Announcement

Collapse
No announcement yet.

Món đặc sản Cần Thơ

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Món đặc sản Cần Thơ

    Được thiên nhiên ưu đãi, mảnh đất Cần Thơ có rất nhiều cây trá‌i ngọt lành, cá tôm phong phú. Không chỉ thế, Cần Thơ còn gây thương nhớ cho du khách từ những món ngon đậm chất miền Tây hương vị đậm đà, nhưng cũng không kém phần tinh tế từ vẻ thanh khiết và dân dã của hương đồng cỏ nội.
    Cam mật Phong Điền
    Ở Cần Thơ thì cam mật được trồng nhiều nhất ở vùng Phong Điển, sau đó nhận thấy loại cam này thích hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở nhiều vùng lân cận thì mọi người đã nhân rộng giống cây này ra những nơi khác trong tỉnh. Cam mật Phong Điền từ xưa đã được xem là thứ trái cây quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người nơi vùng sông nước ngọt phù sa này.

    Xưa kia diện tích trồng cam mật ở Cần Thơ vào khoảng 327 mẫu với sản lượng gần 30/000 tấn/mùa, xuất ra ngoài tỉnh 17,700 tấn (chỉ đứng sau lúa thóc và khoai lang, những cây lương thực chủ yếu thời bấy giờ). Có thể nói, vườn cam ở đây được thiết lập ra từ những năm 1950 - 1960 và trở thành sản phẩm đặc trưng làm nên văn minh miệt vườn Phong Điền, sánh vai cùng các miệt vườn nổi tiếng như Cái Mơn, Bến Tre, An Hữu, Tiền Giang,...
    Cam mật Phong Điền
    Cam mật có hương thơm ngọt ngào, từng sớ cam căng mọng ngọt nước, đậm vị. Quả cam có vỏ dầy và sáng óng vô cùng đẹp mắt. Những múi cam to, có hạt nhỏ và hiện nay người trồng còn đang lai giống loại cam mật không hạt, để dễ dàng thưởng thức hay vắt lấy nước.
    Nếu ghé đến các vườn cam mật này, bạn sẽ thấy nhà vườn chia cam mật thành hai loại. Có một loại quả đơn, quả cam chỉ một cuống một quả. Hình dạng quả tròn thon dài và hạt to. Một loại thứ hai là loại quả chùm. Quả chùm thì thường có 2 đến 4 quả. Hình dáng quả hơi dẹp và hạt nhỏ hơn so với hạt quả đơn chiếc. Nhưng điểm giống nhau là cả hai loại quả cam mật này đều có hương thơm và mùi vị ngọt ngào đậm đà đến say lòng người thưởng thức.
    Việc ăn cam nói chung hay cam mật nói riêng rất tốt cho sức khỏe do trong thành phần của cam có rất nhiều loại khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt chứa hàm lượng vitamin C rất lớn. Chính vì công dụng của cam mật đối với sức khỏe mà ngày càng được nhiều người ưa chuộng mà sử dụng như một món ăn quen thuộc hàng ngày.

    Vú sữa Cần Thơ
    Từ lâu người dân Nam Bộ đã có câu ví ngợi ca giống vú sữa ở đất Cần Thơ:
    "Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh
    Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ"

    Quả đúng như vậy, giống quả vú sữa hợp đất Cần Thơ đến kỳ lạ. Cây nào cây nấy quả sai nặng trĩu, có cây sai trái lên tới hàng trăm, hàng ngàn quả. Quả vú sữa Cần Thơ to như chén ăn cơm, đều đặn mười quả như một, da căng bóng, mịn màng như mỡ.
    Những nơi trồng nhiều loại cây này là ở thị trấn Phong Điền, xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Giai Xuân và Mỹ Khánh. Uớc tính sản lượng vú sữa tại Phong Điền hiện đạt trên 18,000 tấn/năm. Vú sữa là một loại quả cây đặc sản miền Nam hầu như mọi người đều yêu thích vì mùi vị thơm ngon, thanh ngọt, ăn hoài không biết chán.
    Vú sữa ở đây có nhiều loại nổi tiếng như vú sữa Lò Rèn, vú sữa tímnâu tím, vú sữa cà na, vú sữa bơ hồng, vú sữa bắc thảo (màu nâu), vú sữa tứ quý… loại nào cũng thơm ngon. Ở Phong Điền mùa cho quả chín vụ từ tháng Chạp qua tháng Giêng kéo dài đến tháng Hai hàng năm.

    Quýt đường Cần Thơ
    Vùng đất Cần Thơ với đất đai trù phú, thiên nhiên ưu đãi nên bất cứ nơi nào cũng có hoa thơm quả lạ. Quýt đường Cần Thơ là một trong số đó, quýt nổi tiếng khắp vùng do quả to, màu vàng ươm, vị ngọt thanh, vỏ láng bóng.
    Quýt đường Cần Thơ.
    Đến mùa quýt chín, khắp vùng nhuộm một vàng óng, cây nào cây nấy nặng trĩu quả. Có nhiều cây quả sai đến nỗi người trồng phải dùng thêm gậy tre hoặc nứa để chống cành mà quả vẫn là đà sát đất.

    Quýt đường lớn gần bằng quả cam, mọng nước, ngọt thanh và rất ít hạt. Nếu trồng theo phương pháp ghép cành thì chỉ trong 3 năm là quýt đường cho ra quả, nhưng tuổi thọ ngắn. Còn theo phương pháp ươm hạt, tuy từ 5-7 năm mới cho ra quả nhưng khi đã cho quả thì cây quýt có tuổi thọ từ 30-50 năm.
    Quýt đường Cần Thơ có giá trị dinh dưỡng cao
    Ngày nay, các chủ vườn ở Cần Thơ đã và đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới để cho cây quýt đường chín rộ đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Quýt có rất nhiều các thành phần dinh dưỡng đối với sức khỏe, bao gồm đường, protein, lipid, vitamin, axit hữu cơ, chất khoáng...giúp phòng chữa bệnh huyết áp cao, rất có ích đối với người cao tuổi.

    Nem nướng Cái Răng
    Ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều địa phương sản xuất nem, nhưng nổi tiếng hơn cả là nem Cái Răng, Cần Thơ và nem Lai Vung, Đồng Tháp.
    Nem nướng Cái Răng thơm ngon ăn kèm với các loại rau sống.
    Khi đi thuyền ở khu chợ nổi Cái Răng, bên cạnh việc được hòa mình vào không khí chợ nổi đông vui, tấp nập ra thì du khách còn có cơ hội thưởng thức món nem nướng thơm ngon. Nem nướng Cái Răng cũng được làm từ thịt heo như những loại nem nướng khác. Thịt được xay thật nhuyễn cùng các loại gia vị. Sau đó hỗn hợp thịt sẽ được nặn thành viên xâu vào que và nướng chín thơm lừng.

    Ngồi trên thuyền đi khắp chợ nổi, du khách được tận mắt chứng kiến người bán hàng nặn và nướng từng xiên nem, cho đến khi được ăn những xiên nem chắc thịt, thơm lừng với gia vị hoàn hảo chính là một trải nghiệm ẫm thực mà hiếm nơi nào có được.
    Cũng như một vài món ăn khác, người dân Nam Bộ thích dùng bánh tráng gói với rau sống, rau thơm. Món nem nướng Cái Răng lại đặc biệt cần đến rau thơm, chuối, dưa leo, dứa, khế... mà phải là loại khế chua thì mới thấm đủ hương vị đậm đà.

    Cầm chiếc bánh tráng mỏng tang, thêm ít rau đặt thêm khoanh chuối chát, dứa, khế với xiên nem, cuốn lại, chấm vào nước tương xay đặc sệt. Được pha chế bằng bí quyết riêng khiến cho tương xay vừa mịn vừa ngọt thơm, thêm ít đậu phộng và chút ớt thái nhỏ. Ngoài nước chấm bằng tương xay, du khách có thể chấm cùng nước mắm chanh tỏi ớt.
    Bánh tét ba màu
    Bánh tét không có gì lạ lẫm với người dân miền Nam nhưng độc đáo nhất là bánh tét ba màu. Một loại bánh vừa thơm ngon vừa thẩm mỹ, đặc biệt dành riêng cho các ngày lễ hội quan trọng.

    Muốn có một đòn bánh tét ba màu với chất lượng cao, người gói phải tốn rất nhiều công phu. Trước hết, phải chọn cho được nếp dẻo, xào nhân, nấu lá cẩm, xay lá dứa để lọc nước. Màu tím là của lá cẩm, màu xanh của lá dứa và màu vàng của đậu xanh. Mỗi màu toát lên một hương vị đặc trưng không giống với bất cứ loại bánh tét thường ngày nào.
    Bánh tét ba màu trước khi gói, nếp phải vo sạch, để ráo, sau đó đem xào với nước cốt dừa, thêm chút muối. Nước lá cẩm và nước lá dứa phải được làm riêng 2 chảo để không bị lẫn màu với nhau. Đậu xanh được xào chung với nước cốt dừa, nêm nếm gia vị vừa đủ. Nhân bánh có thể là nhân chuối, nhân ngọt, nhân thịt, nhân mỡ hoặc nhân thập cẩm gồm đậu xanh, tôm khô, lạp xưởng, giò heo bắc thảo, trứng, đậu phộng,...

    Đặc biệt, bánh tét ba màu chỉ được hấp chứ không nấu như bánh tét thường. Nhờ hấp, hạt nếp mới đạt độ dẻo và thơm ngon. Người có kinh nghiệm lâu năm thường hấp bánh bằng củi và luôn giữ độ nóng thật đều thì bánh khi ra lò mới chuẩn vị.

    Bánh cống Cần Thơ
    Giống như bánh ống Trà Vinh, bánh cống (hay bánh cóng) cũng được người dân Cần Thơ xem là thứ quà vặt nên họ chỉ ăn lót bụng vào thời điểm chiều hoặc tối. Là món ăn dân dã, vừa rẻ lại vừa ngon khiến cho ai ăn qua một lần thì không thể nào quên được.
    Bánh cống Cần Thơ.
    Nguyên liệu chính để làm bánh cống là bột, đậu xanh và tôm. Bột pha chế là quan trọng nhất. Đầu tiên, người thợ lành nghề sẽ dùng ba phần gạo, một phần nếp, ngâm đủ một đêm rồi xay mịn.

    Đậu xanh được đãi vỏ, nấu chín. Thịt heo bằm nhuyễn, xào chín, trộn chung với đậu xanh. Tôm tươi rửa sạch, để ráo. Đặc biệt, tôm không bỏ vỏ vì khi lột vỏ đi, chiên lên sẽ mất độ giòn.
    Dầu ăn cho vào chảo phải đủ ngập một cái cống. Chờ cho dầu sôi, người ta cho ít bột vào cống, sau đó cho vào một muỗng đậu xanh và thịt làm nhân bánh. Đổ tiếp thêm một lớp bột và tôm để đặt lên trên. Lửa nhỏ bánh mới giòn đều từ ngoài vào trong. Bánh cống ăn cùng với nước mắm chua ngọt và các loại rau diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế,...

    Cơm cháy kho quẹt
    Cơm cháy kho quẹt là một món ăn thật ngon đã có mặt từ lâu ở Cần Thơ. Trước đây, người dân nơi đây nghĩ ra món ăn cơm cháy kho quẹt với mục đích chống đói. Dần dần, món ăn dân dã này đã trở thành một trong những món ăn đặc sản đặc biệt tại Cần Thơ.
    Cơm cháy kho quẹt.
    Món cơm cháy kho quẹt ngon và rất đơn giản. Tuy nhiên, để có được những miếng cơm cháy vàng ươm, giòn tan, cùng với phần kho quẹt đậm đà hương vị đòi hỏi người chế biến có những bí quyết riêng.

    Theo đó, giai đoạn quan trọng nhất để làm nên món cơm cháy kho quẹt Cần Thơ là giai đoạn chiên cơm. Nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng, gạo dẻo sau khi được nấu chín sẽ được để nguội.

    Để cơm cháy được vàng ươm, giòn tan thì người đầu bếp sẽ dùng một lực vừa phải nhằm ấn cơm xuống đáy chảo trong lúc chiên, để cho cơm thành miếng mỏng, dẹp. Chiên trong khoảng 10 phút với lửa nhỏ, cơm sẽ đủ độ cháy giòn và có thể lấy ra được.
    Tiếp đó là công đoạn nấu kho quẹt. Kho quẹt được nấu từ tôm, thịt ba chỉ, hành khô, mắm, đường,... Phần tôm và thịt sẽ được nấu trước, sau đó thêm hành khô, mắm đường vào sau, nêm nếm gia vị và nấu đến khi sền sệt, đặc quánh là kho quẹt đã hoàn thành. Cuối cùng, đầu bếp sẽ cho thêm hành lá cắt nhỏ, ớt băm,... cho đủ vị ngậy - ngọt - mặn - cay yêu thích của người miền Tây.

    Lẩu mắm Tây Đô
    Thoạt đầu mắm kho vốn là món ăn gia đình quen thuộc của dân Nam Bộ ở thôn quê. Sau năm 1975, từ ruộng đồng món mắm kho ra ngoài thành thị, đi vào các quán ăn. Tại đây, mắm kho được chế biến thành lẩu và chiễm chệ ngự trong nhà hàng. Cách chế biến này là của người Cần Thơ nên cho đến nay lẩu mắm Tây Đô được lừng danh cả trong và ngoài nước.
    Lẩu mắm Cần Thơ.
    Đầu tiên, lựa con mắm lóc thật ngon đem nấu cho rã thịt, lược bỏ hết xương, đỗ nước cốt mắm vô lẩu rồi nêm nếm thêm đường, bột ngọt, mỡ. Đồng thời cho thêm lươn, cá rô từ 7-8 con, thịt ba rọi 300 g xếp vào nồi lẩu. Rau là thành phần không thể thiếu như điên điển, bông lục bình, bông súng, rau tràng, rau dừa, rau mác,...

    Lẩu mắm phải ăn lúc thật nóng mới ngon, ít ai có thể cưỡng nổi sự hấp dẫn và hương vị nồng nàn của nó. Thưởng thức lẩu mắm, du khách sẽ cảm nhận được tất cả hương vị tinh hoa của ẩm thực miền Tây, từ vị mặn mà của mắm, vị ngọt từ thịt cá, tôm, lươn cho đến vị thơm ngon của rau củ miền sông nước.

    ST
    Attached Files

  • Font Size
    #2
    Nhìn mấy trái vú sữa đã quá. Lâu rồi đâu được ăn

    Comment

    Working...
    X