu cũng đi vào câu đồng dao "Bòn bon sicula, bánh tây sữa hột gà, dầu cù là Mac Phsu" cho thấy sản phẩm cũng rất được ưa chuộng nhưng sau này nhiều người thích chuyển qua xài dầu gió dạng nước hơn và đó cũng là lúc mà dầu Nhị Thiên Đường lên ngôi, bán khắp cả Đông Dương. Thậm chí đã có lúc chữ Nhị Thiên Đường được dùng để nói về dầu gió, tương tự như Honda được dùng để nói về xe máy. Mãi sau này dầu Nhị Thiên Đường mới có một đối thủ xứng tầm là dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín.

    Cây cầu mang tên Nhị Thiên Đường

    Bên bờ kênh Đôi thuộc quận 8, trên trục lộ giao thông từ Sài Gòn đi Long An có một cây cầu bắc qua được xây từ năm 1925 bởi nhà thầu Vallois-Perret. Cầu có nhiều nét kiến trúc rất đẹp, đặc biệt ở phần ban công thép và các trụ đèn trên cầu có nét đặc trưng không thể lẫn lộn với bất cứ cây cầu nào khác.

    Do cầu từ lúc xây dựng đã mang tên Nhị Thiên Đường và đã có khá nhiều giai thoại về tên gọi này.

    Có giai thoại cho rằng trước đây nhà máy sản xuất thuốc và dầu Nhị Thiên Đường nằm ở bên phía đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Dũng, còn công nhân thì ở khu vực ngoại thành phía bên kia kênh Đôi. Hằng ngày để đi đến chỗ làm các công nhân đều phải đi đò qua kênh Đôi rất mất thời gian và nguy hiểm. Ông chủ Nhị Thiên Đường quyết định bỏ tiền cùng với chính phủ Nam Kỳ lúc đó xây nên cây cầu này để làm việc thiện cho dân chúng thuận tiện đi lại, trong đó có các công nhân của ông. Cũng có giai thoại cho rằng khi xây cầu thì chính phủ Nam Kỳ vận động ông chủ Nhị Thiên Đường ủng hộ một phần tiền xây cầu để đổi lấy việc đặt tên cầu chứ không phải toàn bộ kinh phí xây cầu vì số tiền này rất lớn.

    Giai thoại khác là kinh phí xây cầu đều do chính phủ Nam Kỳ lúc đó bỏ ra. Do ở gần ngay nơi chân cầu vốn có một dãy nhà kho lớn là nơi chứa gạo và sản phẩm của dầu Nhị Thiên Đường. Trước đây địa điểm này được dân chúng gọi là kho Nhị Thiên Đường nên khi xây cầu xong, người ta lấy luôn tên Nhị Thiên Đường đặt tên cho cây cầu.

    Không rõ trong các giai thoại trên cái nào là chính xác nhất nhưng chắc chắn là đều có liên quan đến nhãn hiệu Nhị Thiên Đường.

    Quảng cáo và quảng bá chữ Quốc ngữ

    Để trở thành một thương hiệu lớn, đương nhiên không thể thiếu sự thành công của sự quảng cáo. Để quảng bá nhãn hiệu Nhị Thiên Đường, ông chủ đã chọn cách khá độc đáo, đó là thay vì đăng quảng cáo trên sách, báo thì ông ta thuê một số trí thức viết ra các bộ sách quảng cáo bằng chữ Quốc ngữ, luôn cả chữ Pháp và Hán gọi là "Vệ sinh chỉ nam". Trong cuốn sách này in đầy hình ảnh và chữ quảng cáo cho các cao đơn hoàn tán của Nhị Thiên Đường, đồng thời in kèm vào trong đó các loại thơ văn để người xem có thể đọc thêm. Chẳng hạn bên cạnh quảng cáo dầu cù là Ông Tiên là trích đoạn thơ Lục Vân Tiên, bên cạnh nhãn hiệu Nhị Thiên Đường là từng phần Nghĩa hiệp kỳ duyên, bộ truyện ngôn tình rất ăn khách về mối tình Việt - Khmer lúc đó của Nguyễn Chánh Sắt hay còn gọi Chăn Cà Mum (tên nhân vật chính). Nhiều khi khách đang đọc quảng cáo thuốc xổ lãi thì được đọc thêm Hậu chàng Lía, hay các mối tình uyên ương ly hận của Hồ Biểu Chánh...

    Ban đầu mấy tập sách này tặng cho khách mua thuốc hay khách qua đường để quảng cáo nhưng sau khách xin nhiều quá để đọc nên cuối cùng nhà thuốc phải in số lượng lớn và bán với giá rẻ, chỉ vài cắc một bản. Sách này không bán ở nhà sách mà bán ở chợ, bến xe… cho người lao động, khách bình dân mua đọc.

    Những nhà văn không có tiền in sách đã chọn cách đưa in ở sách quảng cáo nhà thuốc, đây cũng là một cách thức tốt để đưa được tác phẩm đến với người đọc.

    Trong cuốn Phê bình và cảo luận, nhà phê bình Thiếu Sơn đã kể lại: "Lần đầu tiên tôi được đọc cụ Hồ Biểu Chánh trong một cuốn sách quảng cáo của nhà thuốc Nhị Thiên Đường. Tôi để ý tới tiểu thuyết của cụ rồi kiếm coi ở loại sách như những truyện Tàu in xấu, để hạ 4 cắc mà luôn luôn bán dưới giá đó. Khi tôi gặp cụ, tôi thường khuyên cụ soạn lại tất cả tiểu thuyết của cụ cho in lại, trình bày như loại sách của Tự Lực Văn Đoàn của Tao Đàn hay Tân Dân. Cụ nghe ý kiến của tôi một cách chăm chú có vẻ tán thành nhưng rồi lại bỏ qua cho đến nỗi tới nay muốn đọc lại những tác phẩm của cụ cũng không biết kiếm đâu có mà đọc".

    Vì sao nhà văn Hồ Biểu Chánh không muốn in sách đẹp? Vì ông biết nếu sách in đẹp sẽ phải bán giá mắc và như vậy sẽ không đến được tay những độc giả bình dân thân thiết của ông. Chính nhờ những cuốn sách quảng cáo giá rẻ in xấu như Vệ sinh chỉ nam của nhà thuốc Nhị Thiên Đường mà văn chương chữ Quốc ngữ bình dân giai đoạn đó đã hết sức phong phú và phổ biến rộng khắp trong tầng lớp dân chúng.


  • Font Size
    #2
    Originally posted by trungthuc View Post

    Thời "bao cấp" xuất hiện những chai dầu Nhị Thiên Đường giả mạo, sau này người Việt xài dầu Nhị Thiên Đường sản xuất ở Hong Kong nhập về.
    Những chai dầu di vào đời sống người Miền Nam mãi không quên

    Comment


    • Font Size
      #3
      Thương hiệu lớn từ hẻm nhỏ

      Những cửa lùa, song sắt, khung cửa hình vòm, bộ trà cáu bẩn, tấm hình trắng đen phóng to treo tường như nói lên lịch sử con hẻm đã ngót nghét trăm năm

      Hồi nhỏ, sống ở miền Bắc, bà nội tôi luôn thủ sẵn trong người chai dầu nhãn hiệu "Vạn ứng Nhị thiên dầu" bao gói thô sơ, bất kể cảm sốt, nóng lạnh, ho, đau bụng, tiêu chảy, say xe, say nắng, "tứ thời cảm mạo" đều mang ra xoa, coi như "trị bá bệnh". Chai dầu nhỏ đi vào ký ức thời thơ ấu của tôi.


      Toát lên nét cổ kính

      Hẻm ở Chợ Lớn bây giờ đều mang quy cách chung là đánh số theo mặt tiền đường phố nhưng người Chợ Lớn chỉ nhớ tên hẻm mình ở, có khi chẳng rõ là nhà số mấy. Chẳng hạn, Hào Sỹ Phường mang số 206 đường Trần Hưng Đạo B, cổng chào do Chú Hỏa đề tự đã biến mất từ khi nào không hay, thay bằng chằng chịt biển quảng cáo.

      Bảng hiệu những hẻm khác cũng đều được thay bằng chỉ dẫn các khu dân cư, khu phố văn hóa... Nơi còn giữ được bảng tên ban đầu e chỉ còn 2 hẻm Tô Châu và Thái Hồ.


      Cầu Nhị Thiên Đường được xem là làm bằng xi-măng cốt thép đầu tiên ở Đông Dương


      Từ trung tâm TP theo đường Trần Hưng Đạo B về Chợ Lớn, đến giao lộ với đường Nguyễn Văn Đừng có 2 hẻm gần nhau là Tô Châu (số 37) và Thái Hồ (số 55; đều thuộc phường 6, quận 5), là 2 hẻm Chợ Lớn xưa được lưu lại hoàn chỉnh nhất.

      Lối vào 2 hẻm này đều có chữ "Thái Hô Hạng" và "Tô Châu Lý" đúc bằng xi-măng, toát lên những nét cổ kính đã rêu phong theo dòng chảy thời gian. Ngoài cổng 2 hẻm vẫn là "lầu không đáy" (tầng trệt và hồi lang là lối đi công cộng). Những cửa lùa, song sắt, khung cửa hình vòm, bộ trà cáu bẩn, tấm hình trắng đen phóng to treo tường… như nói lên lịch sử con hẻm đã ngót nghét trăm năm.

      Tương truyền, ông Tô Châu là chủ của toàn bộ nhà hẻm này. Nghe kể lại vậy chứ ở đây giờ không ai biết mặt mũi ông ra sao. Gia đình ông đã rời đi từ trước năm 1975, nghe đâu về Đài Loan, để lại cả 2 dãy phố người ta đang thuê và cả cái tên Tô Châu trên bảng hiệu đầu hẻm. Toàn bộ nhà trong hẻm đều xây theo một kiểu ống, ngang 4 m, dài 20 m, cửa sắt kéo, cửa sổ lá sách bên trong có chấn song. Đó là lý do bộ phim truyền hình "Đất khách" quay vào những năm 90 của thế kỷ trước đã chọn nơi đây làm ngoại cảnh. Đã hơn 20 năm trôi qua, tôi thấy căn nhà số 51C của bà Quan Tô Nữ được chọn làm nơi ở của Lệ Mai (Thanh Thúy đóng), từ ngoại quan đến nội thất vẫn cổ kính như xưa.


      Món nợ âm ỉ

      Cuộc sống tuy ổn định nhưng người cố cựu trong hẻm đôi khi nhắc nhớ một món nợ âm ỉ. Họ bảo nhau: "Ông chủ đã đi từ đời tám hoánh. Bây giờ muốn trả tiền thuê nhà cũng chẳng biết trả cho ai. Thôi thì cứ ở vậy!". Họ thầm biết ơn ông, nhắc lại như một huyền thoại ngày càng lùi xa trong ký ức.

      Theo nữ nhà báo Đào Nhiên (Báo Sài Gòn Giải Phóng bản tiếng Hoa) - một người am hiểu về Chợ Lớn xưa - kể lại thì hoàn toàn khác. Hai hẻm trên gồm 99 căn hộ, thuộc quyền sở hữu của ông chủ hãng dầu Nhị Thiên Đường Vi Thiếu Bá. Xưởng dầu đặt ở góc đường Đồng Khánh và Nguyễn Văn Đừng, dãy nhà từ số 31-57, bao gồm cả 2 hẻm Tô Châu và Thái Hồ, đều là tài sản của ông Vi Thiếu Bá, hình thành khu phố Xóm Dầu lẫy lừng một thời. Nhà báo này còn nhớ hồi nhỏ từng đi chơi ở "Công viên Nhị Thiên Đường" ngay sau 2 hẻm này.

      Tôi tin Đào Nhiên vì câu chuyện bà kể "có mắt có mũi" hẳn hoi. Tôi cũng đã lân la tìm hiểu qua những bậc cao niên kỳ lão và sưu tầm được những tư liệu khá thú vị.

      Ông Vi Kính Trang là người huyện Tam Thủy, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, đến Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ trước, hành nghề bói toán, đồng thời tinh thông nghề y. Ông sáng lập dòng thuốc "Hiệu ông Phật" có mặt tại Việt Nam vào những năm 1900, lấy vợ người Việt, sinh ra con trai là Vi Thiếu Bá. Cho nên, ông Vi Thiếu Bá là người Hoa bản địa đời thứ 2 có 50% dòng máu Việt.

      Ông Bá tốt nghiệp trường kinh doanh và trường trung cấp y khoa của Pháp; thông thạo tiếng Pháp, Anh, Việt, Trung. Nhà thuốc được thành lập sau khi ông du học trở về Việt Nam. Ông này quan niệm "ân dĩ thực vi thiên (lời trong Đạo đức Kinh của Lão Tử), "dĩ dược vi đệ nhị thiên" (dân coi miếng ăn như trời, coi thuốc là trời thứ 2), nên đã lấy tên Nhị Thiên Đường, vẫn kế thừa nhãn ông Phật của cha.

      "Nhị Thiên Đường Chế Dược Xưởng" có khoảng 350 công nhân, đặt ở khu đất số 31-57 Đồng Khánh. Do thời đó xưởng còn sản xuất bằng phương pháp bán thủ công nên mặt bằng nhầy nhụa, đó chính là nguồn gốc tên xóm Dầu của khu vực kể trên.

      "Nhị Thiên Đường dược hãng" là trung tâm mua bán, đặt tại số 47 phố Quảng Đông (nay là đường Triệu Quang Phục, quận 5). Ba chữ "Nhị Thiên Đường" gắn ở tầng trên đã bị chủ sau đục nhưng nay vẫn còn dấu vết. Các sản phẩm dầu gió, cao nóng được giới quý tộc cũng như bình dân tin dùng. Việc phân phối sản phẩm được mở rộng từ Việt Nam sang các TP lớn ở Campuchia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Phi châu, Philippines và Trung Quốc... Năm 1930, hãng phát triển cơ sở sản xuất tại Hồng Kông, Quảng Châu (Trung Quốc) giống như mô hình ở Chợ Lớn. Ông Bá cũng đặt đại lý ở 76 phố Hàng Buồm - Hà Nội và số 18 Gia Hội - Huế. Các sản phẩm của hãng vào lúc thịnh hành gồm: Vạn ứng Nhị thiên dầu ve vuông, phát lãnh hoàn, sâm nhung bổ thận hoàn, phụ khoa kim phụng hoàn, sâm nhung vệ sinh hoàn.

      Ông Bá từng được vua Bảo Đại và Vương quốc Campuchia trao thưởng Huân chương vàng. Năm 1932, ông được người Pháp trao "Long Bảo Tinh" về những cống hiến. Doanh nhân gốc Hoa ở hải ngoại được vinh danh như thế là hiếm có. Năm 1944, ông Vi mất ở Hồng Kông, hưởng dương 50 tuổi, để lại 2 vợ cùng 10 con trai, 14 con gái (cũng có nguồn cho rằng ông có 4 vợ, 12 con trai, 16 con gái); các con của ông như Cơ Trạch, Cơ Ân nối nghiệp cha. Năm 1946, Bệnh viện Trung Chánh được thành lập (nay là Bệnh viện 7A, quận 5), các con ông quyên tặng một tòa lầu, lấy tên "Thiếu Bá lâu" để kỷ niệm ông, nay đã dỡ bỏ.

      Các con ông Cơ Trạch, Cơ Ân cũng nối nghiệp cha. Đến năm 1954, các cơ sở được hợp nhất thành Công ty TNHH Nhị Thiên Đường và duy trì thương hiệu đến sau này.


      Vang danh một thời

      Cầu mang tên "Nhị Thiên Đường" ở quận 8, bắc qua kênh Đôi (kênh Tàu Hủ), không những vinh danh người đã xây dựng giúp giao thông phía Tây Nam TP thêm thông suốt mà còn luôn khiến tôi hoài niệm về một thương hiệu dầu gió vang danh một thời của Đông Nam Á.

      Đầu thế kỷ trước, vùng quận 8 bây giờ còn hoang vu, dân cư thưa thớt. Bên kia kênh Tàu Hủ là trại vịt, lò ấp vịt và nơi tập kết gà vịt từ miền Tây lên. Công nhân của Nhị Thiên Đường có nhiều người ở gần vùng trại vịt, ngăn sông cách trở. Thấy vậy, ông Vi Thiếu Bá liền bỏ tiền xây dựng cây cầu mang tên Nhị Thiên Đường.

      Những năm đầu sau 1975, cầu Nhị Thiên Đường vẫn còn đẹp lắm, có đường cong thướt tha khoác cho mình chiếc áo màu xanh lá cây mềm mại với những hàng trụ đèn được thiết kế thật thanh thoát, mỹ thuật, khiến tôi liên tưởng đến một cây cầu bắc ngang dòng sông Seine ở thủ đô Paris nước Pháp. Ông Bá đã thuê nhà thầu là Công ty Xây dựng Levallois Perret (Pháp) thiết kế, thi công, hoàn thành cầu này vào năm 1925.

      Trên 2 tấm biển đúc bằng gang gắn ở 2 trụ đầu cầu có ghi rõ năm khánh thành và công ty xây dựng. Nhà văn Sơn Nam hồi còn sống kể rằng khắp xứ Đông Dương hồi ấy người ta chỉ làm cầu sắt, đây là cầu đầu tiên bằng xi-măng cốt thép. Toàn bộ vật liệu thép, xi-măng được đưa từ Pháp sang, chỉ có nhân công là người bản địa. Họ làm kỹ đến mức suốt gần trăm năm, sau bao nhiêu vật đổi sao dời, mưa nắng gió bão, cây cầu vẫn sừng sững khoe vẻ đẹp một cách kiêu hãnh.

      Sau năm 1975, do kinh tế khó khăn, cầu không được chăm sóc, tu bổ bảo dưỡng nên xuống cấp rất nhanh. Những lan can gỉ sét chẳng ai sơn phết lại nên mục dần. Đèn chiếu sáng bị tháo trộm chỉ còn trơ trụ. Màu xanh nguyên thủy mát mắt của cầu biến thành màu bạc phếch. Trụ đèn từng một thời kiêu hãnh nay đứng buồn trầm mặc. Ban đêm tối om. Cầu cứ mỗi ngày một xuống cấp như một chứng tích về thời khó khăn, thiếu thốn sau giải phóng.




      Nhị Thiên Đường tuy đã chấm dứt hoạt động sản xuất tại Việt Nam nhưng một cây cầu mang tên Nhị Thiên Đường vẫn còn đó, hàng trăm căn nhà khu vực 31-37 Trần Hưng Đạo B được ông Bá cho người nghèo thuê với giá thấp sẽ mãi mãi lưu danh ông!

      Giữ lại chút xưa
      Bây giờ thì kênh Tàu Hủ đã có cầu mới, 2 cầu song song theo 2 chiều lưu thông nhưng vẫn cùng mang cái tên thân thương ấy. Cầu mới thứ nhất được thông xe giữa năm 2005, cầu mới thứ hai hoàn thành việc nối hai bờ vào cuối tháng 10-2017, chỉ có một số chi tiết nhỏ như lan can, trụ cột đèn cũ được bảo tồn, hẳn là giữ lại một chút Sài Gòn xưa cho người thích hoài cổ như tôi.

      Bài và ảnh: Lữ Khách
      https://nld.com.vn/thoi-su/thuong-hi...8205155054.htm


      Comment

      Working...
      X