Announcement

Collapse
No announcement yet.

Pháp : Tham vọng chụp 1000 bức ảnh dưới đáy biển của Alexis Rosenfeld

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Pháp : Tham vọng chụp 1000 bức ảnh dưới đáy biển của Alexis Rosenfeld

    Click image for larger version

Name:	QuMGgQeS.jpg?download=1.jpg
Views:	406
Size:	89.2 KB
ID:	99773

    Nhiếp ảnh gia người Pháp Alexis Rosenfeld cùng với đội thợ lặn của ông từng gây tiếng vang lớn hồi cuối tháng 01/2022 nhờ các bức ảnh chụp rạn san hô nằm dưới đáy biển sâu ngoài khơi Tahiti. Nhà thám hiểm nổi tiếng này hiện điều hành chiến dịch "1 Ocean'' (1 Đại dương) hợp tác với Unesco trong vòng 10 năm, hầu đánh động công luận về những mối nguy hiểm đang đe dọa hành tinh xanh.

    Con người đã từ lâu đặt chân lên cung trăng, rồi gần đây đưa máy robot lên thám hiểm sao Hỏa, nhưng đáy biển lại là phần ít được khám phá nhất trên hành tinh của loài người : hiện giờ các nhà khoa học đã lập bản đồ đại dương tương đương với 20% diện tích địa cầu. Về điểm này, giới hải dương học trên thế giới đều đồng ý rằng : các nhà nghiên cứu trước mắt còn rất nhiều điều để làm. Theo nhà nhiếp ảnh Alexis Rosenfeld, đó chính là ý nghĩa của Thập niên Liên Hiệp Quốc (từ năm 2021 đến 2030) dành cho các công trình nghiên cứu Đại dương với mục tiêu kép : bảo tồn đa dạng sinh thái và đầu tư phát triển bền vững.

    Chương trình chụp ảnh lập thêm bản đồ đáy biển


    Trong chương trình này, đội thợ lặn của Alexis Rosenfeld sẽ trở thành các chuyên viên thu hình phóng sự dưới đáy biển, những ''nhân chứng" của chiến dịch ''1 Ocean'' (1 Đại dương). Từ đây cho tới năm 2030, đội thợ lặn chuyên nghiệp này sẽ chụp 1.000 bức ảnh ở nhiều độ sâu tại các vùng biển khác nhau. Ngoài việc lập bản đồ đáy biển, mục tiêu còn là phổ biến rộng rãi các bức ảnh này nơi công chúng, thông qua báo chí truyền thông, các mạng xã hội.

    Đồng thời, thông qua các cuộc triển lãm lưu động, đội thợ lặn muốn trưng bày các bức nhiếp ảnh khổ lớn tại các nhà ga hay bến tàu ở nhiều thành phố đông dân của Pháp, trong đó có triển lãm chuyên đề tại Marseille và Bordeaux là những chặng đầu tiên. Theo nhà nhiếp ảnh Alexis Rosenfeld, công việc thông tin là điều ưu tiên : gần đây ông cùng với nhóm thợ lặn tham gia các phóng sự truyền hình về vấn đề xả rác bừa bãi gây ô nhiễm cho các khu bảo tồn thiên nhiên gồm các bờ biển và ghềnh đá xung quanh vùng đô thị này. Sinh trưởng ở Marseille, từ nhỏ ông đã say mê theo dõi các cuộc hành trình của thuyền trưởng Cousteau, học bơi lặn từ năm lên 8 để rồi khi lớn lên trở thành thợ lặn chuyên nghiệp.

    Hiện giờ, Alexis Rosenfeld cùng với nhóm đồng đội đang chuẩn bị chuẩn bị lên đường sang quần đảo Seychelles, nơi họ có nhiệm vụ thu thập những hình ảnh và video trên đảo san hô Aldabra cũng như quay phim dưới đáy biển. Hòn đảo hoang sơ này là nơi ẩn náu tự nhiên lớn nhất của loài rùa khổng lồ, hiện vẫn chưa có bất kỳ sinh hoạt nào của con người. Địa danh cũng từng được Unesco xếp vào hàng di sản thế giới. Sau quần đảo Seychelles, nhóm chuyên gia dự trù đặt chân đến Tân đảo Nouvelle Calédonie, để thu hình các rạn san hô Entrecusteaux, nổi tiếng là một trong những vùng nguyên sinh lớn nhất thế giới, với tham vọng khuyến khích thế hệ trẻ ý thức nhiều hơn nữa về việc bảo tồn các hệ sinh thái lòng đại dương.

    Thung lũng san hô như vạn đóa hoa hồng dưới đáy biển


    Ngoài việc chụp ảnh quay phim, đội thợ lặn của nhà nhiếp ảnh Alexis Rosenfeld còn luôn cải tiến thu nhỏ nhữngtrang thiết bị cho phép họ làm việc trong những điều kiện an toàn và thuận lợi nhất. Trong đó có những bộ phận máy móc có khả năng tái chế dưỡng khí cho phép đội thợ lặn có thể ở dưới mặt nước năm tiếng đồng hồ liên tục. Nhờ được trang bị bộ phận tái chế dưỡng khí mà Alexis Rosenfeld và các đồng đội lần đầu tiên đã khám phá ra được một rạn san hô lớn nằm sâu dưới mặt nước từ 35 đến 60 thước, mà họ gọi là ''Thung lũng hoa hồng'' gồm hàng ngàn đóa san hô màu xanh ở dưới đáy biển.

    Vào cuối tháng Giêng 2022, các bức ảnh chụp đã được loan tải rộng rãi trên các mạng xã hội và được nhiều tờ báo có uy tín đăng lại như tạp chí Géo hay tờ báo Washington Post. Ảnh chụp của Alexis Rosenfeld cho thấy một rạn san hô khổng lồ, tựa như hàng chục ngàn đóa hoa hồng màu xanh dương mọc san sát nhau dưới vùng biển sâu ở vùng Polynésie. Theo nhà nhiếp ảnh Pháp, loại san hô này từng được nhiều dân bản xứ nhắc đến, họ mô tả loại san hô này qua các giai thoại khẩu truyền cho các thế hệ sau. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, rạn san hô vạn đóa hoa hồng được thu vào ống kính và được Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia CNRS cùng với đội chuyên gia thuộc phòng thí nghiệm Criobe của Pháp lập công trình nghiên cứu thêm về một hệ sinh thái san hô mà họ cho là ''nguyên sơ''.

    Theo khảo sát của giới chuyên gia được Cơ quan di sản Liên Hiệp Quốc trích dẫn, rạn san hô mới phát hiện ở ngoài khơi đảo Tahiti. Rạn san hô trải dài hơn 3 cây số và rộng khoảng 85 mét, nằm trên dốc biển từ độ sâu ban đầu là 30 mét cho tới 65 mét, nằm cách khoảng vài dặm hòn đảo lớn nhất của vùng Polynésie thuộc Pháp, ở phía nam Thái Bình Dương. Phần lớn các rạn san hô được giới khoa học quan tâm nghiên cứu trước đây, đều nằm ở độ sâu không quá 30 mét.

    Vì thế cho nên, việc khám phá một rạn san hô lớn như vậy khiến cho giới khoa học cảm thấy thích thú, bất ngờ. Điểm khác biệt nổi bật đầu tiên là do ở một độ sâu hơn, cho nên ánh sáng mặt trời không còn được phản chiếu tự nhiên, các đóa san hô đỏ (dưới hơn 30 thước so với mặt nước biển) chỉ còn toàn một màu xanh dương. Điều đó cho thấy vẫn còn nhiều rạn san hô chưa được tìm thấy ở các vùng đại dương khác, hay tại những khu vực nước biển sâu chưa được các nhà nghiên cứu khoa học lập bản đồ.

    Một điểm thú vị khác nữa là ''Thung lũng hoa hồng'' đáy biển là một trong những rạn san hô không có dấu hiệu bị hư hại. Cấu trúc san hô có hình dáng của những đóa hoa không hề bị ảnh hưởng trước hiện tượng hâm nóng trái đất. Các chuyên gia từng ghi nhận rằng khi nhiệt độ nước biển gia tăng nhiều rạn san hô khác ở một mức cạn hơn thường ''chết dần'' các loài cá nhỏ cũng biến mất, như trường hợp từng xảy ra cách đây ba năm ở vùng Nam Thái Bình Dương mà cho tới nay vẫn chưa được phục hồi.

    Hành trình theo chân thuyền trưởng Cousteau


    Nhờ vào khám phá này, dự án lập bản đồ các đáy biển đã thực hiện một bước đột phá quan trọng. Rạn san hô thường nằm ở những vùng có ánh sáng mặt trời vừa phải, cần thiết cho sự quang hợp. Các rạn san hô rực rỡ màu sắc ở những vùng biển nhiệt đới, được tìm thấy ở độ nước không quá sâu, có hình dạng của những cành cây hay những chiếc quạt biển, thường dễ bị tẩy trắng khi nhiệt độ nước biển đột ngột tăng cao, san hô mất hẳn màu sắc và để trơ ra bộ xương.

    Trong khi đó các rạn san hô ''nguyên sơ'' mọc ở vùng nước sâu hơn có hình dạng hoa hồng như thể có nhiều lớp xếp chồng, lại thường xoè rộng bề mặt để có thêm diện tích hầu tiếp thu và hấp thụ nhiều ánh sáng hơn. Để có thể chụp các bức ảnh trong điều kiện thiếu ánh sáng, đội thợ lặn của Alexis Rosenfeld buộc phải sử dụng máy ảnh dưới nước đặc biệt, nhưng không thể dùng đèn chiếu thêm ánh sáng, vì có thể làm mất đi nét tự nhiên của rạn san hô này.

    Sự khám phá nói trên sẽ tạo thêm điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu tìm hiểu về cách thức cộng sinh giữa rong tảo và san hô. Nhóm thợ lặn muốn tiếp tục làm việc ở những độ sâu như vậy, hy vọng tìm thấy những cánh đồng san hô khác, trong đó có thể có loại san hô sừng Gorgonacea. Đối với một người từ còn nhỏ đã say mê đọc truyện phiêu lưu của văn hào Jules Verne và xem trên đài truyền hình các tài liệu phóng sự về các chuyến thám hiểm Calypso của thuyền trưởng mũ đỏ Cousteau, có lẽ nhà nhiếp ảnh Alexis Rosenfeld đang thực hiện ước mơ của cả một đời người : đi hàng vạn dặm dưới đáy biển xanh để chụp cho được một ngàn bức ảnh.



    Tuấn Thảo
    RFI
Working...
X