Announcement

Collapse

Happy Mother's Day

HAPPY MOTHER'S DAY TO ALL OF YOU! CHÚC MỪNG NGÀY HIỀN MẪU ĐẾN VỚI CÁC BẠN
See more
See less

Chung cư cho Mỹ thuê

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Chung cư cho Mỹ thuê

    Trong bài viết chung cư ở Sài Gòn ngày trước, tôi có đề cập việc xây chung cư cho Mỹ thuê trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1954, các cố vấn quân sự lẫn dân sự Mỹ đã đến Sài Gòn với nhiệm vụ giúp chính phủ Ngô Đình Diệm tổ chức quân đội và thiết lập cơ sở hạ tầng phục vụ chiến tranh. Tính đến năm 1970, chung cư cho Mỹ thuê tại Sài Gòn lên đến gần 130 building lớn nhỏ.
    Click image for larger version

Name:	ZZ7D9D~1.JPG
Views:	546
Size:	47.2 KB
ID:	138642

    Khách sạn President của ông Nguyễn Tấn Đời xây sớm nhất cho Mỹ thuê (Nguồn: flickr.com)

    Ðó là chưa kể những doanh trại của Mỹ đóng quanh Sài Gòn như Ðài Rada Phú Lâm, Trung tâm Viễn thông Phú Thọ, Tổng kho Long Bình, Kho tiếp liệu Nguyễn Trãi, Phi trường Tân Sơn Nhất… Các nơi này có số lượng nhân sự khá lớn, bao gồm quân nhân và chuyên viên kỹ thuật.

    Ðể đáp ứng nhu cầu, quân đội Mỹ thuê mướn các building, ban đầu ở trung tâm thành phố dần dần mở rộng sang các quận ven đô. Ðây là cơ hội “con gà đẻ trứng vàng” của những người đầu tư địa ốc. Họ tiến hành xây dựng cấp tốc các chung cư cao tầng, khách sạn cũng như thầu cung cấp lương thực thực phẩm hằng ngày cho quân đội Mỹ.

    Tuy vậy, việc này đối với ngành kiến thiết đô thị là một vấn nạn vì không thể giới hạn chiều cao của các cao ốc. Nó làm mất vẻ mỹ quan, phá vỡ chiều cao trung bình các tầng theo quy hoạch kiến trúc có từ thời Pháp thuộc với những công sở có sẵn ở trung tâm thành phố. Ðơn cử năm 1959, một công trình có chiều cao lúc đó là khách sạn Caravelle đã phá vỡ cảnh quan giữa khách sạn Continental và Nhà hát lớn.

    Ngoài những building của ông Nguyễn Tấn Ðời, khách sạn Rex Sài Gòn được khởi công xây dựng sớm nhất. Khách sạn này nguyên là của ông bà Ưng Thi cùng với các phần hùn khác, đã mua lại garage hai tầng ở góc đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ để xây một khách sạn 5 tầng, có sân thượng dành cho việc giải trí. Toà nhà có 100 phòng ngủ, thư viện, nhà hàng, Rex Hotel dành cho cơ quan thông tin của Mỹ thuê từ năm 1960 đến 1973, khi Mỹ rút quân về nước.



    Hotel Canberra trên đường Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn giữa thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickr)


    Vào thời chính phủ Ngô Ðình Diệm, chỉ có chuyên viên kỹ thuật, tình báo và cố vấn quân sự cao cấp đến Sài Gòn nên nhu cầu xây dựng khách sạn cho Mỹ thuê còn ít, hầu hết tập trung ở trung tâm Sài Gòn. Quang cảnh đẹp, tiện sinh hoạt đi lại, nên các chung cư nhỏ, sang trọng mọc lên ngày càng nhiều ở khu vực đầu đường Hai Bà Trưng, Phùng Khắc Khoan, Ðoàn Công Bửu, Công trường Lam Sơn. Khách sạn Continental Palace được trưng dụng 19 phòng dành cho nhân viên dân sự Mỹ thuê dài hạn.

    Ðến thời kỳ Ðệ nhị VNCH, lính Mỹ bắt đầu ồ ạt vào miền Nam. Sài Gòn vẫn là nơi có số lượng viên chức Mỹ đông nhất. Các building lớn nhỏ xuất hiện lên đến cả trăm, rải rác chung quanh Sài Gòn ra đến vùng ven đô. Các building này được phân loại tuỳ theo đơn vị, lính hoặc sĩ quan hoặc viên chức cao cấp trong quân đội được đặt tên Việt lẫn Mỹ hoặc theo tên binh chủng. Chẳng hạn như Air Force BEQ (BEQ viết tắt chữ Bachelor Enlisted Quarters-bản doanh dành cho các binh sĩ độc thân); Colorado BOQ (BOQ là viết tắt của Bachelor Officer Quarters – bản doanh dành cho các sĩ quan độc thân); Circle 3-4 BOQ, 34th General Support Group…

    Còn các chuyên viên cao cấp mang cả gia đình sang thì ở đâu? Hầu hết họ thuê các biệt thự riêng ở quận Nhất và quận Ba Sài Gòn.

    Chung cư cho Mỹ thuê nằm trong thành phố tiện lợi sinh hoạt đi lại nhưng cũng là mục tiêu phá hoại của Việt cộng. Chiều ngày Giáng Sinh năm 1964, khách sạn Brinks 6 tầng của Bộ Chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam trên đường Hai Bà Trưng bị đánh bom bằng một xe hơi chứa thuốc nổ được kích hoạt tại tầng hầm để xe. Vụ nổ làm chấn động Sài Gòn lúc bấy giờ. Khách sạn Brinks hư hại nghiêm trọng. Sau đó được sửa chữa lại và các sĩ quan Hoa Kỳ vẫn ở đó cho đến khi chiến tranh VN kết thúc. Ðể tăng cường an ninh cho các chung cư quanh thành phố, lính Mỹ cho giăng dây kẽm gai, xây boong-ke bao cát phía cổng vào, và tăng cường lính trực 24/24. Tuy vậy việc phá hoại tiếp tục diễn ra vài nơi cho đến sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 mới chấm dứt.



    Chung cư Walling BEQ dành cho binh sĩ độc thân trên đường Phạm Ngũ Lão (Nguồn: Manhhaiflickr)

    Hầu hết các building xây cho lính Mỹ thuê đều trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Máy lạnh, phòng chiếu phim, nhà ăn. Nhìn lại thời gian ông Ngô Ðình Diệm cầm quyền, các chung cư dân sinh mọc lên tới đâu thì nhà dân mọc theo tới đó. Còn trong thời kỳ Ðệ nhị Cộng hoà, chung cư dành cho Mỹ thuê mọc lên lại kéo theo các dịch vụ giải trí như quán bar, hộp đêm, vũ trường, massage, tắm hơi, nhà thổ… Xem ra không có quân đội nước nào sướng hơn lính Mỹ trú quân ở nước ngoài. Hưởng thụ mọi tiện nghi, giải trí tận răng. Kể cả việc ăn uống cũng được cung cấp và nấu ăn tại chỗ, ngoại trừ một số người thích ra nhà hàng.

    Nói đến việc ăn uống, tôi nhớ vào năm 1970, lần đầu tiên được thưởng thức bánh mì sandwich mà thuở đó chúng tôi gọi là bánh mì gối vì trông giống cái gối cổ của mấy ông ngày xưa nằm hút thuốc phiện. Bánh xốp mềm, thơm phức khiến dân lao động trong xóm tôi thèm thuồng, dù rằng đó là bánh mì thừa qua đêm, đồ bỏ đi của binh lính Mỹ.

    Trong xóm có chú Bảy làm tài xế cho một nhà thầu cung cấp lương thực. Nhà thầu này chuyên làm bánh mì sandwich và bánh mì hương quế có nho khô bán cho Mỹ. Chú Bảy thường xuyên giao bánh mì cho các chung cư của Mỹ. Thỉnh thoảng, chú Bảy mang về một ít để trong nhà. Con chú học cùng lớp với tôi, lén mang vào lớp vài ba cái để bọn học trò nghèo chúng tôi thưởng thức cho biết mùi bánh mì Mỹ do đầu bếp người Việt mình làm.

    Hồi xưa thiếu thốn, cái gì ăn vào cũng cảm thấy ngon. Một vài năm sau, khu chợ trời Nguyễn Thông hình thành, bán toàn đồ Mỹ, bánh kẹo tràn đầy. Tôi đi học ngang qua nhìn ngó, nhưng chẳng thấy thèm.



    Toà nhà dành cho sĩ quan Không quân gần Tân Sơn Nhất (Nguồn: Internet)

    Nói đến chuyện chẳng thấy thèm, tôi lại nhớ đến dì Ba. Dì Ba là bạn cùng quê với má tôi, tản cư lên Sài Gòn vào giữa thập niên 1960. Dì biết nấu ăn nên xin vào được sở Mỹ làm. Chỗ dì làm là một bếp ăn nấu cho Mỹ ở đường Nguyễn Trãi. Mỗi lần tôi theo má đến thăm nhà dì, vẫn đi ngang bức tường dài trăm mét xây cao. Ngay cổng chính có lính canh trong hai lô cốt hai bên. Anh lính Mỹ đội mũ sắt có hai chữ PM (quân cảnh Mỹ) ngồi lăm le khẩu súng đại liên chĩa nòng thẳng ra đường phố, bên trên giăng kẽm gai giống cái nhà tù hơn là sở Mỹ. Mỗi lần đến thăm là má tôi được dì gởi biếu một giỏ đệm đầy ắp nào trứng gà, phô mai, bánh kẹo… toàn của Mỹ .
    Nói chuyện ăn uống ngoài lề một tí để nhớ hình ảnh ngày nào của những gia đình lao động làm cho sở Mỹ hưởng chút xái đồ thừa. Tôi xin kể tiếp thêm một chuyện nhỏ về việc đầu tư xây dựng chung cư cho Mỹ thuê nhiều người thành công nhưng cũng có người thất bại thảm hại.
    Chuyện là ở đường Tô Hiến Thành, gần chợ Hoà Hưng, một người quen của gia đình tôi, quyết định đập bỏ căn nhà trệt mái ngói, chiều ngang khá rộng để xây lên một khách sạn bốn tầng gồm 24 phòng cho Mỹ thuê. Ðầu năm 1970 khởi công kéo dài đến hơn cả năm mới hoàn thành. Phòng ốc trang bị tiện nghi đầy đủ, có garage đậu xe tầng dưới, nhưng suốt năm chẳng có được hợp đồng cho thuê nào, rồi Mỹ rút quân. Chủ đành ngăn ra từng gian ở tầng trệt cho thuê làm tiệm cầm đồ, bán hàng dân dụng. Các tầng trên bỏ trống cho đến năm 1975. Người Việt ta hay nói là làm ăn không gặp thời!

    Trang Nguyên
Working...
X