Announcement

Collapse
No announcement yet.

Cha và con

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Cha và con


    Cha con vui đùa. (Minh họa: Hassas Arts/Pixabay)
    Tôi lộn các tổng thống John F. Kennedy với Bill Clinton, George Washington với Thomas Jefferson. Tôi lộn Edgar Allan Poe với Charles Bukowski. Và việc lộn các ông bạn của cha tôi với nhau, ông Trãi với ông Du, ông Quát với ông Khiêm, cô Hương với bà Huyện, là chuyện thường.

    Cha tôi bày cho một bí quyết, nếu muốn nhớ tên của ai đó thì cách tốt nhất là hãy nhìn thẳng vào mắt họ, chạm vào thân thể họ, bắt tay, vỗ vai họ, xoa đầu họ, hôn họ, hít ngửi cái mùi mồ hôi hay mùi nước hoa của thân thể họ, nếu có thể. Tôi tin vào lời khuyên của ông, nhưng lại có vô số trường hợp không thể áp dụng được phương pháp này. Làm sao có thể vỗ vai, bắt tay hay hôn hít những kẻ làm tôi ngưỡng mộ nhưng họ chỉ từng sống trong quá khứ cơ chứ?

    Giá mà tôi có thể hôn lên đôi môi, hay rúc vào nách ngửi mùi, của cô Hương để không bao giờ còn lộn thơ của cô với thơ của bà Huyện nữa.

    ***

    Một trong những kinh nghiệm kỳ cục và rất ấn tượng của tôi về Việt Nam là khi tôi đi với mẹ về Sài Gòn lần đầu năm tôi lên tám tuổi.

    Tôi không hiểu vì sao người ta thích sờ tay vào tôi, thích vuốt ve tôi, mà không hiểu rằng tôi rất ghét điều đó. Ai cũng sờ tôi. Không chạm tay vào những bộ phận trên thân thể tôi thì cũng xoa đầu, vuốt tóc. Tôi thấy trong ánh mắt của họ sự ngưỡng mộ thì ít mà sự hiếu kỳ thì nhiều. Tôi có cảm tưởng họ nghĩ rằng da thịt tôi được cấu tạo bởi những chất liệu khác hẳn với da thịt họ. Họ vừa sờ vào các bộ phận trên thân thể tôi vừa trầm trồ, vừa khen ngợi, vừa tỏ vẻ ganh tỵ. “Trời, thằng cu mau lớn quá, tám tuổi mà bự như mười hai tuổi, ngộ ghê!,” “Da thịt gì mà mát rượi vầy nè!,” “Kìa, coi cái cổ tay nó kìa, to mà tròn lẳn như củ khoai lang!,” “Cái má phính chưa kìa, ngó là muốn nựng à!,” “Đẹp trai như vầy lớn lên tha hồ mà gái nó đeo à nghen con!,” “Coi nè, ú na ú nần à. Sao mà để cho muỗi nó chích thằng nhỏ nốt xanh nốt đỏ, te tua như vầy chứ?.”

    Thậm chí có lần có một ông nọ còn tính sờ chim tôi nữa! Tôi thét lên, “Fuck you! Don’t you touch me!” (1) rồi giáng vào mặt một ông ta một cú thật mạnh làm văng cái kính cận ra xa khi tôi phát hiện ra bàn tay có đeo chiến nhẫn vàng to sụ đang mơn man trên bắp đùi tôi. Ông ta bàng hoàng ngạc nhiên. Ông không hiểu vì sao mà tôi lại có phản ứng đột ngột và dữ dội như vậy.

    Ông la lên, “Bác có làm gì đâu nào. Tao tính sờ chim chút coi có ngon lành không chứ có làm gì đâu mà dữ vậy con?,” rồi loay hoay đi nhặt cái kính.

    Lúc đó mẹ tôi đang nói chuyện với những người khác, bà phải ngừng câu chuyện để xuýt xoa xin lỗi ông. Tôi phản đối. Tôi nói với bà, tất nhiên bằng tiếng Anh, rằng bà không việc gì phải xin lỗi ông ấy. Ông ấy không được sờ tôi, và yêu cầu mẹ gọi cảnh sát đến xử lý cái sự lạm dụng trẻ con này. Cha nội đó phải bị nhốt vào tù, phải bị cách ly ra khỏi xã hội, hay ít ra là phải cách ly ra hẳn với trẻ con vì hành vi đó là quá nguy hiểm cho bọn trẻ.

    Mẹ tôi nói với tôi rằng mọi người sờ tôi là vì họ muốn bày tỏ lòng yêu quý với tôi, đó là cái cách bày tỏ của họ. Rồi bà khéo léo dịch lại lời tôi nói, nhưng không dịch đúng y như ý của tôi. Mọi người cười xòa, có vẻ xem như tôi hỗn láo vì được nuông chiều quá mức, hay họ không chấp với hành vi quá đáng của tôi.

    Mẹ tôi nói:

    -Ờ, tụi nhỏ ở Mỹ khó chịu vậy đó. Chúng nó không muốn nựng như vậy đâu!

    -Cha đó bệnh hoạn quá! – Tôi nói, rồi bỏ vào phòng.

    Sờ chim là sờ chim. Sờ chim đâu phải là nựng. Thật là vô lý! Thật là bệnh hoạn! Sao lại có cái kiểu bày tỏ tình cảm một cách man rợ vậy chứ? Họ đâu có quan tâm gì đến cảm xúc của tôi! Vậy, nếu tôi là con gái thì sao? Liệu họ có sờ vào chim luôn không? Tay ông ấy có sạch không? Ông ấy có sờ chim các con của ông ấy hằng ngày như vậy không? Tôi đoán chắc rằng cha nội ấy là một tay bệnh hoạn. Vậy mà sao mọi người lại có vẻ đồng tình với chả, hay ít ra họ không xem sự việc tồi tệ này là nghiêm trọng?

    Thật không thể hiểu nổi!

    Sau này tôi thấy mình cũng kỳ cục. Lẽ ra một đứa không thích mặc quần như tôi thì có vấn đề gì với việc bị người khác ngó sự trần trụi của mình hay bị sờ chim cơ chứ?

    Nhiều năm sau, nhắc lại chuyện này, cả cha và mẹ tôi đều cho rằng ông ấy sai khi làm cái chuyện sờ chim đó, nhưng họ cũng nói rằng tôi không nên có cách hành xử và suy nghĩ như một thứ thực dân, hay phản ứng với ý thức phân biệt như vậy, vì đó chỉ là sự khác biệt về văn hóa, mà sự khác biệt ấy chỉ nên khoan thứ và chấp nhận chứ không nên mang vác nó suốt cả đời. Tuy nhiên, nhiều lần nhìn xuống bắp đùi mình thì tôi lại thấy cái bàn tay đeo nhẫn vàng mân mê trên đó. Lại lợm giọng!

    ***

    Lâu nay, chừng năm năm trở lại đây, hai cha con tôi không thể nói chuyện được với nhau như trước nữa. Lần cuối cùng mà chúng tôi còn thấy thú vị, hào hứng tranh luận với nhau là khi tôi nhận viết một bài luận về cuốn “Catcher in the Rye” (2) cho lớp, và tôi tham khảo ý kiến của ông, vì ông đọc khá nhiều sách văn học.

    Sau khi trò chuyện suốt ngày quanh đề tài cuốn sách, tôi viết được bài viết khá đạt, trong đó phần nhiều ý được nhặt ra từ những nhận xét của ông. Ông bảo rằng tôi đang có nhiều dấu hiệu giống y như thằng nhóc Holden Caulfield trong cuốn sách, có điều ngày nay cách biểu hiện những thái độ “quậy” của tôi khác với nó ở hình thức, phương cách, nhưng nói chung cái tâm lý bạo động, nổi loạn, là không khác, vẫn là cách ứng xử của bọn nhóc tì Mỹ trong lứa tuổi thiếu niên. Ông bảo rằng bọn trẻ Việt Nam, nhất là ở những thế hệ ngày trước, như thế hệ của ông chẳng hạn, không có cái tâm lý đó, hay có nhưng không mạnh mẽ, không xốc nổi. Tôi có cảm giác như ông vừa cố ý làm tổn thương tôi. Nhất là cái ánh mắt nhìn xoáy vào tôi như giễu cợt.

    Một đêm nọ cha đi vắng, bỏ tôi ở nhà một mình. Thật ra, ông có rủ tôi cùng đến nhà người bạn ông xem trận bóng đá nhưng tôi không đi. Sau khi xem chán những cuốn phim cũ và chơi chán những trò game online, tôi lên cơn khùng. Lý do là tôi chợt nhận ra, và căm ghét sự giả dối và hư hỏng trong đời sống của ông.

    Phải làm một cái gì đó. Đúng rồi, phải làm một cái gì đó cho cha tôi thấy sự hiện diện của tôi trong đời sống của ông là quan trọng như thế nào.

    Tôi lấy hết trên kệ và trong tủ đựng rượu vang xuống cả thảy mười hai chai, nhiều loại rượu khác nhau, cả chai còn nguyên lẫn chai uống dở, sắp thành hàng. Tôi lấy cái búa đập nước đá, lần lượt đập vỡ cổ từng chai, đổ vào bồn rửa chén, vất vỏ chai vào thùng rác.

    Xong rượu, đến mấy hộp xì gà. Tôi xử luôn những điếu nằm trong ống bằng thiếc mỏng, cũng bằng búa, chúng có cùng số phận vỡ nát và dúm dó. Rồi đến năm cái tẩu mà ông rất quý, ông tự hào về việc sở hữu chúng, mỗi cái ông mua cả hàng trăm đô la. Tôi phải thay cái búa đập nước đá bằng cái búa tạ to. Tôi đặt từng chiếc tẩu lên bệ sắt trong garage, rồi giáng búa. Do không tiên liệu được độ cứng của tẩu, những nhát đầu tôi chưa giáng thẳng tay, nên cái búa nảy lên vì không phá vỡ chất gỗ cứng lên nước bóng loáng. Tôi giáng búa điên cuồng. Món cuối cùng là mấy tờ tạp chí có in hình gái cởi truồng, do cha tôi đặt mua hằng tháng. Có nhiều cuốn ông chưa mở xem, chúng vừa còn nguyên trong phong bì. Tôi mang xấp báo ra gốc cây ngoài vườn, xối rượu lên rồi bật quẹt. Lửa bùng lên. Một niềm khoái cảm kỳ dị dâng lên, trào ra thật nhanh, khi tôi thấy những ảnh chụp thân hình đàn bà trần truồng cong lên, từ từ uốn éo vờn trong ánh lửa.


    Cha dẫn bước con đi. (Minh họa: John Conde/Pixabay)
    Đêm đó, cha tôi về rất khuya, say khướt. Ông vào phòng, để nguyên áo quần, giầy vớ, nằm vật ra giường, nhưng không ngủ. Từ phòng ngoài, tôi nghe tiếng đập chân đập tay lên nệm, tiếng ông nói lảm nhảm và thỉnh thoảng lại gào lên như đang giận dữ với ai, tiếng nước tiểu đái xè xè vào bồn cầu, tiếng ông vả nước lạnh lên mặt. Ông trằn trọc, giẫy giụa, vật vã. Tôi không chịu đựng nổi những tiếng động đó. Không phải vì cường độ của âm thanh, nhưng vì chúng gợi lên cho tôi hình ảnh thảm hại, khổ sở của một con thú bị dính bẫy.

    Tôi rón rén tròng áo khoác vào, lấy chìa khóa treo ở cửa, mở cửa ra đường. Tôi leo vào xe ông đang đậu nép bên đường, nổ máy. Ngoái nhìn lại, thấy ánh đèn trong phòng ông bật sáng, ông chồm ra cửa sổ cố gọi tôi, hốt hoảng hét lên điều gì. Tôi mặc kệ. Tôi lái thẳng ra biển.

    Dừng xe lại ở khoảng bãi đỗ bên đường, vắng ngắt, không một ai. Đứng đây lâu có thể bị cảnh sát đi tuần hỏi thăm thì rắc rối to. Tôi nhìn đồng hồ, 3 giờ 23 phút sáng. Hàng cây âm u kéo dài tới cuối dốc mờ mờ trong sương mỏng. Bên phải, dưới sâu là biển. Gió lùa lồng lộng qua các ghềnh đá. Tôi quay cửa kính xuống, gió lạnh cóng tạt vào mặt.

    Mở hộc xe, tôi thấy khẩu P.38 của ông. Ông thường nhét theo khẩu súng này sau thắt lưng mỗi khi ra ngoài vào ban đêm. Áp nòng súng lên má, chất thép lạnh có mùi tanh tanh. Tôi lấy gói thuốc lá trong hộc, đốt một điếu, rít vài hơi, ho sặc sụa, rồi ném xuống mỏm đá bên dưới. Gió đẩy đốm lửa bay khá ra, xoay xoay rồi biến mất trong bóng tối. Vài con mòng biển lượn quanh trên đầu. Chúng bay thật nhanh, xẹt qua xẹt lại trên nền trời tối. Chúng chỉ lặng lẽ bay, không kêu lên tiếng nào. Mấy đám mây sà thấp ngang đỉnh đồi. Không gian im lắng như trong một đoạn phim câm. Tôi nhấc khẩu súng lên ngang tầm mắt. Tôi muốn bắn một phát. Không dưng tôi nhớ tay tài tử có bộ mặt lạnh tanh Christopher Walken với trò “Russian roulette” (3) trong phim “Deer Hunter” (4). Có điều gì thôi thúc tôi. Man dại và tối ám. Tôi phải làm. Dễ quá, chỉ tháo đạn ra, chừa lại một viên, rồi quay ổ đạn, kê súng lên màng tang, siết cò, là xong.

    Không được làm. Được. Không được. Được.

    Tôi ra khỏi xe, hai tay ghì chặt khẩu súng. Bắn vào đâu đây? Lũ mòng biển trên đầu ư? Không, sao lại giết chúng? Tôi chĩa súng xuống đám cây lá dưới vực, siết cò. Ánh lửa lóe lên thành một vệt sáng trên đầu súng. Tiếng nổ chát chúa, vang ngân, dội trong khoảng không im ắng. Lòng bàn tay tôi đổ mồ hôi nhớp nháp.

    Tôi mở cốp sau xe, nhét khẩu súng xuống dưới mớ giẻ lau, nổ máy lái đi. Chạy một đoạn, gặp một trạm xăng vắng, tôi dừng xe lại. Kéo cái trùm đầu của áo khoác lên, tôi đẩy cửa bước vào trạm, nhặt một lon cà phê, chìa tờ $10 cho tay nhân viên ngồi sau quầy kính chống đạn, nói số cột mà xe đang đậu. Gã ngước nhìn, hỏi tôi muốn mua bao nhiêu xăng. Tôi nói muốn mua lon cà phê và hết số tiền còn lại. Gã nói cảm ơn, chúc tôi đi bình an. Tôi nói cảm ơn. Tôi hy vọng gã không gọi cảnh sát. Tôi hy vọng gã nghĩ rằng tôi là thằng nhóc đi với ai đó đang chờ ngoài xe chứ không lái xe một mình. Tôi đi trở ra, đổ gần đầy bình, lên xe, vọt nhanh ra khỏi trạm, rẽ phải, tìm bảng chỉ đường, định hướng, để lái thẳng về nhà mẹ.

    Ra khỏi thành phố, đường trơn, mưa suốt xa lộ. Tôi mở lon cà phê, thỉnh thoảng nhấp một ngụm, rồi bóc kẹo cao su nhai cho đỡ buồn ngủ. Tôi đạp lút chân ga khi gặp những chiếc xe vận tải chạy cùng chiều. Những ánh đèn đỏ ở đuôi chúng lóe lên loang loáng. Chiếc xe lách qua dòng xe, lướt bay nhẹ nhàng, trong cơn mê. Nửa tiếng sau, lòng tôi lắng lại, không gợn một ý nghĩ nào. Tôi giảm tốc độ, bình tĩnh và chú tâm vào việc lái xe, cẩn trọng tính toán từng động tác, căng mắt nhìn những bảng chỉ đường để khỏi lạc.

    Tôi lái thẳng một mạch năm giờ không nghỉ, chỉ dừng lại đi đái hai lần. Trời sáng dần, tôi thoát ra khỏi xa lộ, tạt vào đường nhỏ chạy song song nó để tránh cảnh sát.

    Hai bên là rừng, không có đèn đường, con đường là một vệt chỉ kéo dài xa tắp.

    Một con nai nhỏ, chỉ bằng con chó, bị xe tông, máu loang ra giữa đường. Chắc nó còn sống, chắc nó đang nằm thở thoi thóp. Ý nghĩ bật ra quá chậm. Không kịp. Tôi tạt hết tay lái sang phải tránh. Không kịp rồi. Bánh xe nảy lụp cụp lên khi cán qua nó ngay dưới ghế tôi ngồi.

    Dừng lại, hay chạy luôn? Nhỡ nó còn sống thì sao?

    Chạy luôn, chạy luôn, chạy luôn… Kệ mẹ nó, chạy luôn!

    Mày giết nó rồi!

    Kệ mẹ nó, kệ mẹ nó, kệ mẹ nó!

    Chạy luôn, chạy luôn, chạy luôn…!

    Tạt qua đường khác. Phải tạt qua đường khác để đừng ai thấy. Để đừng ai biết.

    Biết gì?

    Biết mày vừa giết!

    Đến nhà, tôi đậu xe lại bên vệ đường. Vết máu bám dính trên mâm bánh trước. Tôi mở cốp lấy giẻ chùi, rồi lấy khẩu súng bỏ vào túi áo khoác, mở cửa thật nhẹ vào nhà.

    Mẹ không có nhà, chắc bà đi làm ở tiểu bang xa chưa về. Tôi vào phòng mình, tháo giày, cởi hết áo quần ra, nằm vật xuống giường, kéo chăn lên trùm kín đầu. Cơn buồn ngủ tới, nhấn tôi chìm xuống một giấc thật sâu. Tôi ngủ vùi suốt mười tiếng. Nhiều lần chuông điện thoại reo nhưng tôi không bắt máy. Chắc là cha và mẹ gọi. Tôi giật dây điện thoại ra khỏi lỗ cắm.

    Hai hôm sau cha tôi bay xuống, ông đi xe buýt rồi thả bộ đến nhà chứ không gọi tôi ra phi trường đón. Ông không vào nhà, có lẽ không muốn gặp mẹ tôi, tuy bà vẫn chưa về.

    Hai cha con ngồi trên băng ghế ngoài vườn. Ông không nhắc gì về chuyện đã qua. Hỏi tôi dăm câu như mọi khi, rồi ông chìa tay ra. Tôi móc túi lấy chìa khóa xe đưa ông. Ông vẫn chìa tay, không rút về. Tôi lấy khẩu súng trong áo khoác ra, đặt lên tay ông.

    -Con có bắn một phát. Không trúng.

    -Chắc khoảng cách còn xa, và con ngắm chưa kỹ. Và con không thật muốn bắn.

    -Cha có biết con bắn cái gì không?

    -Biết.

    -Cha không biết!

    -Ừ, cha không biết.

    -Con đã giết. Một con nai…

    -Con nai đó đáng chết…

    Ông nhét vào túi tôi ba tờ bạc $100. [qd]

    Cha và con (nguoi-viet.com)
    Attached Files
Working...
X