Announcement

Collapse
No announcement yet.

Có những ngày 30/04 trước năm 1975 "không nhuốm màu chiến trận"

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Có những ngày 30/04 trước năm 1975 "không nhuốm màu chiến trận"

    Trong ký ức của người Việt, ngày 30 tháng 4 có lẽ thuộc độc quyền của năm 1975.

    (Nguồn hình ảnh: Lap Truong)

    Cuộc chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, rất hiếm khi ngày 30 tháng 4 được nhắc đến mà không phải liên quan đến sự kiện năm ấy.

    Cuộc chiến từ những năm 1954-1975 nói chung, và sự kiện tháng Tư năm 1975 nói riêng, đã làm tốn hao không biết bao nhiêu giấy mực của những người làm nghiên cứu, những người từng tham chiến, và cả những người đã trải nghiệm qua chính cuộc chiến ấy.

    Ở nhiều góc độ khác nhau, có người nhớ về những khoảnh khắc khóc lặng người hay vui mừng khôn tả của giây phút hoà bình, dù ở "bên này" hay "bên kia", nhưng ít nhất, cuộc chiến này đã đi đến hồi kết thúc.

    Quả thực là những ngày tháng Tư của năm 1975 là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử hiện đại của dân tộc Việt, nhưng ngày 30 tháng 4 trong lịch sử còn gắn liền với nhiều những biến động khác với mỗi cá nhân và các vùng miền khác nhau.

    Thử tạm đặt những tin tức có liên quan đến chiến sự và chính trị qua một bên, có rất nhiều sự kiện về kinh tế, văn hoá, xã hội, và đời sống thường nhật đã xảy ra trong ngày 30 tháng 4 của những năm trước.

    Với mỗi cá nhân, gia đình, hẳn sẽ có người nhớ về ngày 30 tháng 4 như một kỷ niệm về một đám cưới, một đứa con ra đời, hay một người nằm xuống, một ngày của những sự khởi đầu hay những kết thúc. Chỉ cần đọc lại các nhật báo thời kỳ này sẽ tìm thấy một số lượng thông tin đồ sộ và nóng hổi về cuộc sống hàng ngày thật phong phú, ẩn chứa nhiều điều bất ngờ thú vị.

    Bài viết nhỏ này chỉ điểm qua một vài tin tức được coi là quan trọng, đáng chú ý ở dải đất phía Nam vĩ tuyến 17 với một cư dân ở đô thị quan tâm đến thời cuộc, tác giả Đoàn Thêm trong bộ sách "Việc từng ngày" để góp phần rọi sáng vào một vài góc khuất trong lịch sử đời sống văn hoá xã hội thời Việt Nam Cộng Hoà vốn luôn bị bao phủ bởi cái bóng khổng lồ của cuộc chiến tranh ác liệt này.

    Lùi lại 10 năm trước, ngày 30 tháng 4 năm 1965, bên cạnh những tin tức quân sự có liên quan đến cuộc chiến tranh (Phi Luật Tân họp xét vấn đề gửi quân sang Việt Nam, kết quả hành quân Tiền Giang 19/65, số lần các phi đội Hoa Kỳ oanh tạc từ 7/2 tới 30/4/1965), ông Đoàn Thêm có ghi nhận thêm một điểm ông coi là đáng chú ý trong tin tức của ngày hôm đó:

    "Trong 4 tháng đầu năm, tổng số heo do các tỉnh tiếp tế cho Đô thành Sài Gòn, lên tới 255.200 con, so với 180.684 con trong 4 tháng đầu 1964. Số heo hạ thịt tại lò Chánh Hưng lại chỉ có 141.301 con, từ 1/1/65" (1965 - Việc từng ngày, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, Sài Gòn,1968, tr. 75).

    Những con số này gợi lên điều gì ở một thành phố với khoảng một triệu rưỡi dân? Những ai còn nhớ tên gọi miệt lò heo Chánh Hưng của khu vực bên kia cầu chữ Y?

    Ba năm sau, năm 1968, cũng vào ngày 30 tháng 4, hãy khoan nghĩ ngay đến những trận đánh hay các cuộc hành quân, vì dù cho tin tức về chiến cuộc đã dày đặc hơn, chiếm 10 trên tổng số 13 chủ đề của ngày này, 2 điểm liên quan đến giá vàng, mối quan tâm của một người dân sống ở thời điểm đó còn là "từ đầu năm đến nay, rau muống tại các chợ Sài Gòn vẫn 30$ một ký" (1968 - Việc từng ngày, Nhà xuất bản Xuân Thu, California, 1989, tr. 150-151).

    (Nguồn hình ảnh: Đoàn Thêm)
    Cần phải có một cuộc nghiên cứu sâu rộng về đời sống kinh tế thời Việt Nam Cộng Hoà để thực sự hiểu được những con số này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh kinh tế xã hội bị ảnh hưởng bởi chiến cuộc đang leo thang.

    Nhưng có một điều chắc chắn là số lượng và giá cả của thịt heo, của rau muống tăng cao đã làm lo lắng biết bao bà nội trợ, trở thành chủ đề được bàn tán ở biết bao hàng quán, chợ búa khắp các đô thị và nông thôn ở miền Nam. Cuộc sống của người Việt ở miền Nam trước năm 1975 thường xoay quanh nhiều chủ đề về sinh hoạt đời sống như thế đó.

    Và hãy lùi lại thêm 20 năm trước năm 1975, ngày 30 tháng 4 năm 1955, Đoàn Thêm có viết, "3.000 dân di cư, hôm nay lại đến Saigon" (1945-1964 - Việc từng ngày - Hai mươi năm qua, Nam Chi Tùng Thư, 1966, tr. 172). Con số này góp thêm vào tổng số người di cư tỵ nạn từ miền Bắc sau Hiệp định Genève đúng 1 năm sau, ngày 30 tháng 4 năm 1956, Đoàn Thêm có ghi lại là 887.890 người (1945-1964 - Việc từng ngày - Hai mươi năm qua, tr. 194).

    Sài Gòn trước 1975: phụ nữ đi xe gắn máy (Nguồn hình ảnh: Bettmann)
    Mối quan tâm của những người Việt di cư này ở thời điểm đó là khu định cư, là trại tạm trú, là trợ cấp (tiền, gạo, mắm, củi, thuốc men), một thời gian sau sẽ là vật liệu cất nhà, làm ghe, giường chiếu chăn mùng, máy cày, phân hoá học, hạt giống, nhà có trẻ em còn thêm tã lót, sữa bột, trường học...

    Nhưng không phải chỉ những người mới định cư ở miền Nam mới có những mối lo lắng thường nhật đó. Cái ăn, cái mặc, nhà ở, y tế, giáo dục, việc làm,… những mối quan tâm này vẫn luôn tồn tại trong mỗi cộng đồng ở mỗi vùng miền, địa phương, sắc tộc người thiểu số, trong mỗi gia đình, với sinh hoạt tôn giáo, tập tục khác nhau.

    Cùng ở Sài Gòn, một anh giáo chức sẽ không bận tâm nhiều lắm tới giá rau muống như một chị bán hàng rong. Một người nông dân ở miền Tây sông nước sẽ có những lo nghĩ khác với những người học trò vùng nông thôn Quảng Ngãi hay những người Jrai, Ê-đê ở Cao Nguyên, hay những người tu hành đạo Cao Đài, Hoà Hảo.

    Cuộc sống của họ, sinh kế, truyền thống, nếp nhà, quan niệm, cả những điều tưởng như rất là "tầm thường" không có gì đáng kể hàng ngày, tất cả đều là một phần lịch sử của thời đại, chứ không phải chỉ có những chính sách, những trận càn quét hay tên tuổi các vị tướng tá và các ông đại sứ.

    Những năm 50, 60 của thế kỷ trước ở miền Nam, những lề thói xưa cũ và lối sống hiện đại Âu Mỹ đã đan hoà vào nhau trở thành những điều bình thường trong cuộc sống. Mâm cơm vẫn có nước mắm và thỉnh thoảng có thêm đồ hộp Mỹ, những mái tóc xoã thẳng xuống tà áo dài đi cạnh những kiểu tóc phi-dê và váy ngắn, những màn cải lương hay hát bội và những buổi đại nhạc hội với nhạc Rock hay Hip-Hop.

    Một ngày 30 tháng 4 như nhiều ngày khác trong năm, những người Việt ở khắp mọi miền đất nước đã trải nghiệm biết bao nhiêu vui buồn của cuộc sống thường nhật, trong âm hưởng của một cuộc chiến tranh khi xa khi gần.

    Trước 1975, đây là trụ sở Bộ Nội Vụ xây theo kiến trúc Pháp nhìn ra đường Đồng Khởi và góc Nguyễn Du, bên cạnh Quảng trường Công xã Paris. Bây giờ là Sở Thông tin Văn hoá Thành phố HCM
    (Nguồn hình ảnh: Nguyen The Phuong)

    Phòng trà Maxim’s đươc gọi là phòng trà nhà giàu, trình diễn các vở ca múa kịch được dàn dựng bởi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Sau 1975 vẫn mang tên Nhà hàng Maxim's (Nguồn hình ảnh: Nguyen The Phuong)


    Trụ sở Quốc Hội (sau gọi là Hạ Nghị Viện) có mặt tiền hướng ra Công trường Lam Sơn và đường Đồng Khởi quận 1. Sau năm 1975 đổi thành Nhà hát Thành Phố (Nguồn hình ảnh: Nguyen The Phuong)

    Nhớ lại ngày đó vào năm 1964
    Một số người trong giới làng báo ở miền Nam trước năm 1975 còn có thể nhớ về ngày 30 tháng 4 của năm 1964 với việc ban hành sắc luật 10/64 quy chế tự do xuất bản báo chí và tổ chức nền móng cho báo chí, trong đó có những điều khoản về lập Hội đồng Báo chí, ký giả chuyên nghiệp phải tốt nghiệp trường báo chí hoặc đã làm việc 7 năm, toà soạn báo phải ký quỹ, phải kê khai số vốn và nguyên lai. Sắc luật này đã làm cho nhiều nhà báo không khỏi bàn luận xôn xao.

    Chuyên mục Nhật ký ngày 30 tháng 4 của tuần báo Lập Trường xuất bản ở Huế, chia sẻ với các bạn đồng nghiệp "Dạo này báo chí hay bị tịch thu, đóng cửa. Đóng cửa vì phạm tội. Tịch thu vì xé rào. Nay mới nghe tin tờ Saigon Daily News cũng bị tịch thu" (Lập Trường, số 7, ngày 2/5/1964, tr. 16).

    Kể từ ngày 1 tháng 11 năm 1963, đây là tờ báo Anh ngữ đầu tiên đã bị đình bản vô thời hạn. Số báo Lập Trường tiếp theo suy tư về sắc luật ấn định "quy chế tự do báo chí" mới ban hành, gọi cả anh hồn của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Phan Long, những cây bút của báo chí về khóc cho hai chữ "Tự do".

    Trong bối cảnh nửa đầu năm 1964, khi chính biến tháng 11 năm 1963 vẫn còn nóng hổi, báo Lập Trường than "Sao lại đặt vấn đề vụng về đến thế. Đem cái quyền tối thượng dân chủ lệ thuộc vào với cấp bằng! Và đánh giá ký giả bằng những chức vụ với những số tiền hèn mọn!" (Lập Trường, số 8, ngày 9/5/1964, tr. 16). Ngày 30 tháng 4 đã ghi dấu ấn vào lịch sử bằng cả những biến động xã hội - văn hoá như thế, trước khi bị xoá mờ đi bởi mốc năm 1975 gắn liền với cuộc chiến.

    Cũng trong những ngày tháng Tư năm 1964, một học giả ở Pháp, Nguyễn Trần Huân, gửi bài "Kỷ niệm Nguyễn Du (1765-1820)" cho một tạp chí danh tiếng thời bấy giờ là tạp chí Bách Khoa (số 176, ngày 1/5/1964, tr. 93-95).
    Mở đầu bài viết, tác giả tiếc rằng mình sẽ chỉ có thể chứng kiến 200 năm kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Du vào năm 1965, chứ không có hi vọng gì sống tới 2065 để giải đáp câu hỏi của ông (Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như).
    Nhiều độc giả trẻ ngày nay sẽ chứng thực được rằng đến năm 2065 sẽ vẫn còn nhiều người nhắc đến tên Nguyễn Du.
    Và lúc đó, hi vọng sẽ có nhiều người nhớ về những ngày 30 tháng 4 không chỉ nhuốm màu chiến trận, bởi còn rất nhiều chiều diện, nhiều mảnh ghép đa sắc còn ẩn khuất của đời sống văn hoá xã hội cần được diễn giải để có một cái nhìn đầy đủ hơn về lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ XX.

    Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Dịu Hương, hiện đang làm việc tại khoa Lịch sử, trường University of California - Riverside, Hoa Kỳ
    Last edited by trungthuc; 07-16-2022, 02:25 PM.

  • Font Size
    #2
    Originally posted by trungthuc View Post
    Chuyên mục Nhật ký ngày 30 tháng 4 của tuần báo Lập Trường xuất bản ở Huế, chia sẻ với các bạn đồng nghiệp "Dạo này báo chí hay bị tịch thu, đóng cửa. Đóng cửa vì phạm tội. Tịch thu vì xé rào. Nay mới nghe tin tờ Saigon Daily News cũng bị tịch thu" (Lập Trường, số 7, ngày 2/5/1964, tr. 16).
    Tịch thu trước 75 thì có cơ hội lên tiếng than vãn, sau 4/75 bị VC cấm hẵn thì so ra trước 75 vẫn còn tự do báo chí mà!

    Comment


    • Font Size
      #3
      "để có một cái nhìn đầy đủ hơn về lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ XX"

      "đầy đủ hơn" ... lịch sử Việt Nam hiện tại là có nhiều hơn đầy đủ.
      "sau thế kỷ 99" là năm 10 ngàn ?? thôi kệ ... không sống tới đó rồi.

      Không ngày ba mươi tháng tư nào bằng ngày đó của 5 bảy lăm ...
      dù là tạm thời ngắn ngủi nhưng là ngày vui ... "cười ra nước mắt" ... của rất nhiều người ... rất có thể là niềm vui của mọi người ... niềm vui "hòa bình" ...

      nếu có thể làm gì để được tốt hơn tui sẽ cố gắng nhưng nếu không làm được gì hết thì tui "thôi kệ" nó ...

      Comment


      • Font Size
        #4
        Theo tôi, chỉ có những ai đã từng sống trong Miền Nam trước đây và tham gia trực tiếp vào chuyện cầm súng bảo vệ cho đồng bào và đất nước mới có cảm nhận và kinh nghiệm để có thể đưa ra những nhận định đúng đắn và chính xác về tình trạng đất nước ở thời điểm đó. Nhưng phải có lập trường vững vàng và đúng đắn, một là theo Quốc gia sống tự do hạnh phúc, hai là theo CS trốn ra ngoài Bắc hay vô bưng biền chống phá lại VNCH, còn đám lưng chừng thường gọi là "thành phần thứ 3", chỉ là đám a dua, xu nịnh, gió chiều nào lại chạy theo chiều đó, kể cả những người tự xưng là trí thức gì đó, luôn muốn chống đối chế độ, nơi mà họ có cơ hội để sinh sống và học hỏi trở thành người trí thức, thay vì đóng góp công sức cho xã hội, lại toan tính lợi dụng tình thế để kiếm chác trong tương lai. Rốt cuộc họ cũng bị đào thải, bỏ rơi sau khi đã được tận dụng triệt để vì họ không đủ tư cách để được vào đảng.
        Còn những ai sinh sau đẻ muộn, chỉ tham khảo qua các sách vở, hình ảnh xưa để đưa ra những nhận xét, nhận định thiếu thực tế và không thể chính xác để cho mọi người có thể chấp nhận được. Thật đáng tiếc thay!

        Comment

        Working...
        X