Announcement

Collapse

Happy Easter

THÂN CHÚC MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, VUI VẺ
ĐẾN VỚI CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH

LV
See more
See less

Nỗi nhớ tết dịu dàng

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Nỗi nhớ tết dịu dàng

    Click image for larger version

Name:	images?q=tbn:ANd9GcQpF8OlEYaLejPwOmTHzlzpLlZBqMYC27Sfrw&usqp=CAU.jpg
Views:	429
Size:	9.2 KB
ID:	89436

    1. ĐÊM BA MƯƠI HUYỀN DIỆU

    Ông bà mình có câu “Thấy 30 chưa phải là Tết” với nghĩa bóng, rằng sự gì chưa nắm trong tay là chưa vội mừng, chưa chắc ăn. Nhưng với nghĩa đen, theo tôi, thì không hẳn thế, vì Ba Mươi mới chính là Tết, thậm chí còn…vui hơn Tết, nên mới có lời thơ “Còn đêm nào vui bằng đêm Ba Mươi” đấy thôi!

    Ngày Ba Mươi, sau một tuần bận rộn dọn dẹp kể từ ngày 23 Ông Táo, là ngày cuối cùng gấp rút cho mọi công việc để đón năm mới. Cứ khoảng 6-7 giờ tối, sau khi nhà cửa yên ổn sạch sẽ, chỉ còn dưới bếp bà chị Hai vẫn âm ỉ vài món ăn cho đêm Giao Thừa và sáng Mồng Một, tôi và nhỏ bạn thân có thói quen rủ nhau chạy xe lên chợ Xóm Mới mua bánh gai nóng hổi mới ra lò, mang về bày biện thêm cho mâm thức ăn ngày Tết.

    Đường đi chỉ hơn cây số, lại chạy xe máy, nhưng phải dừng lại rất nhiều lần vì các trạm…đốt pháo của đám thanh niên nghịch phá giữa đường. Mà hình như họ chỉ chờ phụ nữ hay con gái đi ngang, là bắt đầu đặt ngay viên pháo, úp cái lon sữa bò lên, rồi hò hét nhau bịt lỗ tai…chạy xa. Chúng tôi, cũng nhờ có “thâm niên kinh nghiệm” nên thường tránh kịp, dừng xe lại, chờ pháo nổ…banh ta lông rồi tiếp tục đi tiếp. Có nơi, đám thanh niên lại chơi kiểu quăng pháo, cũng may là họ quăng trước hay sau xe, chứ không trúng vào người, nhưng cũng gây ra bao phen ú tim, la hét tưng bừng…

    Cứ như thế, cả đường đi lẫn đường về, cộng với thời gian mua bánh gai (có khi còn đứng ăn tại chỗ một cái trước cho ấm bụng và lấy sức…tránh pháo), thì mất cỡ một hai tiếng, về đến nhà thì trời thật sự “tối đen như đêm 30”, vẫn còn hồi hộp, run lẩy bẩy vì những “trạm pháo phá làng phá xóm” ngoài kia!

    Sợ thì sợ vậy, mà cũng thật mau quên, thành ra tối Ba Mươi năm nào cũng phải đi mua bánh gai, hay vì nhớ cái cảm giác phiêu lưu, tim đập mạnh, dáo dác nhìn hai bên đường để tránh pháo, mà lòng lại vui lâng lâng, niềm vui đêm giao thừa của tuổi trẻ?
    (Đúng là…yếu mà khoái ra gió)

    Và như thế, dù hồi đó cũng có một, hai mối tình vắt vai, nhưng tôi chưa bao giờ được một lần lãng mạn “Em đến thăm anh đêm Ba Mươi” như bài hát của Vũ Thành An, vì còn phải bận đi mua…bánh gai!

    2. XÓM CŨ THÂN YÊU

    Nhà tôi, thuở đó, thuộc Phường 10 Quận Gò Vấp, vùng ven đô, hay còn được gọi là vùng “nửa chợ nửa quê”, vì nó không xa phố thị Sài Gòn và cũng rất gần ruộng vườn.

    Nếu đi từ Ngã Năm Chuồng Chó, chạy xe đạp, lên Phú Nhuận cỡ chừng 10 phút, rồi chạy thêm khoảng 15 phút nữa là đến trung tâm đường Hai Bà Trưng, rồi lên đường Đồng Khởi, Nhà Thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành… Nếu đi hướng ngược lại, về An Nhơn, là đến An Phú Đông rợp bóng mát cây xanh, vườn tược, mà còn có cả con sông bé tí, với một bến đò ngang thơ mộng. Hoặc đi theo hướng Thông Tây, nếu rẽ phải là lên Xóm Mới, một thời oanh liệt với nhiều lò sản xuất pháo lừng danh, qua cầu Sắt là gặp Xa Lộ Thủ Đức gió lộng, còn rẽ trái là lên phường 12 Thông Tây, nơi từng nổi tiếng là vườn trồng hoa Tết, cung cấp rất nhiều cho thị trường Sài Gòn mỗi dịp Xuân về.

    Từ giữa tháng Chạp là thời gian nhộn nhịp nhất, khu vườn hoa rực rỡ đủ sắc màu cả một vùng không gian. Dòng người đi tảo mộ ở những nghĩa trang gần đó đều ghé vào mua những bó hoa tươi thắp mộ cho người thân. Tôi và lũ bạn, khi tan học, ghé nhà đứa bạn có vườn vú sữa, cả đám ngồi dưới tàn cây, đàn ca và ăn vú sữa… rụng trong gió Xuân hây hẩy, rồi trên đường về, ngang qua những vườn hoa toả mùi thơm ngào ngạt. Dân xóm tôi hay rủ nhau đi mua hoa thật trễ (ỷ nhà gần vườn mà), lúc đó giá hoa rất rẻ, có khi gần như là cho không, nhất là hoa vạn thọ hay hoa cúc vàng, các chủ vườn hớn hở hào phóng, cám ơn những vị khách muộn màng giúp họ thanh toán những luống hoa cuối cùng để còn lo dọn dẹp đón Tết.

    Những buổi chiều cuối năm, tôi thích ngồi trước quán nước nhà mình, ngắm những chiếc xe ba gác chở đầy hoa từ vườn Thông Tây hoặc chở đầy pháo từ Xóm Mới, trực chỉ trung tâm Sài Gòn cho người người mua sắm.

    Thế đấy, cần gì phải chờ đến Tết, khi mà những buổi sáng trời trong veo, nhà nhà mang lư đồng, chén dĩa kiểu, bàn tủ ra sân chùi rửa rộn ràng. Đám con nít trong hẻm cũng biết lợi dụng thời cơ lúc ba má dọn dẹp cửa nhà để gầy các sòng bầu cua cá cọp cãi nhau ồn ào. Mấy chị em tôi mang dưa kiệu ra mảnh sân xi măng sau nhà phơi khô và khi chiều tối, nhóm thanh niên có máu văn nghệ ngồi đàn đúm bên bếp lửa canh nồi bánh chưng của nhà kế bên, với cây guitar thùng, bập bùng những điệu nhạc bolero thiết tha, nồng nàn: “Đón Xuân này tôi nhớ xuân xưa, hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa …” là đã thấy cả Mùa Xuân đang đến rồi.

    Một phần tư thế kỷ trôi qua, xóm nhỏ của tôi theo bể dâu biến đổi, hàng xóm bè bạn cũng lưu lạc bốn phương trời. Tôi nhớ có lời đồn rằng, vì sinh ra và lớn lên ở vùng “nửa chợ nửa quê”, nên nhiều cư dân nơi này thường có tính khí…ba rọi, nửa tỉnh nửa mê. Ngẫm mà đúng thật, vì có tôi đây, nơi xứ tuyết trắng Canada, đang mê man thương nhớ về những ngày Tết nắng rực vàng, của một thời xa lắc xa lơ…

    Edmonton, Xuân Nhâm Dần 2022
    KIM LOAN
Working...
X