Announcement

Collapse
No announcement yet.

Năm Dần nói chuyện Con Cọp

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Năm Dần nói chuyện Con Cọp


    Click image for larger version

Name:	ZY031RMO.jpg?download=1.jpg
Views:	453
Size:	34.5 KB
ID:	90801

    Không hiểu sao 12 con giáp, người xưa lại đặt anh cọp đứng sau anh trâu. Xét về thân, dáng và tính tình thì hai anh này khác nhau một trời một vực. Anh trâu to lớn, gồ ghề, mình đen trùi trũi, đầu to, sừng cong, nhọn và& cũng khoẻ ra phết, bởi thế người ta mới có câu ví là: “Khoẻ như trâu”. Tuy to lớn gồ ghề và khoẻ mạnh như vậy, nhưng trâu lại chậm chạp, hiền lành nếu không muốn nói là hơi đần. Vì thế mà ông Học Lạc mới có bài thơ nói về anh trâu như thế này:

    CON TRÂU
    Mài sừng cho lắm cũng là trâu
    Gẫm lại mà coi thật lớn đầu
    Trong bụng lem nhem ba lá sách
    Ngoài cằm lém đém một chòm râu
    Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy
    Chịu lễ bôi chuông nhớn nhác sầu
    Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ
    Năm dây đàn khảy biết nghe đâu...!

    Khác hẳn với anh trâu, cọp không đen trùi trũi mà lại khoác bộ áo vằn vện coi rất hách. Tuy không to lớn gồ ghề, đầu to sừng cong như trâu, nhưng trông cọp điển trai hơn. (cọp đực thì điển trai, còn cọp cái thì sao, xinh gái à?) Cọp lại có một phong thái chững chạc, nhanh lẹ và đặc biệt nhất là dữ dằn hơn trâu nhiều; cọp cũng là khắc tinh của trâu, rất thường bắt trâu ăn thịt vì thế mà trâu sợ cọp một vành. Xem trong TV thấy cảnh, nhiều khi chỉ vài con cọp, thậm chí chỉ một con cọp thôi cũng đủ làm cho cả đàn trâu chạy tán loạn.

    “Dần” có lẽ là tên “chữ” của cọp, ngoài ra còn có các tên khác: Hùm, hổ, hầm, khái, kễnh, chúa sơn lâm, ông ba mươi... Muốn nói rõ hơn về một ông ba mươi, thì không gì bằng chép luôn cả bài thơ Nhớ Rừng của Nhà Thơ Thế Lữ ra đây:

    Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt,
    Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
    Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
    Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm.
    Nay sa cơ bị nhục nhằn, tù hãm
    Ðể làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
    Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi
    Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
    Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
    Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.
    Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già
    Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
    Với khí thét khúc trường ca dữ dội
    Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng,
    Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
    Vờn bóng âm thầm lá gai, cỏ sắc.
    Trong hang tối mắt thần khi đã quắc
    Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
    Ta biết ta chúa tể của muôn loài
    Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
    Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
    Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
    Ðâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn
    Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
    Ðâu những buổi bình minh cây xanh nắng gợi
    Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
    Ðâu những chiều lênh láng máu sau rừng
    Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
    Ðể ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

    - Than ôi!
    Thời oanh liệt nay còn đâu!

    Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
    Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
    Những cảnh sửa sang tầm thường, giả dối:
    Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
    Dải nước đen giả suối chẳng thông dòng
    Lẩn lút bên những mô gò thấp kém;
    Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm
    Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
    Của chốn ngàn năm cao cả, âm u .

    Hỡi oai linh cảnh nước non hùng vĩ
    Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
    Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
    Nơi ta không còn được thấy bao giờ!

    Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
    Ta đang theo giấc mộng vàng to lớn
    Ðể hồn ta phảng phất được gần ngươi
    Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

    Cọp tuy oai hùng, sừng sỏ như thế, nhưng cứ vô tư mà nói thì ngoài bộ da, bộ xương và nằm trong sở thú cho người ta coi chơi:

    “Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
    Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
    Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm”

    Ðối với con người, cọp không hữu dụng bằng trâu. Trâu chỉ ăn cỏ nhưng giúp người nông dân cầy bừa, kéo xe kéo lúa và cuối cùng là cho người ta thịt, chứ chưa thấy sách báo nào nói tới ăn thịt cọp bao giờ, có khi cọp còn làm hại con người nữa. Bởi vì cọp là loài thú dữ ăn thịt sống, thức ăn của cọp thường là động vật ăn cỏ như hươu, nai, lợn rừng, trâu bò... Ðôi khi không kiếm được thú rừng, đói quá cọp cũng dám mon men về khu người ở mò vào chuồng nhà người ta bắt trộm trâu, bò, lợn, gà... Có khi ngay cả con người cọp cũng không “ke”, thế nên đã có nhiều người đi rừng bị cọp vồ. Còn chó khi thấy cọp thì cụp đuôi, chân khuỵu xuống, nằm run rẩy mời ông cọp cứ tự nhiên tới mà xơi!

    Ðối với Văn Hoá Việt Nam thì cọp, hùm, hổ, ông ba mươi là biểu tượng của sự hùng cường, của sức mạnh. Nhiều tác phẩm Văn Học đã viết về cọp. Không kể bài thơ Nhớ Rừng nổi tiếng của Thế Lữ, ta còn thấy có truyện Thần Hổ của TCHYA Ðái Ðức Tuấn. Có người giải thích TCHYA là chữ viết tắt của “Tôi Chẳng Yêu Ai”. Ðúng sai không biết thế nào? Truyện Thần Hổ đại khái nói về một con cọp đã thành tinh chuyên ăn thịt người. Con cọp này đã ăn thịt một người của một gia đình, sau đó nó lại theo dõi để bắt tiếp một người nữa cũng trong gia đình ấy và mặc dù người này đã nhiều lần tránh né, cuối cùng vẫn không thoát khỏi kiếp nạn. Hồn hai người bị cọp ăn thịt sau đó trở thành nô lệ cho con cọp thành tinh ấy. Cốt truyện chỉ có thế nhưng nhờ văn phong của nhà văn chuyên viết truyện đường rừng TCHYA (Tôi Chẳng Yêu Ai) đượm vẻ huyền bí nên rất kích thích trí tưởng tượng của lứa tuổi học trò ngày ấy.

    Trong lịch sử Việt Nam cũng thấy có ông Lê Văn Khôi là con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt đã tay không đấu với cọp, kết quả cuối cùng đã trói được con cọp ấy. Ðọc truyện Thủy Hử của Tầu cũng thấy có Võ Tòng say rượu đánh nhau với cọp, kết quả Võ Tòng đã đấm con cọp bể đầu phọt óc chết tươi!

    Hà nàm cọp
    Không nhớ rõ năm ấy là năm 1957 hay 1958, gia đình chúng tôi - người viết bài này - sống ở khu phố chợ Dục Mỹ thuộc quận Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Thực ra Dục Mỹ trước kia chỉ toàn là rừng chứ cũng chả có gì đáng nói, chỉ sau khi Sư Ðoàn 23 Bộ Binh QLVNCH đến đóng ở đây, Dục Mỹ mới được mở mang. Có Chùa, có Nhà Thờ và một khu phố chợ rất sầm uất. Gia đình sống ở Dục Mỹ nhưng chúng tôi lại trọ học ở Nha Trang, mà Dục Mỹ cách Nha Trang đến gần 50 cây số nên lâu lâu tôi mới về nhà một lần. Thày bu tôi làm nghề nấu rượu, nuôi lợn. Sau nhà, cách khoảng chừng 20 - 30 mét có một con suối khá lớn, sát ngay bờ suối thày tôi làm cái chuồng lợn. Lợn lớn, lợn bé có khi lên đến mấy chục con. Mục đích làm chuồng lợn sát bên bờ suối là chỉ cốt cho dễ rửa ráy. Chuồng lợn lại làm rất chắc chắn, vách bằng những cây gỗ lớn hơn cổ tay, dựng đứng từ mặt đất lên sát mái nhà, cửa nẻo có then gài cẩn thận.

    Một lần tôi hỏi thày tôi là sợ trộm vào bắt lợn hay sao mà phải làm chuồng chắc chắn thế này? Thày tôi chưa kịp trả lời thì bu tôi đã nói: Không phải sợ mất trộm mà là sợ ông “Kễnh”, ổng đã mò về mấy lần rồi đấy! Thày tôi còn cho biết thêm: Cách đó ít lâu, bên nhà anh Tư, chỉ cách nhà tôi mấy căn, mới tối được một chặp, mọi người còn chưa đi ngủ thì thấy lợn trong chuồng hộc lên rồi chạy tán loạn. Anh Tư cầm đòn gánh chạy ra thì đã thấy một con cọp lớn hơn con bê nhẩy được vào chuồng lợn. Thế là vừa dùng đòn gánh phang con cọp anh ta vừa la ầm lên: “Cọp, cọp bớ làng xóm cọp, cọp!” Hàng xóm láng giềng đổ ra, người cầm gậy, người cầm dao, trong đó có cả thày tôi. Ai nhát gan không dám ra thì ở nhà gõ thùng, gõ mâm rồi la hét náo loạn cả xóm khiến con cọp hết hồn nhẩy ra khỏi chuồng lợn phóng đi mất. Ít lâu sau Sư Ðoàn cho lính có mấy ông người Thượng dẫn đường ban đêm đi phục kích bắn cọp. Thế rồi người ta đã bắn được một con cọp có chửa. Mổ bụng cọp ra thấy có 4 cái hà nàm, cái nào cái nấy đã to bằng con chuột cống. Không biết thịt, da và xương cọp họ làm gì, chứ còn 4 cái hà nàm thì họ đã nấu một nồi cháo to tướng để ở ngoài chợ, bảo: Ai muốn ăn thì ra múc mà ăn! Nhưng ngửi mùi thấy nó hoi và gây lắm, bố ai dám ăn?! Chỉ có mấy ông, mấy bà người Thượng là ăn ngon lành thôi!

    Sau này còn nghe người ta nói hà nàm cọp mà ngâm rượu uống vào thì hết xẩy!

    Hổ trong y học đông phương

    Theo dõi trên báo chí thấy có những đoạn viết như thế này:

    Dương Ngọc Lãng, Sep 08, 2007

    Cali Today News - Mấy ngày nay các báo điện tử trong nước loan tin bắt được một ổ nấu cao hổ cốt lậu tại Hà Nội với tấm hình chụp con cọp lớn, cái đầu bị chặt rời, một số tang vật như nồi cao xuơng khỉ, mấy cái ngà voi, tay gấu, sừng nai. Theo tin tức cho là con cọp này xuất xứ từ nước Myanmar, chở sang Thái Lan, Lào rồi về tới Việt Nam. Báo còn nói là giá một lạng cao hổ cốt trên thị trường là 6,5 triệu đồng Việt, tương đương 400 Ðô La.

    Nghe câu chuyện cao hổ cốt nóng hổi, bèn gọi điện thọai hỏi thăm ông thầy thuốc đông y quen lâu năm về dược tính của nó. Ông này thời trước ở ngoài miền Trung đã từng nấu cao hổ cốt và xử dụng để chữa cho một số bệnh nhân. Ông cho biết là cao hổ cốt dùng để trị những bệnh về xương cốt, tủy sống, tăng cường sức lực...

    Có hỏi ông thầy thuốc rằng cao hổ cốt có bị phản ứng phụ khi dùng không thì ông ngẫm nghĩ, nói là cao hổ cốt quá hiếm, kiếm để uống không có nói chi là phản ứng phụ. Cách đây mấy chục năm, một lạng cao hổ cốt có thể tương đương một lạng vàng. Bây giờ, cọp hiếm, người đông, những tay giàu có sẵn sàng bỏ tiền nhiều để mua làm của riêng nên một lạng có thể lên tới vài ngàn Ðô La. Chưa kể là thứ bị luật pháp cấm, đụng vào là bị tù, nên giá một con cọp lên tới mấy chục ngàn Ðô La, nấu xương được hai ba ký lô cao hổ cốt. Ngòai thị trường, hiếm có cao hổ cốt thật, nếu có thật thì cũng pha cao khỉ, cao nai mấy phần.

    Về cao hổ cốt, nhận thấy bài sau đây khá hay và vui, xin chép nguyên văn ra đây để bà con cùng đọc:

    Truyền Kỳ Về Cao Hổ Cốt

    Theo báo quốc nội, tại VN, cao hổ cốt đã được coi là loại thuốc quý, đặc biệt cho những người bị phong thấp. Dân gian đồn rằng nếu bị thấp khớp nặng, chỉ cần uống nửa lạng cao hổ cốt thì dứt ngay. Còn nếu kiếm được miếng xương bánh chè hổ thì “tuyệt vời”. Ðang bị thấp khớp sưng vù cả đầu gối, lấy xương bánh chè hổ mài ra, uống xong, chỉ hai giờ sau là dịu hẳn. Báo An Ninh Thế Giới ghi lại chuyện truyền kỳ về cao hổ cốt như sau:

    Theo sách thuốc thì cao hổ có vị mặn, tính ấm. Khi uống, cao dẫn vào kinh Thận và Can và có tác dụng bổ dưỡng gân cốt, trục phong hàn. Cao hổ cốt chủ trị phong thấp tê bại, làm mạnh xương cốt. Hai chục năm trước, trên tạp chí Y học có một bài phân tích về giá trị của cao hổ cốt của một giáo sư y khoa. Hóa ra là trong xương hổ có một lượng acid amin cao gấp 900 lần các loài xương động vật khác và có tỉ lệ đạm toàn phần rất cao. Với lượng acid amin cao như vậy, cho nên khi uống vào, nó làm cho người ta thấy khỏe khoắn, khoan khoái và hết đau xương, đau cốt. Và khi người ta thấy khỏe mạnh thì cái gì mà chả dám xông pha?

    Ðể nấu được nồi cao hổ cốt thì trước hết là phải có bộ xương hổ và phải là bộ xương hổ đầy đủ, không được thiếu mảnh xương nào và cũng không được lẫn các loại xương khác. Bộ xương hổ để nấu cao, tốt nhất là phải trên 10 kg, còn nếu được từ 15 kg trở lên thì tuyệt vời. Những người thợ săn có kinh nghiệm cho biết là con hổ nếu nặng 100 kg thì cho 10 kg xương khô. Xương hổ bị chết trong rừng lâu ngày có màu trắng đục và hay bị mủn, còn xương hổ săn bắn được thì có màu trắng ngà. Xương bánh chè hổ được coi là quan trọng nhất trong cả bộ xương. Nồi cao hổ cốt nếu thiếu xương bánh chè thì coi như mất... một nửa.

    Xung quanh nồi cao hổ cũng vô vàn những chuyện ly kỳ và chủ yếu là do người ta thần thánh hóa mà thôi. Hổ là con vật được coi là chúa sơn lâm và được nhiều nơi người dân đưa vào đền, miếu để thờ. Chính vì vậy, dù có phải dùng “ông” làm thuốc trị bệnh cứu người thì cũng phải “được sự đồng ý của vong hồn ông”. (mà hổ có hồn không nhỉ?) Vì vậy, trước khi mang xương “ông” đi làm sạch, người chủ nấu cao phải để bộ xương của “ông” xếp theo đúng hình hài trên một chiếc bàn phủ vải điều và bày ở giữa sân. Lễ vật dâng lên “ông” gồm có một chiếc thủ lợn, đuôi lợn để sống và có hương nến cẩn thận. Trước đó, người chủ phải trai giới ít nhất là bảy ngày, đồng thời không được sát sinh bất cứ con vật nào. Việc cúng lễ được tiến hành trước khi mặt trời mọc, trong thời gian hành lễ, đàn bà con gái không được bén mảng tới...

    Cũng theo báo quốc nội, gần đây, một số gian thương nghĩ ra nhiều mưu mẹo để vừa làm tăng “tính năng tác dụng” của cao hổ cốt nhằm “câu” người mua, đồng thời có vô vàn “kỹ xảo” để biến một bộ xương chó, xương bê thành... xương hổ, và biến một miếng cao chó thành... cao hổ cốt với “phẩm lượng” như thật.

    Như vậy con cọp chỉ có bộ xương là quý nhất. Còn da cọp chỉ nhồi bông làm kiểng để chưng chơi. Tục ngữ có câu: Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.

    Có một câu hỏi có vẻ hơi tếu được đặt ra: Hổ và sư tử cùng thuộc họ mèo, cùng là loài thú ăn thịt sống và cùng dữ dằn, khoẻ mạnh như nau, nếu bây giờ cho một con hổ và một con sư tử đánh nhau thì con nào sẽ thắng?

    Quả thực, sự kiện này có lẽ rất hiếm xảy ra trong tự nhiên, vì hổ, mệnh danh là “chúa tể sơn lâm (rừng, núi)”, chỉ ở vùng rừng núi, còn sư tử ở thảo nguyên, chủ yếu là châu Phi. Hai loài có lãnh địa riêng vì vậy khả năng chúng tiếp xúc với nhau là khá hiếm, nói chi đến chuyện đánh nhau. Tuy nhiên, do nhiều cơ duyên, từ lúc con người phát minh ra máy ảnh, camera đến nay, khá nhiều cảnh đánh nhau của 2 loài động vật họ mèo này đã được quay lại. Kết quả thật thú vị và hơi bất ngờ: Hổ luôn là kẻ chiến thắng. Có lẽ vì hổ sống ở rừng núi, điều kiện tự nhiên cũng như săn mồi khó khăn hơn sư tử nhiều cho nên hổ khoẻ hơn chăng?

    Vẫn còn chưa thoả mãn nên hỏi tiếp: Nhưng nếu là một con cọp cái và một con sư tử cái đánh nhau thì sao? Xin nhớ là sư tử cái cũng còn có tên là “sư tử Hà Ðông” đấy.

    Trả lời:

    Nếu vậy thì hai con này huề nhau vì “cọp cái” và “sư tử Hà Ðông” được xếp đồng hạng!

    Cọp và tử vi lý số

    Ðọc truyện Kiều, ta thấy cụ Nguyễn Du tả Từ Hải:
    “Râu hùm hàm én mày ngài,
    Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.
    Ðường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.”

    Từ Hải có râu hùm, Từ Hải là đấng anh hào, còn con hùm có bộ râu tua tủa chĩa ra hai bên y hệt râu con mèo thì được tôn là chúa sơn lâm. Nói đến râu hùm, người viết lại sực nhớ đến một mẩu truyện đã được nghe nói từ ngày còn nhỏ, chả biết đúng sai thế nào nhưng cũng xin viết ra đây:

    Người ta bảo săn được một con cọp, việc làm trước tiên là bật quẹt đốt ngay mấy sợi râu nó đi kẻo kẻ xấu ăn cắp được thì nguy hiểm lắm, vì râu cọp có thể làm ra một thứ thuốc rất độc. Chỉ cần uống phải một tí hay bôi một chút vào đầu mũi tên bắn bị thương người nào thì Hải Thượng Lãn Ông Lê hữu Trác có sống lại cũng không cứu được. Cách làm như thế này:

    Lấy những sợi râu cọp cắm vào một khúc măng tre. Ðể lâu ngày từ trong khúc măng tre sẽ sinh ra một loại sâu. Chỉ cần lấy được phân của những con sâu này, đó là một thứ thuốc độc khủng khiếp. Viết lại mẩu truyện trên, chúng tôi chỉ muốn cho vui, chứ lâu ngày “tam sao thất bổn” không bảo đảm. Mong quý vị đọc qua rồi bỏ.

    Cứ theo như quý vị “Lốc cốc tử” thì muốn làm thày bói phải nắm vững 12 địa chi (còn gọi là 12 con giáp) và 10 thiên can. 12 địa chi hay 12 con giáp là: tý (con rắn), sửu (con trâu), dần (con cọp), mão (con mèo), thìn (con rồng), tị (con rắn), ngọ (con ngựa), mùi (con dê), thân (con khỉ), dậu (con gà), tuất (con chó), hợi (con heo hay con lợn). Còn 10 thiên can là: Giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý.

    Trong 12 con giáp lại có những con “hạp” và những con “không hạp”. Hạp thì có “tam hạp”, còn không hạp thì có “tứ hành xung”, mà mục đích của bài viết này chỉ muốn nói đến những gì có liên quan đến anh cọp nên chỉ xin bàn đến một cái “dần, thân, tị, hợi” tứ hành xung mà thôi!

    Ngày xưa các cụ ta quan niệm “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”, ngoài ra còn nào là phải môn đăng hộ đối, nào là tuổi hạp hay không hạp... Có những bà mẹ chồng tương lai cẩn thận còn nhờ cả “thày” coi tướng, coi tuổi, đọ tuổi của con trai mình với người con gái mà nó sắp lấy làm vợ, thành ra những người con gái tuổi dần khó lấy chồng lắm! Người ta tin là đàn bà, con gái tuổi dần thì cao số, sát phu. Nều người con gái đã tuổi “dần” mà người con trai lại tuổi “hợi” nữa thì eo ôi! Con mình tuổi hợi mà lại cưới vợ tuổi dần cho nó chẳng hoá ra muốn giết con mình à? Ðó là những mê tín dị đoan ngày xưa chứ bây giờ khác rồi. Mặc dù vẫn còn thày bói, nhưng những cái như là “tam hạp” với “tứ hành xung” chẳng còn được mấy người tin nữa. Cái quan trọng là bọn trẻ hiểu nhau, yêu nhau, biết hy sinh và nhường nhịn nhau, chứ “tam hạp” với “tứ hành xung” cái gì?! Ðã lâu chúng tôi có viết một truyện ngắn đăng báo với cái nhan đề là “Tứ Hành Xung”, kể truyện tôi tuổi hợi đòi lấy vợ tuổi dần. Lúc đầu gay go lắm vì bu tôi nhất định không chịu. Tôi năn nỉ thế nào cũng không được. Cuối cùng đành phải dọa: Không cho tôi cưới vợ tuổi “dần” thì tôi sẽ đi theo Việt Minh cho Tây nó bắn tôi lòi phèo ra, lúc đó bu tôi mới chịu để tôi lấy người tôi yêu. Truyện đăng lên rồi, có người điện thoại đến nhà hỏi tôi: “Ông tuổi hợi lấy vợ tuổi dần như thế rồi có làm sao không?” Tôi trả lời: “Tôi năm nay 70 tuổi, con cháu đầy nhà chứ có làm sao đâu?!”

    Nhắc đến cọp, tôi lại nhớ đến một câu chuyện đã được nghe kể lâu lắm rồi mà bây giờ vẫn còn nhớ như in trong bụng. Khoá tôi là khoá 10 SQTB Thủ Ðức. Ngày đó còn có tên là Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức vì bao gồm cả: Trường Bộ Binh, trường Tuyền Tin, trường Quân Nhu, Trường Quân Cụ, trường Hành Chánh Tài Chánh... Mỗi sáng thứ Bẩy nhà trường thường mời một vị học giả đến thuyết trình cho SVSQ nghe về một đề tài nào đó. Khi thì một vị giáo sư, khi một vị bác sĩ, khi một vị linh mục, khi một vị thượng toa... mà truyện kể của vị thượng toạ làm tôi nhớ nhất. Nay xin kể lại:

    Tại một hòn núi kia có hai nhà tu hành. Vị bên phía Ðông núi có biệt danh là ông Ðạo Hổ, còn vị bên phía Tây núi có biệt danh là ông Ðạo Chuối. Sở dĩ có biệt danh là Ðạo Hổ vì mỗi lần vị này thuyết pháp, giảng kinh đều có một con hổ từ trong rừng lững thững đi ra nằm phủ phục dưới chân thày nghe lời thày giảng. Còn vị bên phía Tây ngọn núi có biệt danh là Ðạo Chuối vì mỗi ngày thày chỉ “thọ trai” một quả chuối vào đúng ngọ. Chỉ ăn thế thôi mà thày vẫn khoẻ mạnh, đỏ da thắm thịt, giảng kinh vang vang như thường.

    Cứ “tâm lý” mà nhận xét thì con người ta thường “chuộng” những gì xẩy ra có tính cách giật gân hơn. Giảng kinh mà đã đến trình độ thú dữ trong rừng sâu phải đến phủ phục nằm nghe thì rõ ràng là ông Ðạo này đã tu hành đắc đạo sắp thành Phật rồi. Thế nên thiện nam, tín nữ theo ông đông lắm, thậm chí đến cả đệ tử của ông Ðạo Chuối cũng dần dần bỏ thày mà qua với ông Ðạo Hổ gần hết. Thế là nói gì thì nói chứ một khi đụng chạm đến quyền lợi của nhau thường dễ sinh ra mích lòng lắm. Ông Ðạo Chuối nghĩ bụng: Chắc là có gì mờ ám đây chứ làm gì có chuyện làm cho một con thú dữ giác ngộ đến phủ phục nghe kinh được, ngoại trừ có Phật Tổ Như Lai mới làm được như thế!

    Nghĩ vậy nên ông Ðạo Chuối cho một tên đệ tử ruột sang “phục kích” bên ông Ðạo Hổ làm gián điệp với hy vọng có phát giác được điều gì khuất tất chăng? Quả nhiên ít lâu sau anh “gián điệp” này phát giác ra là ông Ðạo Hổ chơi trò bịp. Con cọp chính là tên đệ tử ruột của ông ta, cứ mỗi buổi chiều, khi ông đạo giảng kinh thì tên này lẻn vào rừng, khoác bộ da cọp vào rồi lững thững bò ra nằm phủ phục dưới chân thày. Trong am đèn nến mờ mờ ảo ảo, lại thêm khói nhang nghi ngút thế thì bố ai mà phát hiện là cọp thật hay cọp giả được?!

    Tin này được tung ra, thế là thiện nam tín nữ lại kéo về với ông Ðạo Chuối hết. Bị bể nồi cơm, ông Ðạo Hổ tức điên lên. Mà thày đói thì trò cũng đói. Thế là thày trò ông Ðạo Hổ lại nghĩ cách “chơi” lại ông Ðạo chuối. Làm sao mà mỗi ngày chỉ ăn một trái chuối lại có thể đỏ da thắm thịt như thế đuợc? Lão này mà không bịp thì ông cứ đi đằng đầu! Nghĩ vậy ông Ðạo Hổ nói với tên đệ tử ruột: “Ðệ tử phải hy sinh vì thày trò mình một phen, con phải sang “phục kích” bên lão Ðạo Chuối. Cứ nói xấu thày cho nhiều vào để chiếm được lòng tin của lão, hầu có phát giác được điều gì bí mật của lão chăng?” Quả nhiên chỉ một thời gian ngắn sau là bí mật của ông Ðạo Chuối bị phát hiện:

    Hàng ngày vào đúng ngọ, ông Ðạo Chuối chỉ “thọ trai” có một trái chuối thật. Nhưng trái chuối này chỉ có cái vỏ là vỏ chuối, còn ruột lại là xôi với thịt. Ban ngày thì thế còn ban đêm thày “nhóp nhép” cái gì ở hậu liêu thì ai mà biết?!
    Kể xong câu chuyện, vị thượng toạ thuyết trình viên kết luận: Ở đời có nhiều sự việc xẩy ra thấy vậy mà không phải vậy. Chẳng nên vội chấp nhận trước khi suy luận xem việc xẩy ra hợp lý hay không hợp lý, kẻo không lại bị như thiện nam tín nữ của hai vị Ðạo Hổ và Ðạo Chuối kể trên. Biết được sự thật đâm ra thất vọng làm giảm mất cái lòng tin của mình đi!

    Trở lại với con cọp. Mang tiếng là chúa sơn lâm vậy chứ ngày nay tình trạng của cọp rất bi thảm vì nạn săn bắn bừa bãi chỉ để lấy xương và da. Theo thống kê chúng tôi tìm thấy trên “Net” thì trên thế giới ngày nay còn khoảng từ 5000 (năm ngàn) đến 7000 (bẩy ngàn) con cọp. Ấn Ðộ là nước trước kia có rất nhiều cọp mà nay cũng chỉ còn khoảng 1500 con. Riêng ở Việt Nam ta còn khoảng 200 con. Trước kia ở Việt Nam ai giết được một con cọp đưa đến trình quan sẽ được thưởng, còn nay giết một con cọp bị bắt chắc là tù mọt gông. Nếu không ngăn chặn được nạn giết cọp để lấy xương nấu cao hổ cốt thì biết đâu một ngày nào đó cọp sẽ biến mất ở nước ta, chỉ còn xuất hiện trong sách vở như những chuyện cổ tích. Nếu thật như vậy thì cũng là một sự đáng tiếc lắm thay!

    Hưng Yên
Working...
X