Announcement

Collapse
No announcement yet.

Bánh men làm dậy men ký ức

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Bánh men làm dậy men ký ức

    Ngày xưa, thời ngẩn ngẩn ngơ ngơ vì cổ tích, vì cà rem và bánh men, bánh men vẫn là thứ thích trội nhất. (Ngữ Yên)


    Nói về nỗi thèm một cái bánh bỏ vào miệng, ngậm ép bằng vòm họng, bánh có tiếng kêu tan vỡ và sau đó thứ bột bánh ấy tan ngay trong miệng, có nhiều người biểu rằng, "đúng là bọn con nít hảo ngọt".

    Biết suy nghĩ một chút, mới cho là con nít hảo ngọt vì nó cần năng lượng. Nhưng đến khi phản tỉnh, mới thấy rằng người lớn hảo ngọt còn nhiều hơn con nít.

    Những chuyên gia về dinh dưỡng học lại phát biểu: "Nhơn chi sơ tính hảo ngọt". Cho nên, một số bà mẹ vô tình dùng cam thảo để rơ miệng cho em bé lúc mới sinh. Chất ngọt trong cam thảo gây ra nguy cơ là bé bỏ sữa mẹ vì sữa mẹ không ngọt bằng.

    Cái hảo ngọt này theo chúng ta suốt đời. Bằng chứng là người lớn luôn thích được khen hơn là chê. Được khen thì tâm lý sẽ hưng phấn lên thấy rõ. Bị chê có khi ba ngày sau vẫn chưa nuốt trôi "cục" tức giận.

    Trở lại với chiếc bánh men hồi thuở nhỏ. Ngoài chuyện nó tan nhanh trong miệng, chiếc bánh ấy còn được gia công thêm hương vị bằng bột vani, thứ hương vị gây nghiện kể từ ngày biết được nó. Bột vani được sử dụng nhiều trong thực phẩm. Nó trở thành một thứ hương vị bám dính lấy khẩu vị chúng ta. Món gì có vani cũng đều thấy hấp dẫn cả.

    Bánh men tuy có chữ men trong bánh, nhưng lại không sử dụng men và tận dụng tính lên men khi được ủ lâu giờ của bột gạo. Nhiều người cho rằng, bánh men là do Tây truyền sang. Nhưng nguyên liệu của bánh hoàn toàn không có Tây chút nào: bột gạo và bột năng. Bột năng chiếm đến 85% trong bột nhồi bánh men.

    Dầu vậy, bánh cũng khá giống loại bánh macaron nổi tiếng của Pháp. Nhưng macaron lại cầu kỳ hơn nhiều. Thứ "bánh men" của Tây đã biến hóa qua nhiều thời kỳ, cho đến nay nó là dạng bánh gồm hai miếng được phết một lớp kem bơ ở giữa. Hương vị của bánh macaron phong phú hơn bánh men xa lắc. Hương truyền thống như mâm xôi (raspberry), sô cô la; thậm chí còn có hương pâté gan ngỗng, hương trà matcha.

    Một nguồn tin cho rằng bánh macaron du nhập vào Pháp từ Ý bởi đầu bếp của bà Hoàng hậu Catherine de Medici thời Phục hưng sau khi kết hôn với vua Henry II của Pháp năm 1533. Vụ này có vẻ làm chạm đến tự ái dân tộc. Phải chăng vì vậy mà cuốn Bách khoa Ẩm thực (Larousse Gastronomique bản 1988) phăng ra dấu vết nguồn gốc của macaron và phát hiện nó ra đời từ một nhà tu dòng Pháp ở Cormery vào thế kỷ thứ 18 (1791). Vào năm 1792, bánh macaron này bắt đầu nổi tiếng khi hai dì phước dòng Carmel trong khi chạy giặc giữa thời tao loạn do Cách mạng Pháp 1789 gây ra, đã đến tỵ nạn tại Nancy. Hai dì đã nướng và bán bánh macaron để trả tiền ở trọ. Từ đó hai bà sơ này nổi tiếng với cái tên "Các sơ macaron" (Macaron Sisters). Ở giai đoạn này, macaron chưa có hương vị gì đặc biệt.
    Click image for larger version

Name:	french-macaron-recipe.jpg
Views:	544
Size:	39.8 KB
ID:	119625
    Bánh macaron của Pháp
    Phải đến những năm 1930, macaron mới gồm hai mảnh kẹp mứt, rượu và gia vị và định danh là macaron Paris. Nhiều cuốn sách dạy nấu ăn của Ý vào thế kỷ 16 đã kể ra các lại bánh làm bằng bột hạnh đào (almond) giống y như macaron, mặc dầu có tên khác. Công thức sớm nhất được biết đến là vào đầu thế kỷ 17 và dường như copy/paste từ một phiên bản của Pháp.

    Nhiều thành phố của Pháp cũng đưa ra lịch sử lâu đời và các biến thể của bánh macaron, như Lorraine, xứ Basque, Saint-Émilion, Amiens, Montmorillon, Le Dorat, Sault, Chartres, Cormery, Joyeuse và Sainte-Croix ở Burgundy.

    Loại bánh macaron của thành phố Amiens có hình dáng tròn, nhỏ làm bằng bột nhào hạnh đào, trái cây và mật ong được ghi nhận đầu tiên vào năm 1855. Macaron của Amiens khá giống bánh men thuở ban đầu của Việt Nam, nhưng lớn hơn. Bánh men xứ ta bây giờ thu nhỏ như viên bi.

    Còn thành phố Nancy vùng Lorraine có cả một câu chuyện lịch sử về bánh macaron. Lịch sử ấy kể rằng bà Mẹ Bề trên ở thị trấn Remiremont sáng lập dòng nữ tu lấy tên là Dòng Thánh Tâm với nội quy nghiêm cấm ăn thịt. Hai bà sơ Marguerite và Marie-Elisabeth là những tác giả sáng chế ra bánh macaron Nancy đáp ứng quy chế ăn uống của nhà dòng này. Năm 1952, thành phố Nancy tôn vinh hai bà sơ khi sử dụng tên của họ để đặt cho con đường La Hache, nơi bánh macaron ra đời.

    Đâu chỉ có bánh men bị nghi là do Pháp truyền sang. Nhật Bản cũng có bành macaron nổi tiếng, được làm bằng bột đậu phộng thay vì bột hạnh đào với hương vị trà xanh wagashi. Hàn Quốc có loại bánh macaron khác thường gọi là ttungcarons (caron béo).

    Cách đây nhiều năm, người làm bánh Hoàng Vũ Huy, học nghề bên Thụy Sĩ, giới thiệu bánh macaron ở Sài Gòn với nhiều màu sắc trông ngon lành. Một dòng bánh cao cấp. Sau nhiều lần định hình, tiệm bánh La Dorée của Huy đã cắm neo tại số 28 Cao Thắng, Quận 3. Thụy Sĩ là nơi mà Huy học nghề có dòng bánh men tên là Luxemburgerli gồm hai miếng bánh bằng bột hạnh đào với lớp bơ kem kẹp ở giữa, được pha chế với nhiều hương vị khác nhau.

    Nhìn chung, chiếc bánh men Việt Nam chân chất, cắm sâu vào ký ức của nhiều người, định hình hương vị vani và mùi lá dứa dịu dàng cho khẩu vị ẩm thực. Chính những chiếc bánh men này đã nuôi lớn khẩu vị ấy. Bánh men không có hương vani sẽ không phải là… bánh men.

  • Font Size
    #2
    Lúc nhỏ, mổi lần nghĩ hè, tôi được ba mẹ cho về quê nội ở cách Cần Thơ 20 cây số, mổi lần đi chợ ở xã, đều tìm mua bánh trái dưới quê để ăn, trong đó có loại bánh men này. Ăn rất ngon, tan dần trong miệng, ngọt ngào với hương vị vanilla, vì ở Sài Gòn không thấy bán loại bánh men này nhiều.
    Càng ăn càng thích, chớ đâu có sợ như hiện nay, sách báo, bác sĩ luôn "răn đe" thiên hạ phải cữ đường, kiêng tinh bột, né chất béo vì sẽ gây ra...bệnh??? Nhờ vậy mà hiện nay phòng khám bác sĩ, bệnh viện lúc nào cũng "tràn ngập" bệnh nhân với đủ chứng bệnh ("tưởng tượng") cũng nhờ sự "mách bảo", "hăm dọa" liên tục của giới "tinh hoa khoa học"!

    Comment

    Working...
    X