Announcement

Collapse
No announcement yet.

5 phim hoạt họa chứa đầy bài học ý nghĩa tranh giải Oscars 2022

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    5 phim hoạt họa chứa đầy bài học ý nghĩa tranh giải Oscars 2022

    HOLLYWOOD, California (NV) – Oscars hằng năm không chỉ vinh danh các bộ phim có người đóng mà ở hạng mục bộ phim hoạt họa cũng được chú ý không kém cạnh, với các tác phẩm tranh giải luôn được đánh giá cao, cả về mặt nghệ thuật, giải trí và doanh thu.
    Gia đình Madrigal trong “Encanto” với sức mạnh đặc biệt mang đậm văn hóa Nam Mỹ vùng Columbia khiến khán giả không khỏi thích thú. (Hình: themoviedb.org)
    Cùng điểm qua năm bộ phim “ngang tài ngang sức” tranh Oscars năm nay, Chủ Nhật, 27 Tháng Ba, với năm chủ đề khác nhau, đem lại năm bài học sâu sắc và ý nghĩa trong cuộc sống.

    Encanto

    Từ xưa đến nay hãng Disney luôn là “anh cả” ở vị trí “độc tôn” trong lĩnh vực phim hoạt họa không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Mỗi năm hãng phim luôn ra mắt ít nhất là một bộ phim hoạt họa với nội dung phong phú và khai thác với nhiều góc nhìn đa dạng, được nhiều khán giả từ thế hệ này sang thế hệ khác yêu thích.

    Trong năm nay, vùng đất Columbia đậm chất văn hóa Nam Mỹ được Disney chọn làm cảm hứng cho bộ phim “Encanto,” nói về gia đình Madrigal với mỗi thành viên đều có một năng lực và sức mạnh đặc biệt để giúp đỡ người dân xung quanh và bảo vệ thị trấn. Tuy nhiên, cô bé Mirabel lại là người duy nhất trong nhà không có năng lực đặc biệt, bị cho là điềm xấu sắp xảy đến.

    Thay vì buồn phiền, tủi thân, Mirabel luôn giữa thái độ tích cực, vui vẻ với mọi người, đồng thời luôn tin vào khả năng của chính bản thân. Một ngày nọ, cô bé vô tình phát hiện ra các dấu hiệu sắp đổ nứt của ngôi nhà, phép thuật của các thành viên trong nhà cũng dần dần bị mất đi. Cô can đảm đi tìm nguyên nhân và tìm cách cứu gia đình của mình

    Không chỉ mặt hình ảnh được trau chuốt kỹ càng, đặc sắc mà phần âm nhạc cũng được chăm chút cẩn thận, đem lại một bữa tiệc thị giác và thính giác vui nhộn, thích thú và đầy niềm vui. Sự tinh tế được gài ghép đến từng chi tiết, chẳng hạn như trong cả màu sắc, họa tiết trên quần áo của nhân vật, báo hiệu cho những tương lai mà nhân vật sẽ gặp, hay những mảng tường được trang trí trong ngôi nhà của Madrigal đều ẩn chứa một câu chuyện quá khứ của gia đình.

    “Encanto” do đạo diễn Jared Bush và Byron Howard thực hiện, thu về $248 triệu toàn cầu.
    “Flee” là bộ phim của các nhà làm phim Đan Mạch với nội dung nặng nề khi khai thác vấn đề tị nạn và đồng tính. (Hình: themoviedb.org)
    Flee

    Trong số năm bộ phim hoạt họa được đề cử năm nay thì “Flee” được xem là tác phẩm không dành cho trẻ em và thật sự kén người xem với nội dung về giới LGBTQ (là các chữ cái viết tắt của Lesbian [đồng tính luyến ái nữ], Gay [đồng tính luyến ái nam], Bisexual [song tính luyến ái], Transgender [chuyển giới] và Queer [có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt, hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào] hoặc Questioning [đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân]) và người tị nạn.

    Thông thường, khi nghĩ đến phim hoạt họa, người ta sẽ nghĩ đến những hình ảnh đầy màu sắc, vui tươi và rộn ràng, nhưng với “Flee” thì khác khi đạo diễn Jonas Poher Rasmussen khai thác về câu chuyện của Amin, người đàn ông 36 tuổi sinh sống ở Copanhen, Đan Mạch, là dân tị nạn Afghanistan, khi kể lại những gì mình trải qua ở vị thế là đứa con của người nhập cư và là người đồng tính nam.

    Xem “Flee,” khán giả sẽ tìm được sự đồng cảm trước một hoàn cảnh đánh thương của những người dân tị nạn, mà ở đây chính là gia đình Amin, khi chứng kiến hành trình của họ chạy trốn khỏi quê hương mình để thoát Taliban, là con đường trở thành người nhập cư bất hợp pháp, là những khổ đau, tủi nhục, đầy nước mắt mới có thể đặt chân lên “miền đất hứa.” Đồng thời, khán giả cũng hình thành nên sự thông cảm cho những người đồng tính, ngay cả chính bản thân họ cũng phải đối mặt với những giằng xé trong quá trình hiểu mình là ai và làm sao có thể cảm thấy bình thường trong xã hội, đặc biệt là trong gia đình Hồi Giáo.

    Bộ phim với kết thúc có hậu làm ấm lòng người xem, và đâu đó cũng chính là thông điệp mà êkíp làm phim hướng tới. Đó chính là cho dù cuộc sống nghiệt ngã đến mấy thì cuối cùng mọi chuyện tốt đẹp cũng sẽ xảy ra.
    Tình bạn giữa Luca, Alberto và Giulia đem lại nhiều tiếng cười sảng khoái và bài học sâu sắc cho khán giả khi xem “Luca.” (Hình: themoviedb.org)
    Luca

    Nếu như “Encanto” đưa khán giả đến đất nước Columbia đầy màu sắc rực rỡ thì “Luca” của hãng Pixar sẽ mang lại một chuyến nghỉ Hè qua màn ảnh cho người xem ở thành phố biển Portorosso đầy thơ mộng. Các hình ảnh đặc trưng của xứ sở Italia như kem gelato, mì spaghetti, bánh pizza giòn rụm, những chiếc xe vespa lăn bánh trên phố, hay những góc đường rải đá với hồ nước ở quảng trường đem đến cảm giác chân thật cho khán giả, như thể họ đang thăm thú du lịch tại đây.

    Câu chuyện về hai chú bé quái vật biển tên là Luca và Alberto sinh sống ở dưới đáy đại dương có chuyến thám hiểm lên bờ mở ra một hành trình mùa Hè tràn ngập tiếng cười khi cả hai có dịp được khám phá cuộc sống của con người như thế nào.

    Tình bạn giữa Luca, Alberto và cô bé loài người Giulia được phát triển tự nhiên, chân thật, hồn nhiên và dễ thương, đem lại nhiều bài học trong cuộc sống cho cả người lớn. Ngoài ra, êkíp làm phim còn ẩn chứa thông điệp về sự tự tin của bản thân, vượt qua các giới hạn mà chúng ta vô tình áp đặt lên vai mình, để có thể sống với ước mơ, hoài bão.

    Bộ phim của đạo diễn Enrico Casarosa tuy không được ra rạp mà chỉ chiếu trên trang mạng Disney + vẫn thu hút một lượng đông đảo người xem. Thậm chí, phim còn nhận được nhiều giải thưởng lớn tại Đại Hội Điện Ảnh Thế Giới, trở thành ứng cử viên “nặng ký” cho giải Oscars 2022 năm nay.
    Nữ diễn viên gốc Việt Kelly Marie Trần vinh dự được chuyển âm cho nhân vật chính Raya trong “Raya and The Last Dragon.” (Hình: themoviedb.org)
    Raya and The Last Dragon

    Trong những năm gần đây, phong trào về nữ quyền và dân tộc thiểu số ngày càng mạnh ở Mỹ, đặc biệt là còn ảnh hưởng tích cực đến Hollywood. Trong số đó, xu hướng các diễn viên và nhà làm phim gốc Á có sự thay đổi rõ rệt khi cơ hội đến cho những thành phần gốc dân này ngày càng phổ biến hơn.

    Sau “Crazy Rich Asians,” bộ phim hoạt họa của hãng Disney “Raya and The Last Dragon” là dự án thứ hai có toàn bộ êkíp làm phim là người gốc Á, bao gồm nhà sản xuất, nhà biên kịch, đạo diễn và diễn viên tham gia. Bộ phim ra mắt hồi Tháng Bảy năm ngoái đã làm “nở mày nở mặt” cho người Á Châu khi lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian ở các đất nước Đông Nam Á.

    Vùng đất Kumandra từ ngàn năm trước có loài người và loài rồng sinh sống ôn hòa và hạnh phúc với nhau. Một ngày nọ, những con quái vật Drunn xuất hiện, xâm lăng vùng đất, buộc loài rồng phải nổi dậy đánh trả, tạo ra một viên ngọc để bảo vệ con người. Cuộc chiến kết thúc khi Drunn và cả loài rồng bị chôn vùi dưới lòng đất, đồng thời viên ngọc cũng bị vỡ ra thành năm mảnh.

    Sau trận chiến, thay vì giúp đỡ, cưu mang nhau, các tộc người ở năm lãnh thổ bắt đầu thù địch, tranh giành, phe phái để có thể sở hữu mảnh ngọc. Cô bé Raya ở bộ tộc Heart quyết tâm đi tìm mảnh ngọc còn sót lại để cứu cha mình và bộ tộc khi một lần nữa quái vật Drunn trỗi dậy, đe dọa đến cuộc sống an bình.

    Đặc biệt, người chuyển âm cho nhân vật Raya chính là nữ diễn viên gốc Việt Kelly Marie Trần, được xem là niềm vinh dự cho ngưới Á Châu nói chung và người gốc Việt nói riêng. Bên cạnh Kelly Marie Trần, phim còn tập hợp các tên tuổi gốc Á nổi bật ở Hollywood, bao gồm Awkafina, Gemma Chan, Daniel Dae Kim, Sandra Oh và Benedict Wong.
    Chuyến đi đến trường đại học của nhà Mitchells trong phim “The Mitchells vs. Machines” trở thành cuộc đối đầu với robot thông minh, đồng thời là dịp để cả nhà gần gũi và hiểu rõ nhau hơn. (Hình: themoviedb.org)
    The Mitchells vs. The Machines

    Với sự phát triển mạnh mẽ của Disney ở lĩnh vực hoạt họa, các hãng phim khác cũng nhảy vào thị trường và một trong số những hãng nổi bật chính là Sony.

    Trong vài năm trở lại đây, Sony cho ra mắt nhiều tác phẩm hoạt họa được đánh giá cao như “Cloudy With a Chance of Meatballs,” “Spider-Man: Into the Spider-Verse,” hay “Lego Movies,” và năm nay là “The Mithchell vs. The Machines,” với nội dung vui nhộn, hài hước và khác biệt so với các phim hoạt họa khác.

    Đạo diễn Mike Rianda kể câu chuyện về gia đình nhà Mitchells, có cô bé Kate Mitchells chuẩn bị bước vào cánh cổng đại học. Cô luôn có cảm giác mình khác biệt trong nhà khi không thể chia sẻ được với ai những khúc mắc, tâm tư trong đầu. Tuy nhiên, chuyến đi chuyển nhà lên đại học của cô cùng với gia đình đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và cuộc sống không chỉ của Kate mà còn cả cha mẹ và em trai cô.

    Gia đình Mitchells vô tình bị cuốn vào cuộc xâm lăng của binh đoàn robot với trí thông minh nhân tạo, buộc họ phải cùng nhau chống lại, để từ đó có dịp gần gũi và thấu hiểu nhau hơn.

    Thông qua các hình ảnh đầy màu sắc, vui nhộn và hàng loạt tình tiết hài hước, bộ phim còn khéo léo lồng ghép những thông điệp rất đỗi đời thường như việc làm sao để cha mẹ có thể hiểu con cái mình hơn, hay làm sao để có thể làm ngắn lại khoảng cách khác biệt giữa hai thế hệ.

    Ngoài ra, “The Mitchells vs. Machines” còn phản ứng thực trạng mặt trái của Internet ngày nay khi con người ngày càng lệ thuộc vào nó 24/24. Khi chúng ta bị lệ thuộc quá nhiều vào trang mạng xã hội, thì việc kết nối bên ngoài giữa người với người càng ít đi, không còn bộc lộ những cảm xúc và suy nghĩ thật bên trong. (Nhất Anh) [qd]
    Attached Files
Working...
X