Announcement

Collapse
No announcement yet.

"CUỐI CÙNG CHO MỘT TÌNH YÊU" VÀ TÌNH BẠN GIỮA TRỊNH CÔNG SƠN-TRỊNH CUNG

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    "CUỐI CÙNG CHO MỘT TÌNH YÊU" VÀ TÌNH BẠN GIỮA TRỊNH CÔNG SƠN-TRỊNH CUNG

    Trong nền âm nhạc Việt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nổi danh với tài năng viết lời ca có phần hay hơn cả viết nhạc. Âm nhạc của Trịnh hầu hết đều do ông tự viết lời, chỉ một vài bài hiếm hoi là Trịnh Công Sơn phổ nhạc từ thơ. Trong số này có bài "Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu", phổ nhạc từ thơ của thi sĩ – họa sĩ Trịnh Cung, người bạn thân thiết một thời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chính vì vậy, ca khúc này cũng sẽ rất khác với các nhạc phẩm khác của Trịnh, ca từ đơn giản, bình dị và ý tứ lạ.
    (Minh họa)

    Có thể nói, bản thân của Trịnh Công Sơn vốn là một người làm thơ tài ba, nên phải có chổ thâm tình lắm thì ông mới phổ nhạc từ bài thơ của một người khác. Trong hơn 600 ca khúc suốt sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những bài mà ông phổ từ thơ của người khác chỉ đếm được trên một bàn tay, trong đó có đến 2 bài của Trịnh Cung. Ngoài bài Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu rất nổi tiếng thì còn có bài Thiên Sứ Bâng Khuâng năm 1999, cũng là một trong những ca khúc cuối cùng của nhạc sĩ họ Trịnh này.

    Theo chia sẻ của Trịnh Cung, bài thơ Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu được ông viết vào năm 1958, và ngay trong năm đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có phổ nhạc cho bài thơ này, tức là trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của ông. Khi tác phẩm này được ra đời thì họa sĩ Trịnh Cung còn chưa cầm cọ, và chỉ là một chàng trai 20 tuổi tập tễnh làm thơ với tên khai sinh là Nguyễn Văn Liễu. Chính từ lương duyên từ bài hát Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu mà cái tên Trịnh Cung mới ra đời, để rồi từ đó hình thành ra tình bạn thân thiết giữa Trịnh Công Sơn – Trịnh Cung được nhiều người biết đến.

    Việc phổ nhạc cho bài thơ này có lẽ là cũng không quá khó khăn cho chàng nhạc sĩ trẻ Trịnh Công Sơn lúc đó, bởi vì Trịnh Cung đã sáng tác bằng thể thơ 4 chữ đơn giản. Đây là loại thơ phổ biến được sử dụng trong rất nhiều bài vè, ca dao, đồng dao, tục ngữ,… truyền tải những nội dung gần gũi, nhẹ nhàng, nhịp điệu đơn giản và có phần hồn nhiên, dí dỏm. Sau này, trong một số nhạc phẩm của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã viết lời ca dựa trên thể thơ giản dị này, có thể kể đến như: ca khúc Hạ Trắng, Người Già Em Bé, Đại Bác Ru Đêm

    Về phần lời ca, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sử dụng gần như y nguyên bài thơ của hoạ sĩ Trịnh Cung, chỉ có nhấn thêm ở hai câu cuối.
    Họa sĩ Trịnh Cung & nhạc sĩ Trịnh công Sơn

    Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài thơ, hoạ sĩ Trịnh Cung từng có đoạn trải lòng khá dài trên một tờ báo hải ngoại, trong đó ông cũng đính chính một số thông tin mà theo ông đã bị "tam sao thất bản". Nguyên văn lời chia sẻ của ông như sau:

    "Về hai bài thơ của tôi đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Trước hết tôi nói về bài Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu.Từ năm bài thơ đã được phổ nhạc cho đến nay, chỉ thiếu 3 năm là được nửa thế kỷ. Năm 1958, tôi viết bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu, và cũng ngay năm đó, Trịnh Công Sơn đã cho phổ nhạc. Cho đến nay, nó đã sống gần nửa thế kỷ. Câu chuyện về bài thơ này cũng đã có một số người hỏi tôi về nguồn gốc tại sao nó ra đời, câu chuyện tình trong đó nói về ai.

    Riêng ca sĩ Khánh Ly trong một lần nói chuyện với hãng băng đĩa Asia có kể về câu chuyện tình này. Khánh Ly kể rằng là "trong một đêm thức dậy, tôi đốt tập thơ tôi, tôi khóc hu hu". Lúc đó Trịnh Công Sơn thường từ B’lao về ở với tôi trong một căn phòng rất nhỏ, chỉ vừa cho 3 người ngủ trên 1 chiếc chiếu. Trịnh Công Sơn nghe tôi khóc mới bật dậy, thấy tôi đốt tập thơ mới chụp lại và giữ được 1 bài thơ, đó là bài Cuối cùng cho một tình yêu, Trịnh Công Sơn đã phổ nhạc bài thơ đó. Ðó là câu chuyện mà Khánh Ly đã kể ra. Có lẽ Khánh Ly đã nghe Trịnh Công Sơn kể và sau đó do thời gian thế nào, đã có một câu chuyện hấp dẫn về bài thơ này. Nhưng đây là những tháng ngày, cũng gần như là cuối đời của tôi, tôi rất cám ơn Khánh Ly đã kể câu chuyện ấy với quý vị, nhưng hôm nay tôi muốn nói thật về bài thơ này.

    Sự việc mà tôi đốt tập thơ là có thật bởi vì đó là một thái độ mà tôi cần có để tôi tập trung cho hội họa, tôi không muốn dịnh líu đến thơ ca vì tôi có một quan niệm là làm cái gì làm cho đến nơi, hai ba thứ sẽ lôi thôi lắm, cho nên tôi quyết định hủy bỏ không làm thơ để tập trung cho hội họa. Nói về vấn đề bài thơ do Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Năm tôi đốt thơ là năm 1963, nhưng Trịnh Công Sơn đã phổ nhạc bài thơ này vào năm 1958, không có nghĩa giống như câu chuyện mà Khánh Ly đã kể.

    (Minh họa)

    Bài thơ này tôi làm khi tôi ra Huế, "học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành". Tất cả hình ảnh của cô gái Huế thời đó vẫn còn hết sức thơ mộng và không thay đổi được. Vào thời đó, các nữ sinh trường Ðồng Khánh, tầm tan trường, họ như là những cánh bướm trắng bay trong những công viên ở trước bờ sông Hương và tôi đang lạc lõng giữa những đàn bướm ấy. Lẽ dĩ nhiên là không bao giờ tiếp cận được họ đâu vì họ có một cung cách rất Huế, rất thiêng, rất kín đáo và mình chỉ có biết đi theo, nhìn ngắm họ rồi mơ mộng về họ và bài thơ này tôi viết về họ. Hình ảnh một cô gái Huế chung chung thôi và tôi hư cấu thành một chuyện tình. Tôi ngông cuồng để cho thấy rằng mình không phải là "học trò trong Quảng ra thi" mà mình cũng là một cái gì, cũng có thể từ khước họ, cho oai. Một lối hờn dỗi của một người không chạm được đến tình yêu, nên bày ra cái trò là… Ừ thôi em về, cứ về đi, tại vì có được đâu mà bảo ở lại, cho nên thôi để cho oai hơn là cứ… Ừ thôi em về.

    Nhưng em về rồi, thì sao? Em về rồi thì… bàn tay đói… Em ra khỏi tay rồi, em đâu có trong vòng tay, mà em đâu có bao giờ trong vòng tay tôi đâu… thành ra hai vòng tay tôi, hai bàn tay tôi luôn luôn đói, đói khát vì một hình ảnh và tôi cứ mãi đi theo những cuộc tan trường vào những buổi chiều, buổi trưa như vậy, nên… chân phải mỏi thôi.

    Nhưng có anh bạn làm thơ ở Sài Gòn lại có một suy nghĩ khác về "hai bàn chân mỏi" rất là vui, đó là chưa bao giờ có một hình ảnh "gợi cảm" đến như vậy. Tại sao lại có hai bàn chân mỏi, chỉ có "yêu" quá đáng mới bị mỏi thôi!

    Tuy nhiên thật ra vào thời của chúng tôi, vào thập niên 50-60, tình yêu rất là thánh thiện, toàn là mơ mộng, toàn là tưởng tượng, không dám chạm đến bàn tay của người con gái mình yêu thích thì làm gì có chuyện đó. Thế thì câu chuyện của bài thơ đó là bài thơ hoàn toàn hư cấu nhưng dựa trên cung cách của những cô gái Huế thời đó. Lẽ dĩ nhiên nó thuộc về những cô gái đẹp của thời đó, cũng là chuyện bình thường thôi. Cái gì mà con người ta dâng hiến thì thường dâng hiến cho những gì tốt nhất, đẹp nhất. Lẽ dĩ nhiên là đẹp nhất đối với mình.

    Ở đây không có nghĩa là những cô gái xấu kia không đẹp, tại vì là chưa chắc tôi đã nhìn ra những cái đẹp của họ, họ có thể đẹp dưới cái nhìn của những người đàn ông khác. Thành ra, nếu có phạm vào điều gì cũng cho tôi xin lỗi. Dẫu sao những cô gái đó ngày nay đã thành bà, bà nội, bà ngoại rồi, phải không? Cho tôi gởi lời thăm hỏi những cô gái Huế, vẫn đẹp trong lòng tôi cho đến ngày hôm nay".


    Chính vì dựa trên ý tưởng rất "ngông cuồng" đó của anh chàng thi sĩ-họa sĩ Trịnh Cung tuổi 20 mà ngay từ đầu bài hát, chúng ta đã nghe câu hát rất ư là "phũ phàng":
    Ừ thôi em về
    Chiều mưa giông tới

    Chàng trai quay lưng không níu kéo, chữ "ừ" gật xuống như chẳng hề đắn đo. Một kiểu "phũ" tình tưởng như rất "tỉnh", nhưng náo ai có biết, đằng sau vẻ hững hờ, cái quay lưng lạnh lùng đó lại là tâm trạng rối bời, trống vắng, nhung nhớ khôn nguôi, là cơn "mưa giông" ập tới trong lòng.

    Bây giờ anh vui
    Hai bàn tay đói
    Bây giờ anh vui
    Hai bàn chân mỏi
    Thời gian nơi đây
    Bây giờ anh vui
    Một linh hồn rỗi
    Tình yêu xứ này

    Ừ thì "bây giờ anh vui", vui vì đã có thể "phũ" được em lạnh lùng, cao ngạo, vui vì có thể nói được tiếng "ừ" nhẹ tựa lông hồng trước người con gái mà anh quyến luyến, yêu thương, nhưng đằng sau niềm vui đó, sự háo thắng đó là nỗi lòng đau thương dai dẳng, là "hai bàn tay đói" khi thiếu vắng tình yêu, là "hai bàn chân mỏi" khi mải miết đi tìm lại những ký ức xưa cũ đã chôn vùi mãi mãi tại nơi đây, là "linh hồn rỗi" trống vắng, cô độc, mãi nhớ về "tình yêu xứ này": Tình-yêu-cho-em.
    Một lần yêu thương
    Một đời bão nổi

    Sự già dặn của chàng trai 20 tuổi bật lên trong 2 câu hát rất truyền cảm, chỉ một lần yêu nhưng sẽ vương vấn, nhớ nhung, gâyra "bão nổi" cả một đời.

    Giã từ giã từ
    Chiều mưa giông tới
    Em ơi em ơi
    Sầu thôi xuống đầy
    Làm sao em nhớ
    Mưa ngoài sông bay
    Lời ca anh nhỏ
    Nỗi lòng anh đây

    Hai câu thơ "Lời ca anh nhỏ/ Nỗi buồn hôm nay" của họa sĩ Trịnh Cung được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sửa lại thành "Lời ca anh nhỏ/ Nỗi lòng anh đây". Sự thay đổi này làm cho lời ca trở nên sâu sắc và dễ đồng cảm hơn. Đó không chỉ là nỗi buồn được ôm ấp riêng tư mà còn là sự dùng dằng, mâu thuẫn trong cõi lòng của những kẻ tình si, vừa muốn thổ lộ cho người yêu biết tình cảm của mình, lại vừa muốn che đậy tâm tư. Nỗi sầu buồn vô vọng vì vậy càng nặng trĩu:
    Sầu thôi xuống đầy
    Sầu thôi xuống đầy

    Có thể nói, cái hay của ca khúc Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu là sự bình dị trong những lời ca bỏ nhỏ, thì thầm, nhưng lại chất chứa dòng tâm trạng đầy day dứt, quyến luyến, thương nhớ khôn nguôi. Tất cả đã tạo ra một bản tình ca nhẹ nhàng, lãng mạn và lôi cuốn vô ngần.

    Xem clip nhạc do ca sĩ Khánh Ly trình bày:



    Attached Files
Working...
X