Announcement

Collapse
No announcement yet.

Hollywood đang viết cáo phó cho mình

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Hollywood đang viết cáo phó cho mình


    Đại dịch coronavirus dẫn đến những xáo trộn và thay đổi khủng khiếp đối với công nghiệp điện ảnh Hollywood

    THÁI CHÂU

    “Hollywood giống như Ai Cập: đầy những kim tự tháp đổ nát. Nó sẽ không bao giờ quay trở lại. Nó sẽ tiếp tục đổ nát cho đến khi gió thổi bay chiếc trụ của studio cuối cùng trên những bãi cát” – David O. Selznick, nhà sản xuất thời kỷ nguyên vàng, từng nói như vậy vào năm 1951.

    Cuốn theo chiều gió

    Khi xuất hiện công nghiệp giải trí truyền hình, tiên tri của Selznick tưởng chừng rất gần với sự thật. Tuy nhiên, Hollywood vẫn không chết, dù nhiều lần họ đã viết đi viết lại bản cáo phó cho chính mình. Hollywood từng tưởng như chết khi các công ty liên doanh như Gulf + Western Industries bắt đầu mua loạt studio vào những năm 1960. Họ suýt chết một lần nữa khi “Star Wars” (1977) và “Superman” (1978) biến điện ảnh thành quảng cáo đồ chơi. Thập niên 1980 (xuất hiện đầu máy VCR), thập niên 1990 (sự trỗi dậy của các siêu tập đoàn truyền thông), những năm 2000 (phần tiếp theo giả tưởng bất tận) rồi năm 2010 (Netflix)… đều mang đến những vòng xoay mới về sự tồn tại. Tuy nhiên, bên dưới những xáo trộn, bản chất công nghiệp điện ảnh vẫn nguyên vẹn. Hollywood vẫn có thể tạo ra tràng pháo tay vang dội, với những tác phẩm “Get Out”, “1917”, “Black Panther” và “Once Upon a Time… in Hollywood”.

    Lần này, khoảnh khắc khủng hoảng mà Hollywood đối mặt hoàn toàn khác. Trong lịch sử 110 năm ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ, chưa bao giờ có nhiều biến động xảy đến cực nhanh và tác động khủng khiếp như vậy. Từ kịch tác gia, đạo diễn, giám đốc hãng phim, đại lý phân phối đến thậm chí nhân viên phòng vé…, tất cả đều mất phương hướng và xuống tinh thần, như thể đang “lang thang hoàn toàn trong bóng tối”- như nhận xét của một nhà sản xuất lâu năm. Chủ sở hữu Regal Cinemas, chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ nhì Bắc Mỹ, đang ngập đầu trong nợ. Adam Aron, giám đốc điều hành AMC Entertainment, chuỗi rạp chiếu bóng lớn nhất Mỹ, đã dẫn lời Winston Churchill khi nói về sự sống còn của mình: “Chúng tôi sẽ chiến đấu trên các bãi biển!”. Và Hiệp hội các chủ rạp hát quốc gia đang kêu khóc xin chính phủ liên bang cứu. Họ nói: “Các rạp chiếu phim trên toàn quốc đang có nguy cơ tắt đèn vĩnh viễn”. Jason Blum, nhà sản xuất đứng sau những dự án thành công như “The Purge” và “BlacKkKlansman” cho biết: “Chín tháng qua đã làm lung lay công nghiệp điện ảnh” – dẫn lại từ New York Times 28-11-2020.
    Những dịch vụ streaming như Netflix chắc chắn sẽ đóng vai trò thậm chí quan trọng hơn đối với sự tồn tại của điện ảnh


    Liệu dịch vụ phát trực tuyến (streaming), coronavirus và những thách thức khác cộng lại cuối cùng có thể thổi bay những tàn tích cuối cùng của Hollywood? Dịch vụ phát trực tuyến trước đó đã ít nhiều khiến Hollywood đau đầu. Netflix bắt đầu cung cấp phim và cả những chương trình giải trí truyền hình qua internet vào năm 2007. Thành công Netflix khiến nhiều đại gia Hollywood vào cuộc. Năm 2017, Disney từng nhào vào dịch vụ phát trực tuyến riêng bằng việc mua 21st Century Fox của Rupert Murdoch, ngốn đáng kể vào tài sản 71,3 tỷ USD của mình, trong nỗ lực mở rộng thư viện nội dung và giành quyền kiểm soát Hulu. Đến giờ công nghiệp điện ảnh gần như không còn con đường nào khác là tăng tốc vào cuộc chạy đua streaming. Với hơn một nửa trong 5.477 rạp chiếu ở Mỹ vẫn đóng cửa, hơn một chục bộ phim dự định dành cho màn ảnh rộng đã được chuyển sang dịch vụ phát trực tuyến hoặc các nền tảng cho thuê trực tuyến. Bộ phim mới nhất của Pixar, “Soul”, sẽ ra mắt độc quyền trên Disney+ vào Ngày Giáng sinh; cạnh tranh với “Wonder Woman 1984” (Warner Bros.), dự kiến vừa chiếu rạp vừa phát trên HBO Max vào ngày 25-12-2020.

    Hollywood sẽ chưa chết…

    Ngành công nghiệp điện ảnh còn đồng thời đối mặt những thách thức khác. Sự phẫn nộ dư luận trước vụ giết chết George Floyd bởi một cảnh sát đã buộc kinh đô điện ảnh đối mặt những đề tài về chủng tộc và bất công. Và đặc biệt dịch bệnh. Việc ngừng sản xuất do coronavirus đã khiến hàng chục nghìn nhân viên công nghiệp giải trí phải nghỉ việc. Hai công ty tuyển mộ tài năng lớn nhất, Creative Artists và William Morris Endeavour, đã gặp vô số khó khăn, dẫn đến một cuộc “tháo chạy” nhân viên chưa từng có.

    Đã có những thay đổi đột ngột và dữ dội ở các cấp cao nhất của Hollywood. Chín trong 20 người quyền lực nhất, theo xếp hạng một năm trước của The Hollywood Reporter, đã rời bỏ công việc vì lý do này hay lý do khác; trong đó có nhân vật số một, Robert A. Iger, người từ chức giám đốc điều hành của Disney vào tháng 2; hoặc Ron Meyer (số 11), người có 25 năm sự nghiệp với Universal, bắt đầu nghỉ vào tháng 8-2020 bởi liên can một âm mưu tống tiền. Những biến động ở Warner Bros. cũng làm ảnh hưởng tinh thần Hollywood. Trong nhiều năm, khi các hãng phim xảy ra xào xáo nội bộ (như trường hợp Universal), đối mặt tinh giảm (Paramount) hoặc thu gọn (20th Century Fox), Warners hầu như không bị ảnh hưởng. Nó vẫn là biểu tượng của sự ổn định. Tuy nhiên, những tháng gần đây, hãng bắt đầu thực hiện tiến trình tái sắp xếp, khi xuất hiện ông chủ mới, tập đoàn AT&T; dẫn đến sự ra đi của một số giám đốc điều hành từng làm việc nhiều thập niên. Hiện tại, Warner Bros. có 10 phim trong lịch phát hành rạp năm 2022. Năm ngoái, Warner Bros. tung ra 18 phim.

    Bất luận thế nào, cũng có không ít người lạc quan và cho rằng cách tốt nhất để cứu Hollywood là các hãng phim phải làm lại chính mình – như phát biểu của Ava DuVernay. DuVernay nói: “Tôi xem đây là thời cơ. Đôi khi bạn phải gỡ những con đinh tán và xây dựng một cái gì đó mới”. “Thay đổi là thứ mà chúng tôi sẽ làm” là slogan tại hãng sản xuất ARRAY của Ava DuVernay, người thành công với những sản phẩm điện ảnh lẫn truyền hình như “Selma,” “Queen Sugar” và “When They See Us”.

    Một số người hy vọng màn bạc có thể hồi sinh sau đại dịch, khi rất nhiều hãng đã dời lịch chiếu những siêu phẩm của họ vào hè 2021: “Black Widow”, “Fast & Furious 9”, “The Conjuring: The Devil Made Me Do It”, “Ghostbusters: Afterlife”, “Minions: The Rise of Gru”, “Top Gun: Maverick”, “Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings”, “Hotel Transylvania 4”, “Venom: Let There Be Carnage”… Tại Nhật, nơi các rạp chiếu phim hoạt động trở lại hoàn toàn, hơn 3,4 triệu người đã đến rạp vào tháng 10-2020 để xem bộ phim hoạt hình “Demon Slayer: Mugen Train”. Một rạp hát ở Tokyo thậm chí phải lên lịch chiếu 42 suất trong một ngày để đáp ứng nhu cầu.

    J.J. Abrams, chủ tịch Bad Robot Productions, cho rằng con người luôn có nhu cầu gặp nhau để giao lưu và cùng trải nghiệm. “Không có gì mà tôi có thể nghĩ thú vị hơn việc được ở trong rạp chiếu phim với những người bạn không biết, những người không nhất thiết phải thích cùng một đội thể thao hoặc cầu nguyện cùng một vị thần hoặc ăn cùng một loại thức ăn. Nhưng họ cùng la hét, cùng cười, cùng khóc. Đó là một nhu cầu xã hội” – J.J. Abrams nói. Ông tin rằng chẳng bao giờ có chuyện Hollywood khóc sụt sùi trên cái chết của chính mình. Bộ phim gần đây nhất mà công ty ông sản xuất, “Star Wars: The Rise of Skywalker”, đã thu về hơn 1 tỉ USD tính toàn cầu. Đây là một trong chín bộ phim đạt được ngưỡng đó vào năm ngoái, cùng với “Avengers: Endgame” (gần 3 tỉ USD). Tổng cộng doanh vé năm 2019 là 42,2 tỉ USD: 11,4 tỉ USD ở Bắc Mỹ và 30,8 tỉ USD ở thị trường nước ngoài.

    Nhưng phim không chiếu rạp thì có còn là “phim”?

    Không xuất hiện trên màn bạc thì phim còn là phim? Chỉ riêng việc vật lộn với câu hỏi đó đã đẩy Hollywood vào một cuộc khủng hoảng “bản sắc” một cách toàn diện, đặc biệt khi mà nhiều người ngày càng quen dần với cảm giác an toàn ngồi nhà xem phim. Peter Chernin, người từng lăn lộn bốn thập niên trong công nghiệp điện ảnh Mỹ, tin rằng cho dù Hollywood chưa chết thì cũng không thể nghĩ Hollywood cùng thói quen thưởng thức điện ảnh bằng cách ra rạp sẽ trường tồn. Từng đứng sau việc phát hành những siêu phẩm như “Titanic” và “Avatar” trong thời gian điều hành đế chế 21th Century Fox của ông Murdoch từ năm 1996 đến năm 2009, Peter Chernin đã liên kết Chernin Entertainment của mình với Netflix. Hiện họ có 70 dự án phim đang được thực hiện. Những bộ phim mà Peter Chernin chuyên làm – như “Hidden Figures” và “Ford v Ferrari” vốn kén khán giả – khó có thể kiếm vé ở rạp. Mà muốn thành công ở rạp thì phải tung tiền tiếp thị, thường bắt đầu ít nhất 30 triệu USD trở lên.

    “Điện ảnh như một loại hình nghệ thuật sẽ không chết. Nhưng truyền thống điện ảnh mà tất cả chúng ta lớn lên, yêu thích những bộ phim xem trong rạp, đã qua. Điện ảnh cần được định nghĩa lại để việc bạn xem ở đâu không còn quan trọng. Rất nhiều người, thật đáng buồn, dường như chưa sẵn sàng thừa nhận điều đó” – nhận xét của Michael Shamberg, người đứng sau những bộ phim như “Erin Brockovich”, “The Big Chill” và “Contagion”. Nói cách khác, nghệ thuật điện ảnh vẫn tồn tại, nhưng màn ảnh rộng không còn là tất cả những gì mà điện ảnh cần. Tuần tới, cuộc đua Oscar sẽ bắt đầu với việc phát hành bộ phim “Mank” của David Fincher. Lấy bối cảnh chủ yếu những năm 1930 và được quay bằng đen trắng, bộ phim tập trung vào thời kỳ hoàng kim lãng mạn của Hollywood, khi kể câu chuyện về sự ra đời của kiệt tác điện ảnh “Citizen Kane” (diễn viên người Úc Toby Leonard Moore đóng vai David O. Selznick). Khán giả có thể xem “Mank” trên Netflix!
    Attached Files
Working...
X