Announcement

Collapse
No announcement yet.

Chuyện tên nông dân xuống Sàigòn lần đầu tiên

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Chuyện tên nông dân xuống Sàigòn lần đầu tiên

    Nhớ đậu tú tài, đạt tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục cho sinh viên đi du học, mình về Sàigòn để xin đi du học, thực hiện giấc mơ ngày xưa. Cứ xin thử coi, nếu số mình được xuất ngoại thì sẽ đi, còn không thì ở nhà, học đại học rồi trước sau cũng đi lính. Đi vòng vòng báo tin cho tụi bạn thì đứa dặn phải như thế này, đứa dặn như thế kia, dù chưa có đứa nào thấy mặt mũi Sàigòn là gì cả. Chỉ nghe thiên hạ đồn và lập lại. Mình thấy người Việt mình có cái vui là hay chỉ bảo thiên hạ. Trước khi đi Tây, mình gặp bạn bè hay người quen, họ đều chỉ bảo mình, bên Tây ra sao, phải này nọ như ăn cơm xong thì phải ợ để báo cho chủ nhà biết là mình ăn một bữa cơm ngon….

    Đứa nói rằng, nhìn cái mặt ngu ngu nông dân của mày thì ngay ở bến xe, chúng đã móc túi hết tiền của mày, đứa thì kêu đồng hồ phải đeo cái mặt nằm phía dưới để chúng không cướp giật được, ví thì bỏ trong túi quần phía trước… càng nghe mình càng sợ, hết muốn đi Sàigòn nhưng rồi, có nghe ông Cung Trầm Tưởng tả "Paris có gì lạ không em" thì lại thối thúc mình mạnh dạn lên đường.

    Tối đó, mẹ mình dặn dò, phải đi đường ra sao, cẩn thận tránh bị móc túi, cho địa chỉ của người dì để xuống ở ké vài tuần để lo toan hồ sơ. Cho vài ngàn bỏ túi phòng thân.

    Sáng ra, xách cái túi, đựng 2 bộ áo quần và mấy bịch trà Blao, mức dâu Đà Lạt để biếu bà dì, ra bến xe đò. Mua vé xong, leo lên xe đò ngồi. Thấy thiên hạ đi Sàigòn nào là chở theo xe Honda, gà, heo, bỏ trên mui xe. Kinh.

    17 năm trời sinh sống tại Đà Lạt, nơi mà mình đi xa nhất Đà Lạt, là quận Đức Trọng, cách Đà Lạt đâu khoảng 30 cây số trong vụ đi lạc quyên cứu lụt miền Trung. Đây là chuyến đi xa thật là xa, khởi đầu cuộc đời giang hồ suốt 50 năm, từ Đà Lạt đến Pháp rồi đi làm ở Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha, Thuỵ SĨ, Anh quốc rồi sau cùng là Hoa Kỳ.
    Sáng dậy sớm, mình ra xe đò Minh Trung để đi Sàigòn, thủ đô miền Nam lần đầu tiên trong đời. Xe bắt đầu lăn bánh, chạy qua cầu Ông Đạo, rẽ trái chạy lên đường Nguyễn Trường Tộ, thấy xa xa nhà hàng Thuỷ Tạ, cây xăng Kim Cúc lộ ra và xe chạy xuống đường Nguyễn Tri Phương. Bổng thấy mấy người đứng lề đường, quơ tay cho xe dừng lại, xe ngừng lại để đón thêm hành khách giữa đường. Hành khách trả tiền cho lơ xe, xem như chủ không ăn được đồng nào.

    Thấy nhà thầy Hứa Hoành ở bên tay phải mà mình có đến thăm thầy mấy lần. Mình bắt đầu thả hồn theo mây khi xe đến thác Datanla, nơi có nhiều kỷ niệm của thời học sinh, trước khi đậu lại trạm kiểm soát ở đèo Prenn. Dạo ấy ở đèo Prenn có trạm kiểm soát, tối họ đóng cửa, không cho xe chạy lên xuống Đà Lạt.

    Xe chạy không biết bao lâu thì bắt đầu thấy nóng nực, nên cởi áo ngoài ra. Mình thả hồn vô giấc mộng đi Tây, qua Tây sẽ hát "Paris có gì lạ không em" nên chả thèm để ý gì bên cạnh, tiếng gà vịt kêu cạp cạp, Cuối cùng thấy mấy tảng đá to lớn nằm chơ vơ, thiên hạ kêu, "Đến Định Quán rồi". Xe chạy chậm chậm lại thì từ đâu có một đoàn con nít, già trẻ, chạy theo xe, kêu mua giùm con đi cô, mua giùm con đi bác. Mình có dáng bộ nông dân nên không thấy ai mời chào hàng cả.

    Nhớ lần về thăm Việt Nam lần đầu tiên, đi xe từ Sàigòn về Đà Lạt, cũng chạy qua chỗ này, xe ngừng lại để bà cụ mua quà về cho nhà. 20 năm sau, vẫn thấy con nít đi bán mía ghim, bánh trái như xưa, không có khác gì lức xưa cả. Thời cách mạng còn thua thời nguỵ. Chán Mớ Đời Mẹ mình thì quen buôn bán nên trả giá. Có cô bé kêu, "Việt kiều mà cũng trả giá, quê 1 cục!".


    (Minh họa)

    Xe tấp vào mấy quán ăn. Anh lơ xe kêu mọi người xuống đi tiểu, ăn uống, cho máy xe nguội. Định Quán, nghe kể gần Hố Nai, dân Bắc kỳ di cư dữ dằn lắm. Xe chạy qua mà lỡ đụng chết đứa bé là họ giết tài xế để đền mạng. Nghe kinh. Mình thận trọng đi xuống xe nhìn chung quanh xe. Coi có móc túi hay không.

    Mình vào quán ăn, kéo cái ghế đẩu, kêu ly trà đá và đĩa cơm sườn. Ăn xong, phải nhìn quanh nhìn quất, xem coi có ai đang quan sát mình hay không, để móc cái bị ni lông ra, lấy tiền trả. Phải công nhận đồ ăn dọc đường ngon kinh hoàng. Sau này có lần mình về Đà Lạt với Nguyễn Đình Tài, chạy xuyên đêm lên Đà Lạt. Anh bạn đón mình ở Tân Sơn Nhất khi máy bay hạ cánh vào lúc 11 giờ đêm, rồi kêu tài xế chạy xuyên đêm, thẳng lên Đà Lạt. 4 giờ sáng đến Bảo Lộc, chạy vào một quán phở. Trời lạnh lạnh, ăn hai suất phở ngon kể gì.

    Xe bắt đầu vào Sàigòn, chỗ Hàng Xanh rồi chạy lòng vòng đến bến xe đò. Lúc này là ruột gan mình bắt đầu chới với. Những lời dặn dò của bạn bè, người thân từ đâu cuộn về, nào là "coi chừng móc túi ở bến xe, du đảng,…"

    Xuống xe, thất thỉu sau 8 tiếng đồng hồ ngồi trên xe, thấy một anh thần chạy xe ôm hỏi, về đâu. Mình hất hàm làm như tài tử Hùng Cường trong Đại Ca Thay kêu cây xăng 113A Bà Huyện Thanh Quan. Câu nói này mình lập đi lập lại trong đầu từ tối hôm qua, để cho dân Sàigòn tưởng mình là "Saigonnais" (dân Sài Gòn chính gốc). Mình được cái là đóng kịch rất dỡ nên thiên hạ tưởng mình là dân Sàigòn, thêm da rất đen, cái đen của dân miền thượng du.

    Anh ta kêu, lên xe đi. Mình leo lên xe, anh ta chạy như bay, tay nắm chặt cái yên, tay kia thì cầm cái bịch đồ, đồng hồ đã được đổi mặt xuống dưới. Đồng hồ Citizen ông cụ mua thưởng khi đậu bằng trung học Tây B.E.P.C. ở tiệm đồng hồ Tiến đạt. Bổng nhiên anh ta lại hỏi, cây xăng nào. Mình nói cây xăng chính phủ đối diện Trung Tâm Chỉnh Hình đó. Mình chỉ nghe nói về nhà bà dì. Ông Dượng trông coi cây xăng chính phủ, nơi các công xa đến đổ xăng, đưa phiếu của mấy Bộ, trước Trung tâm Chỉnh hình thì chỉ lập lại, chớ có bao giờ đến đây đâu. May quá cái cây xăng hiện ra ngay góc đường. Mình xuống xe trả tiền rồi vô nhà hỏi thăm. Gặp đúng lúc gia đình bà dì đang ngồi ăn cơm.


    (Minh họa)

    Nhà bà dì thì nhỏ mà con cháu lại đông. Con cái hình như có 6 đứa, cả đám cháu bên chồng lên cũng cả chục mạng nên lúc tối kéo nhau ra ngoài sân ngủ, lấy cái mùng giăng lên rồi chui vào nằm cả đám, xe cộ chạy ầm ầm đến giới nghiêm thì ngưng. Cháu bên chồng từ Đà Lạt kéo về và ngoài Huế nữa. Sau Mậu Thân, dân cố đô đã biết mùi Việt Cộng nằm vùng nên chạy tứ xứ để tránh điềm chỉ của bọn nằm vùng.

    Hôm sau, hai người em họ dẫn mình đi xi nê nghe nói ở rạp Rex hay Mini Rex gì đó. Đi xe buýt rồi. Lêu bêu theo hai người em họ đến một khu cực sang. Khu Hoà Bình Đà Lạt chả thấm thía gì cả. Mình cứ muốn làm dân Sàigòn, mà tính tò mò cứ nhìn trên nhìn dưới, cứ như Hai Lúa lên Sàigòn. Nhất là gái Sàigòn gầy gầy không béo tốt như gái Đà Lạt, bận áo quần rất lạ, ống loa, đeo kính mắt to đùng, to hơn cả cái mặt của họ. Đà Lạt lạnh ra đường các cô lúc nào cũng bận áo len, ở đây khí hậu nóng nên họ mặc đồ hở hang, lộ hàng một ít, thấy phê mé đìu hiểu.


    (Minh họa)
    Khi không thấy hai đứa em leo lên cầu thang đang chạy ào ào lên tầng trên khiến cho mình bị khiếp vía, không dám nhảy lên. Thiên hạ đi sau kêu, xít qua một bên cà chớn, nên mình đứng một bên cho họ đi lên. Mặt xanh như đít nhái khi thấy cái cầu thang cứ chạy lên ào ào. Hai người em lên trước, quay lại không thấy mình nên trở lại cầu thang máy, kêu nhảy lên đi khiến mình lại càng ngu không hiểu gì cả , đành leo qua cầu thang thường bên cạnh. Nhảy vèo vèo hai ba thang cấp một lúc như Vương Vũ là tới nơi.

    Chúng lắc đầu thầm nghĩ, không ngờ có tên anh họ bà con nông dân như Hai Lúa. Vào rạp hát thấy mát lạnh, thằng em họ kêu máy lạnh, chỉ cho mình mấy chỗ hơi lạnh phì phò ra. Ghế thì loại to lớn, không như ở rạp Ngọc Lan mà đứng dậy thì tự động đóng lại nghe rầm ngầm. Không nhớ xem phim gì, chỉ nhìn máy lạnh chay ra gió lạnh, sướng thiệt. Phen này về Đà Lạt tha hồ mà kể cho đám trong xóm nghe chuyện Sơn đen đại náo Sàigòn. Sau đó hai người dẫn mình đi viếng Thương Xá Tax. Lần này thì hơi quen rồi nên cũng ráng nhảy cái vèo lên thang cuốn để cho thiên hạ bớt khinh thường mình, nông dân tỉnh lẻ.

    Sau này, ở New York, mình có anh đồng nghiệp có vợ là con gái của rạp Rex khi xưa, cô ta kể là cháu của ông Tùng Thiện Vương. Cô này đúng là con cháu quan lại nên cao ráo, rất xinh. Mình có đến nhà ăn cơm rồi sau này anh ta bị sa thải nên không còn gặp lại nữa.

    Tối đó, bà dì cho mượn cái xe đạp mini, kêu mình di tản về bên mệ ngoại ở Hàng Xanh, rộng rãi hơn, chỉ có điều là đạp xe đạp mệt thở muốn đứt hơi. Thế là đạp mệt thở chạy về đó. Được cái là ở với mệ ngoại. Nhà này của bà dì mua, để mệ ngoại ở và cho mấy ông độc thân, bà con bên chồng thuê phòng. Có một ông bác sĩ Thú y tốt nghiệp bên Thái Lan về, một ông thì làm ở toà Đô Chánh. Ông này là bạn học với một ông thầy dạy hóa Học mình khi xưa. Toàn là dân Huế. Ông ta kêu ông thầy dạy hoá của mình là tên ba xạo, vì ông ta kể là lúc bơi qua sông Hương. ông thầy này hay ăn đặc sản Quảng Trị nên cứ nổ. Con hẽm này thì buổi sáng là có họp chợ, mệ ngoại mình mở cửa bán hàng nhớ hình như là gạo như ở chợ Đông Ba trước khi vào Sàigòn. Chiều thì nấu cơm tháng cho mấy ông độc thân về ăn cơm. Nay có mình và hai tên cháu của ông Dượng nữa.

    Mình có nhiều kỷ niệm thời bé với mệ ngoại. Có lẻ hai người đàn bà có ảnh hưởng nhất về cuộc đời mình là mẹ mình và mệ ngoại. Mẹ mình thì tính chịu cực, ai nói gì cũng không để ý, còn mệ ngoại thì thiên về kinh kệ. Cả hai không được đi học vì nhà nghèo nên sau này mình học và đọc sách dùm cho hai người đàn bà mà mình yêu thương nhất.

    Mình nghĩ mệ ngoại thương mình nhất trong đám cháu. Có dạo mệ ngưng buôn bán ở chợ Đông Ba, vào Đà Lạt ở nhà mình. Tối mình hay đọc kinh Phật cho mệ nghe, Tề Thiên đại thánh Tây Du ký. Đi xi nê với mệ ngoại thì mình thuyết minh cho mệ vì mệ không biết đọc. Mình đọc phụ đề Việt ngữ cho mệ khiến cho khán giả hay chửi thề. Rằm mệ dắt đi chùa lễ Phật và cúng tiền thầy. Không biết khi mệ về Sàigòn sống, có ai đọc kinh cho mệ nghe hay không. Khi xưa là Chú Đại Bi và kinh Pháp Hoa hàng ngày.
    Mình chỉ nhớ lần đầu tiên về lại Việt Nam, có ghé thăm Mệ, mắt bị loà, chắc bị cườm. Mệ đưa tay ra sờ đầu sờ mặt mình rồi mệ khóc, nói ráng học nghe con, thấy thươngơi là thương! Mình xem như cháu ngoại đầu tiên tốt nghiệp đại học. Mình nói nhỏ, tiền con gửi Mệ, thì nhanh như chớp mệ đã bỏ tiền vào túi liền. Kinh


    Mình nhớ Võ Hoàng Đa bò đến nhà Mệ ngoại mình ở Hàng Xanh để đưa mình đến Nha Du Học, hình như đường Lê Thánh Tôn. Mình không phải là dân Sàigòn nên không nhớ đường xá của thủ đô. Ra Nha Du Học xin hồ sơ để biết phải cần gì để nộp vô. Sau khi xin được hồ sơ thì nó chở mình đi vòng vòng Sàigòn như đi ngang Toà Đô Chính, đường Tự Do, nhà thờ Đức Bà,… ngồi sau xe nó, mình cứ nhìn lên trời, kêu u chau u chau hay hè. Đà Lạt chỉ có một căn nhà cao 4 tầng lầu là khách sạn Thuỷ Tiên, còn đây toàn là cao mút tầng mây.

    Thằng Đa thì quê nội nó ở Long Xuyên, gia đình họ hàng ở Sàigòn đông như dân Sàigòn nên nó hay về đây chơi mấy tháng hè còn mình thì đây là lần đầu tiên. Nó muốn mình bớt ngu nên giải thích chổ này là chổ nào, đây là Quốc hội, đây chợ hoa đường Nguyễn Huệ mà mình hay thấy ảnh đăng trong các báo xuân của tờ Tiền Tuyến. Sau đó hai thằng ghé quán nước mía bên đường. Trời ơi ngon chi lạ. Nước mía Đà Lạt thì có ở bến xe Chi Lăng-Đà Lạt, chỗ vũ trường La Tulipe rouge nhưng không ngon lắm. Ở đây họ bỏ đá và vắt thêm trái tắc. Uống sau khi chạy vòng vòng Sàigòn, trời nóng không lạnh như Đà Lạt.


    Tòa nhà Quốc hội Việt Nam Cộng Hoà mà mình đạp xe đạp với thằng Đa. Nó giải thích các địa điểm tại Sàigòn. Mình chỉ ở Sàigòn đâu tổng cộng có 2, 3 tuần lễ trước khi đi Tây nên không rành lắm.

    Đa là một trong những người bạn mình quen thân ở Đà Lạt, được xem là lanh lợi nhất. Chắc đi về Sàigòn hoài nên lanh. Sau này nghe anh chàng kể cuộc sống sau 75, rồi tổ chức vượt biên ở Long Xuyên, rất cảm phục. Sau này, anh chàng hay về Việt Nam làm ăn nên ít gặp lại.

    Về ở với Mệ Ngoại thì có thêm hai người con bác Cháu, bán mắm ở chợ Đà Lạt, chị dâu của bà là dì mình. Bác này giỏi lắm, bán mắm mà cho con đi du học ở Nhật Bản. Hình như anh Phú, còn anh Mừng thì làm thuyền trưởng, sau này đi di tản có kêu ông cụ mình lên tàu nhưng ông cụ vì lý do cá nhân nên ở lại rồi bị 15 năm tù cải tạo với Việt Cộng.

    Hai anh em học trường Trần Hưng Đạo. Người anh tên là Lê Công An, nghe tên là đã hết hồn, còn người em thì mình không nhớ tên, Lê Công Vui thì phải ... Có gặp lại một lần tại đám cưới con bà dì mình ở San Jose. Ông Công An thì đang luyện ôn để thi vào trường đại học Kiến trúc. Còn ông em thì đang luyện thi vào đại học Phú Thọ.

    Hôm sau mình bò lại nhà thằng Nguyên, cũng đang tính chuyện đi du học. Tên này có người anh đang du học tại Gia-nã-đại như anh của Hùng Con Cua. Hôm qua có ai trên mạng, cho biết là bạn học của anh nó. Nó ở nhà bà con gì đó, có cô con gái tên Tần thì phải, có lên Đà Lạt quen biết với tên Dân, hàng xóm chi đó. Thằng Nguyên kêu đi kiếm thằng Dân, hàng xóm. Hai thằng lại đạp xe ra Nguyễn Huệ. Tên này ở nhà bà chị trong một chung cư cao tầng. Mình đứng mà ngóng lên để xem nó ở tầng nào mỏi cả cổ. Sau 75, thiên hạ chê bộ đội vào Sàigòn rớt nón cối, chớ mình cũng đâu thua gì, từ Đà Lạt xuống Sàigòn là cứ như ông Nguyễn Bính khi xưa từ quê ra tới Huế là đã xanh mặt.

    Thằng Nguyên về đây trước mình để lo hồ sơ du học nên có lẻ quen đường xá hơn mình. Xông xáo dẫn đường. Đi vào chung cư, mình hỏi thằng Dân ở tầng thứ mấy, vì thấy leo cầu thang là ớn đời. Đà Lạt vào nhà bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh có 3 tầng mà mình đã chới với. Thằng Nguyên lại kêu, mày đúng là nông dân, ở đây người ta đi thang máy khiến cho mình vốn đã ngu nay lại còn dốt bền vững. Rồi hai thằng đi vào chung cư. Trong hall, có hai người đàn bà xách đồ đứng trước cái cửa bé bé. Khi không mình nghe cái cạch rồi cánh cửa mở ra, có hai ba đứa bé chạy ra, hai người đàn bà bước vào thì chật ních nên mình chưa biết tính sao, đi vào ép mấy bà xít vô thì thằng Nguyên bảo đợi. Nó kêu mình phải lịch sự, nhường chổ cho phụ nữ.

    Nông dân như mình thì ai nói gì cũng tuân theo. Đợi một lúc thì cánh cửa mở ra thì thấy hai cô gái Sàigòn đẹp ra phết, bận quần ống loa đeo kính mắt đi ra, giày thì có cục u trước mũi giày khiến mình thất kinh. Không dám bước vào theo thằng Nguyên. 2 phút trước đó hai bà già đi vào, bổng nhiên lòi ra hai cô gái. Mình mà bò vào, nó biến mình thành hai đứa bé hồi nảy là chết đời. Như hiểu mình, thằng Nguyên kêu, vào đây sợ gì. Thằng Nguyên bấm nút số 9 bên cạnh cửa rồi vụt, mình như bị kéo lên trời rồi phụp. Cái thang máy chồng chành rồi cửa mở ra. Mình nhìn thằng Nguyên không thấy nó biến đổi dạng nên bớt lo. Thằng Nguyên dẫn mình đi theo hành lang rồi bấm chuông. Thằng Dân lò ra, chửi thề đủ trò.

    Dân và Đa là hai tên mình quen khi xưa ở Đà Lạt, được mình xếp vào hạng lanh lợi nhất. Mình chỉ muốn được độ 10% cái tài lanh khôn của hai tên này. Cuộc đời lạ. Cùng sinh cùng năm nhưng có thằng thì ngu quá như mình lại có thằng lanh lợi như chiếm hết cái khôn của thiên hạ. Tên Dân này có biệt tài là nói rất nhiều. Gặp nó là nói từ năm Canh Dần đến Canh Khổ Qua. Nó nói rất nhiều. Nói như ban tuyên giáo, như cái loa phường ở quê nội mình từ 5 giờ sáng. Nếu không di tản chắc nó được cho vào ban tuyên giáo để nói hoài, không ngừng nghĩ.

    Mình nhớ nhất khi nó với anh thằng Nguyên cãi nhau về điệu nhảy Cha Cha Cha. Anh thằng Nguyên thì kêu nhảy Cha Cha phải như thế này, lắc mông qua lắc mông lại, còn nó thì kêu không, phải nhún như thế này như thế kia mới là nhảy đầm kiểu Tây còn kiểu kia là nhảy đầm Latinh,…. Mình chỉ đứng nhìn hai ông thần đang ba-xì-lô con gái lấy chồng chà già, u chau u chau nhảy đầm thiệt khó quá. Hùng con cua thì kêu để nó dạy mình nhảy đầm để đi "bum" với đối tượng một thời. Qua bên Tây thì Trường Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Paris đã biến mình thành tên nhảy đầm trứ danh. Đầm khi xưa, đi "bum" là réo mình đi theo để nhảy với chúng. Dạo ấy mê nhảy đến 3, 4 giờ sáng là thường. Nay thì chả muốn nhúc nhích. Chán Mớ Đời

    Tháng 2 vừa rồi về Sàigòn, có họp mặt đám học Yersin, vẫn thấy hắn nói liên tu ti từ đầu bữa đến khi ra về. Hèn gì qua Mỹ, hắn đi học nghề thầy cãi. Hình như dạo ấy hắn cũng đang tính du học ở Úc vì có bà chị ở bên đó thì phải. Hắn kêu đi phỏng vấn thì bị tên Úc ở toà đại sứ ghen tài nói nhiều nên đã đánh rớt. Cuối cùng hắn học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Kể sau. Hắn bận gì đó, hẹn ngày mai dẫn đi viếng Sàigòn, để cho nông dân như mình được chút hiểu biết về Sàigòn.

    Hôm sau, mình rủ hai tên ấp Ánh Sáng Đà Lạt đi chung, đến gặp thằng Dân. Kỳ này hết sợ thang máy rồi. Mình lại được dịp lý le với hai ông thần ấp Ánh Sáng, bấm số 9 đủ trò, cứ làm như nhà mình có thang máy vậy. Hai ông thần này như mình hôm qua dưới sự hướng dẫn của thằng Nguyên, nhìn lên trời dưới đất miệng thì u chau ủ chau, hiện đại hè. Đến nơi thì thằng Nguyên có mặt ở đó rồi. Hai thằng kéo mình và hai ông thần ấp Ánh Sáng đi uống nước ở quán Givral nghe cực sang.


    Tiệm Givral sang trọng một thời mà mình có lần được vào đây cùng mấy người bạn khi xưa.

    Mình nghe nói đến tiệm này trong truyện của Dung Sàigòn. Nay lần đầu tiên mới được mò vào. Tiệm ở góc đường thì phải. Thằng Dân đi trước mở cửa đi vào như Đại Ca Thay trong Điệu ru nước mắt, kéo ghế ngồi xuống. Mình, thằng Nguyên và hai ông thần ấp Ánh Sáng đi theo sau, kéo ghế ngồi theo. Thấy sang trọng thật, khá hơn mấy tiệm chè ở Đà Lạt. Ngồi trong thì thấy kính khắp nơi, cửa sổ to nên có thể thấy mấy cô đi ngang qua lại để ngắm.

    Có cô nhân viên xinh đẹp đến hỏi, dùng chi. Thằng Dân là tên thường đến đây nên hất hàm đề nghị kêu thêm một đĩa bánh Chou của Tây mà nay ở Bolsa bán đầy đường mà không dám ăn. Mọi người kêu nước uống. Bánh này mình được ăn ở trường Lasan Adran, chỗ preau, có ông già đứng bán nơi quán. 4 thằng ngồi uống từng lời nói của đại ca Dân, nói về Sàigòn ra sao. Tên này móc trong túi trên được điếu thuốc, khỏ khỏ trên bàn cho điếu thuốc cứng lại, rồi châm lửa hút. Hắn rít một hơi dài rồi thả người sau ghế, thả khói lên không gian như Huỳnh Thanh Trà trong Loan Mắt Nhung. Đúng thật, từ bé đến giờ tên này là chuyên nói. Tháng 2 vừa rồi về Sàigòn, có họp mặt dân Yersin, niên khoá 74, vẫn thấy hắn nói chuyện từ đầu đến cuối bữa ăn. Mình thì cạy miệng không ra được một chữ mà tên này thì xuất khẩu thành thơ.

    Đang nói thao thao bất tuyệt thì có thằng bé đánh giày, mò vào tiệm, đi hỏi vòng vòng, bà con đánh giày. Khiến mình nhớ đến thằng Quý đánh giày mà Duyên Anh kể trong truyện của ông ta. Đến bàn tụi này thì thằng Dân đưa dép của nó, kêu đâu có giày. Thằng bé xin, cho em cái bánh, nhìn trên bàn còn mấy bánh chou. Thằng Dân đưa cho nó một cái khiến cho nó vui mừng chạy ra tiệm. Tính hào hiệp của nó theo đến ngày nay. Nó và vợ thành lập hội từ thiện nuôi con người ta ở Huế.

    Cùng lúc thằng Dân kêu, mỗi thằng lấy cái bánh ăn ngay. Thằng Dân giải thích thằng bé đánh giày, chạy ra với cái bánh, nó khoe với tụi bạn thì chúng sẽ chạy vào xin. Cùng lúc ấy cả đám đánh giày từ ngoài tiệm chạy vào thấy trên bàn mấy cái bánh đã được bỏ vào mồm, thằng nào thằng nấy đang nhai. ông thần Lê Công An nhai nhanh quá bị sặc, phun bánh tùm lum ra ngoài. Chán Mớ Đời

    Uống nốt chai nước, cả đám đi ra. Mình và hai ông thần Ấp Ánh Sáng đạp xe về Hàng Xanh, miệng cứ kêu thằng Dân này quá lanh lợi. Bái phục bái phục

    Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen
    Nguyễn Hoàng Sơn
    Attached Files
Working...
X