Announcement

Collapse
No announcement yet.

Nhìn lại quá khứ kỳ thị qua chương trình mới của Viện Bảo Tàng Smithsonian

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Nhìn lại quá khứ kỳ thị qua chương trình mới của Viện Bảo Tàng Smithsonian

    LOS ANGELES, California (NV) – Bảo tàng Smithsonian ở Washington DC công bố một chương trình toàn quốc bắt đầu ở Los Angeles, hợp tác với nhiều bảo tàng cùng các tổ chức văn hóa khác để tìm hiểu về chủng tộc và những sự kiên kỳ thị ảnh hưởng đến xã hội ngày nay ra sao.
    Cộng đồng người Hoa nhìn lại tình trạng thù ghét trong đại dịch COVID-19. (Hình minh họa: Ringo Chiu/AFP via Getty Images)
    Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức một hội thảo hôm Thứ Hai, 27 Tháng Mười Một, có sự tham dự của đại diện viện bảo tàng lớn Smithsonian, cùng ba viện bảo tàng ở Los Angeles là Viện Bảo Tàng Người Mỹ Gốc Nhật Quốc Gia, Viện Bảo Tàng Người Mỹ Gốc Hoa, và Viện Bảo Tàng LA Plaza de Cultura y Artes (LA Plaza).

    Đại diện của các viện bảo tàng này nói về sự hợp tác để đem lại cho công chúng những chương trình công cộng từ ngày 1 đến 17 Tháng Mười Hai, để tìm hiểu chủng tộc thay đổi cuộc sống của nhiều người ra sao, và những sự kiện hay các chính sách kỳ thị trong quá khứ đóng vai trò ra sao trong những chuyện bất bình đẳng trong xã hội ngày nay.

    Chương trình của các viện bảo tàng có tên “Tương Lai Chung: Nhìn Lại Quá Khứ Kỳ Thị Chủng Tộc” (Our Shared Future: Reckoning with Our Racial Past).

    Diễn giả đầu tiên là Tiến Sĩ Deborah Mack, giám đốc Viện Bảo Tàng Smithsonian, nói về lý do chọn Los Angeles làm nơi mở đầu chương trình này.

    Bà cho biết chương trình bắt đầu từ năm 2020, sau cái chết của ông George Floyd, cư dân tiểu bang Minnesota. Vì được Bank of America bảo trợ, Viện Bảo Tàng Smithsonian muốn đào sâu vào những khía cạnh có liên quan đến chủng tộc như sức khỏe, địa điểm, chính sách, đạo đức, và hội họa.
    Viện Bảo Tàng Smithsonian ở Washington DC. (Hình: Win McNamee/Getty Images)
    Viện Bảo Tàng Smithsonian chọn Los Angeles vì cảm thấy đây là nơi có nhiều tiếng nói, nhiều cách nhìn, và nhiều hiểu biết về chủng tộc và kỳ thị nhất. Ba viện bảo tàng ở Los Angeles được chọn vì dẫn đầu trong việc đối mặt với các vấn đề về chủng tộc và kỳ thị.

    Sau đó, bà còn nói về những nỗ lực của bảo tàng Smithsonian về chủng tộc và kỳ thị như nhận nhiều tài liệu và hình ảnh, trong đó có những thứ được sử dụng hằng ngày của nhiều sắc dân hay tranh về ông George Floyd hay những mảnh tàu chở nô lệ từ Phi Châu đến Hoa Kỳ.

    Diễn giả thứ hai là bà Leticia Rhi Buckley, tổng giám đốc Viện Bảo Tàng LA Plaza về văn hóa Mỹ-Mexico ở Los Angeles. Bà nói về việc các cộng đồng phải nhìn nhận quá khứ để có thể đi tới tương lai.

    Bà cho biết những tổ chức văn hóa như Viện Bảo Tàng LA Plaza cùng nhiều tổ chức có chiều sâu văn hóa khác tồn tại để giúp cộng đồng nhìn lại quá khứ, cho nhiều người có tiếng nói trong hiện tại để thay đổi tương lai bằng cách ghi chép lại lịch sử và chia sẻ những câu chuyện của các cộng đồng.

    Viện Bảo Tàng LA Plaza mỗi tháng có đến mấy ngàn người ra vào để thưởng thức âm nhạc, hội họa, ẩm thực, và nghệ thuật nhiều thế hệ. Viện bảo tàng này giúp mọi người hiểu những đóng góp của cộng đồng Latino cho thành phố Los Angeles, và còn cho họ thấy được những khoảnh khắc quan trọng của cộng đồng đó mà không được dạy tại trường học.

    Về chuyện nhìn lại quá khứ, bà Buckley cho biết điều đó rất quan trọng vì giúp hiểu được những gì đã xảy ra như những đau khổ mà cộng đồng từng trải qua. Không chỉ vậy, cộng đồng còn phải nhìn vào những nguy hiểm mà mình đã hoặc có thể gây ra.
    Cộng đồng người Nhật nhìn lại những ngày bị giam trong trại tập trung. (Hình minh họa: J Pat Carter/Getty Images)
    Vì vậy, bà nhấn mạnh các cộng đồng phải nhìn lại bản thân nếu muốn tìm được sự hòa giải.

    Diễn giả thứ ba là ông Michael Trương, tổng giám đốc Viện Bảo Tàng Người Mỹ Gốc Hoa ở Los Angeles, nói về cách hòa giải với quá khứ nếu không thấy được quá khứ đó.

    Ông cho hay viện bảo tàng sắp mừng sinh nhật thứ 20 vào Tháng Mười Hai, và ông đã làm việc ở đây đến nay được 18 năm. Trong nhiều năm qua, ông rất mừng vì được cộng đồng ủng hộ để chia sẻ lịch sử Hoa Kỳ qua cái nhìn của người Hoa, nhưng không ai ngờ được tình trạng thù ghét gia tăng như hiện nay.

    Viện Bảo Tàng Người Mỹ Gốc Hoa chỉ cách khu phố người Hoa (Chinatown) khoảng năm phút đi bộ, nên là một địa điểm tốt để học về lịch sử của người Hoa tại Hoa Kỳ, bắt đầu từ thập niên 1850.

    Ông nhấn mạnh viện bảo tàng này là nơi giúp nhiều người nhìn lại lịch sử, nhìn lại quá khứ để học hỏi, để chữa lành nhiều vết thương và để hòa giải. Tuy nhiên, các cộng đồng sẽ không làm được điều đó nếu không biết về lịch sử.

    Ông còn nói viện bảo tàng là nơi giúp nhiều cộng đồng đoàn kết trong những giai đoạn khó khăn như phong trào thù ghét người Á Châu do đại dịch COVID-19 gây ra vì những suy nghĩ như “Kung Flu” và “China Virus.”

    Diễn giả cuối cùng là ông James Herr, giám đốc Trung Tâm Bảo Tồn Dân Chủ của Viện Bảo Tàng Người Mỹ Gốc Nhật Quốc Gia, nói về vai trò của ông trong chương trình hợp tác với Viện Bảo Tàng Smithsonian.

    Ông cho biết viện bảo tàng từng được thành lập tại nơi sau đó thành ngôi chùa Phật Giáo đầu tiên của Los Angeles, và đó là nơi nhiều người Mỹ gốc Nhật phải đến báo cáo trước khi bị giam trong trại tập trung vào thời Thế Chiến 2.

    Ông Herr cho hay Trung Tâm Bảo Tồn Dân Chủ của viện bảo tàng sắp tái khai trương, và đó là cơ hội để nhìn lại lịch sử cùng nhiều cộng đồng khác. Các cộng đồng có thể thấy nhiều cổ vật, nhiều bộ sưu tập, nhìn thấy nhiều hình ảnh và lắng nghe nhiều câu chuyện về con người tại Viện Bảo Tàng Người Mỹ Gốc Nhật Quốc Gia.
    Một lễ hội văn hóa Latino tại Viện Bảo Tàng LA Plaza de Cultura y Artes. (Hình: JC Olivera/Getty Images)
    Đó cũng là cơ hội để trung tâm này liên kết với nhiều cộng đồng khác như Latino, người gốc Phi Châu, và người Hồi Giáo.

    Chương trình “Tương Lai Chung: Nhìn Lại Quá Khứ Kỳ Thị Chủng Tộc” sẽ kéo dài từ ngày 1 đến 17 Tháng Mười Hai, tại ba viện bảo tàng ở Los Angeles hợp tác với Viện Bảo Tàng Smithsonian, cùng một số tổ chức văn hóa khác ở California.

    Để biết thêm thông tin về chương trình, xin vào trang web oursharedfuture.si.edu. [đ.d.]



    Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com
Working...
X