Announcement

Collapse
No announcement yet.

Nhất chi mai

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Nhất chi mai

    Nhất Chi Mai. Hình: Bùi Thụy Đào Nguyên/Wikipedia.

    QUYÊN DI
    Đêm qua, bông mai tứ quý đầu mùa đã nở trên cành lộc nõn ở sân trước. Sáng ra, ngắm hoa, chợt nhớ đến bài kệ thi “Cáo Tật Thị Chúng” của thiền sư Mãn Giác đời Hậu Lý.
    Nói đến Mãn Giác thiền sư, trước hết phải nhắc qua về nhà Hậu Lý mà vị dựng nghiệp là Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ. Đây là triều đại đầu tiên giữ được nền cai trị lâu dài đến hơn hai trăm năm; trước đó các triều đại khác chỉ kéo dài được vài chục năm thôi. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên là Thăng Long, một tên được yêu mến và gây ấn tượng sâu xa nhất của Hà Nội. Cũng trong triều đại nhà Lý, Đại Việt xây dựng Văn Miếu (1070) và có trường đại học đầu tiên là Quốc Tử Giám (1076.) Việc học phát triển, nhà vua mở các khoa thi để chọn nhân tài ra giúp nước mà không cần người ấy thuộc hàng quý tộc. Nhà Lý cũng có những chiến công hiển hách mà điển hình là những chiến công của đại tướng Lý Thường Kiệt với bài “Nam Quốc Sơn Hà” tương truyền của thần nhân, được Lý Thường Kiệt dùng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Nhà Hậu Lý không những bảo toàn được lãnh thổ mà còn mở rộng được bờ cõi.

    Các vị vua nhà Lý đều rất sùng bái đạo Phật, vì nguyên uỷ Lý Công Uẩn xuất thân từ chốn thiền môn, được quốc sư Vạn Hạnh tiến dẫn làm quan triều Tiền Lê rồi sau đó lại được phò lên làm vua, khai mở triều đại nhà Lý. Các thiền sư là những người có Nho học, thông suốt Y, Số, có khi cả Lý (*) nữa, nên đã mở trường dạy học, không những đào tạo tăng sĩ mà cả dạy cư sĩ và đào tạo nhân tài cho đất nước, như Vạn Hạnh Thiền Sư đào tạo nên Lý Công Uẩn, Trí Bảo Thiền Sư đào tạo nên Thái úy Tô Hiến Thành, Ngô Nghĩa Hoà.

    Nói chung, Phật giáo thời nhà Lý rất hưng thịnh và trở thành quốc giáo, đến độ sử gia Lê Văn Hưu đã ghi lại: “…nhân dân quá nửa là sư sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa chiền…”

    Mãn Giác thiền sư xuất hiện trong bối cảnh đó. Đại sư Mãn Giác tên tục là Nguyễn Trường (sau là Lý Trường), thân phụ là Hoài Tố, làm chức Trung thư Viên ngoại lang. Lý Nhân Tông thường mời con em các danh gia vào hầu hai bên, Nguyễn Tường nhờ nghe nhiều, nhớ kỹ, học thông cả Nho, Thích nên được dự phần. Sau những lúc việc quan, Nguyễn Tường thường chú tâm vào Thiền học. Khi lên ngôi, vì rất mến chuộng Nguyễn Trường nên vua Lý Nhân Tông ban ông hiệu Hoài Tín.

    Sau đó, Hoài Tín dâng biểu xin xuất gia, học với Thiền sư Quảng Trí và vân du khắp nơi. Sư được vua Lý Nhân Tông cùng hoàng hậu hết sức kính nể và dựng chùa Giáo Nguyên, thỉnh Sư làm trụ trì.

    Năm 1096, cuối tháng 11, Sư gọi đệ tử và đọc bài kệ, sau này được biết dưới tên “Cáo Tật Thị Chúng.” Đọc xong bài kệ, Sư viên tịch.

    Trong suốt cuộc đời tu hành của mình, Mãn Giác chỉ để lại một tác phẩm duy nhất đó, nhưng cũng là một tác phẩm độc đáo của nền văn học thời Lý còn lại đến nay. Đó là bài kệ có tính cách di chúc viết dặn lại học trò trước lúc viên tịch, một bài kệ đã gây cho rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ những cảm xúc trái ngược, và cho đến nay, sự tranh luận vẫn chưa phải đã ngã ngũ. “Cáo Tật Thị Chúng,” có nghĩa là “có bệnh, báo cho mọi người biết.”

    Bài kệ như sau:

    Xuân khứ bách hoa lạc,
    Xuân đáo bách hoa khai.
    Sự trục nhãn tiền quá,
    Lão tòng đầu thượng lai.
    Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
    Đình tiền tạc dạ nhất chi mai!
    Nguyên văn chữ Hán:
    春去百花落,
    春到百花開。
    事逐眼前過,
    老從頭上來。
    莫謂春殘花落盡,
    庭前昨夜一枝梅。
    Nghĩa của bài kệ như sau:
    Mỗi năm khi mùa xuân qua đi, trăm hoa đều rơi rụng,
    Nhưng mỗi năm mùa xuân lại tới và trăm hoa lại nở.
    Sự việc đuổi nhau qua trước mắt,
    Cái già sồng sộc tới trên đầu.
    (Tuy nhiên,) chớ bảo rằng xuân tàn hoa rụng hết,
    Đêm qua đây thôi, trước sân, một cành mai (nở hoa.)Nhất Chi MaiTrước hết, chúng ta cần hiểu nghĩa của chữ “kệ.” Phật giáo có “kinh” và “kệ”. Kinh là để “tụng”, “kệ” thì để niệm. Ngay khi niệm “Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” hay niệm “Nam mô A Di Đà Phật” thì cũng là niệm một câu kệ ngắn. Kệ thường ngắn, lời dễ hiểu, theo nghĩa đen, hoặc để tóm tắt đại ý một bài thuyết pháp hay một bài kinh, hoặc để răn dạy đệ tử, hoặc để cầu nguyện. Nhiều người niệm bài kệ rồi giác ngộ, vì hiểu được và cảm được ý nghĩa thâm trầm, sâu xa nằm bên trong lời kệ đơn giản. Theo thiển ý, tranh luận về ý nghĩa của bài kệ là một cuộc tranh luận vô ích và vô bổ. Điều quan trọng là khi niệm bài kệ, người niệm lãnh hội được gì. Mỗi người có thể lãnh hội bài kệ một cách khác nhau và thường thì cách hiểu này khó mà giải thích ra một cách rành mạch được, nó giống như những lời, những ý màu nhiệm vậy. Bài kệ được xem như tương tự với những “công án” (koan) của nhà thiền. Đó là một cái hạt cứng, tựa như hạt đào, hạt mơ. Nhưng đập vỡ được cái vỏ cứng thì thấy mầm sống ở bên trong.

    Một trong những công án nổi tiếng là “Hãy lắng nghe tiếng vỗ của một bàn tay.” Hai tay vỗ vào nhau thì mới phát thành tiếng. Nay chỉ có một bàn tay thì phát ra tiếng vỗ làm sao được. Suy nghĩ về “công án” này với cái tâm trong sáng, sẽ có một lúc “ngộ”, mà mỗi người có thể “ngộ” một cách khác nhau, kinh nghiệm “ngộ” của người này thường thì không giống với kinh nghiệm “ngộ” của người khác.

    Điều này cũng không khác với người đọc Thánh Kinh. Cũng một câu ấy, một đoạn ấy, mà mỗi người được “linh ứng” để hiểu một cách khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh và tâm trạng hiện tại của mình, dĩ nhiên không đi ra ngoài thông điệp của Thiên Chúa. Lại có thể cùng một câu, một đoạn, cùng một người đọc mà mỗi lúc người đọc ấy cảm nhận một cách khác nhau.

    Trở về với bài kệ “Cáo Tật Thị Chúng.” Đây là một bài kệ thi, vì là bài kệ nhưng có vần điệu của một bài thơ. Cũng thế, mỗi người đã hiểu, đã cảm nhận, đã “ngộ” một cách khác nhau về bài kệ này. Không cách hiểu, cách cảm, cách “ngộ” nào sai, miễn nó được nằm trong khung của triết lý nhà Phật.



    Đã có nhiều bài phân tích bài kệ này. Cảm nhận dưới đây của người viết là một cảm nhận riêng.
    Hai câu đầu bài kệ:
    Xuân khứ bách hoa lạc,
    Xuân đáo bách hoa khai.
    Ngô Tất Tố dịch:
    Xuân đi trăm hoa rụng
    Xuân đến trăm hoa cười.

    Trong hai cậu kệ này, có điều nói lên một lẽ tự nhiên, mà cũng có điều xem ra ngược với lẽ tự nhiên. Mùa xuân hết, hoa tàn, rụng cả; mùa xuân đến, trăm hoa đều nở rộ. Đó là lẽ tự nhiên. Nhưng điều ngược với lẽ tự nhiên là Mãn Giác thiền sư nhắc đến “xuân đi” trước khi nhắc về “xuân đến.” Lẽ tự nhiên thì cái gì đến rồi, sau đó mới đi được. Như vậy, thiền sư đã đảo lộn trật tự thời gian.

    Phân tích ra, người ta thấy cái ngược lẽ tự nhiên như thế. Nhưng có thật là “ngược lẽ tự nhiên” không? Suy nghĩ sâu hơn, ta thấy chưa chắc. Trong vũ trụ lấy thời gian làm một trong những cái trục này, mọi vật đều tuần hoàn theo chu kỳ, nhịp điệu của nó. Tuy nhiên, phải có trước mới có sau. Thế thì, có thể là “xuân đi” là cái “đến trước” mà “xuân đến” là cái đến sau không? Có thể lắm, vì “xuân đi” có thể là “xuân năm trước” mà “xuân đến” là “xuân năm nay.” Đó là chu kỳ của tiết mùa.

    Cũng thế, nếu quan niệm cuộc đời mỗi người chỉ có một cuộc sống thì “sinh ra” tức là “đến” phải xảy ra trước; mà thác đi, tức là “đi” phải xảy ra sau. Nhưng nếu quan niệm cuộc đời người ta có nhiều “kiếp” nối tiếp nhau theo thuyết luân hồi thì cái thác đi có thể là cái xảy ra trước mà cái sinh ra có thể xảy ra sau. Có thác đi thì mới có tái sinh vào kiếp khác theo đúng thuyết luân hồi của nhà Phật.

    Hai câu cuối của bài kệ:
    Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
    Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
    Ngô Tất Tố dịch:
    Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
    Đêm qua sân trước một cành mai.
    Đây là hai câu kệ nổi tiếng vì ý nghĩa thâm trầm mà cũng vì hình ảnh rất thơ, rất đẹp của nó. Ở đây, ta lại thấy những cái “thuận lý” và những cái “nghịch lý,” mà những thuận, nghịch lần này, thiền sư tự hé lộ cho chúng ta thấy. Cái “thuận lý” là khi xuân tàn, hoa cũng tàn và rụng hết. Nhưng với hai chữ “mạc vị”, “đừng bảo”, thiền sư hé mở cho người ta thấy cái nghịch lý: đêm hôm qua, ở ngay sân trước, một cành mai đã nở hoa.Mai tứ quý. Hình: Quyên Di.
    Như thế thì, nếu xét theo thuyết luân hồi của nhà Phật, mùa đông đã “tái sinh” vào buổi “tàn xuân” và tiết mùa đang bước sang mùa hạ. Có thể nói mùa đông (tượng trưng là hoa mai) đã “tái sinh” vào hai mùa sau, giống như một người chết, không phải bước đi một bước kế tiếp, mà bước đi đến hai bước kế tiếp. Với người nhà Phật, thác đi là điều tất yếu để tái sinh theo lẽ luân hồi. Đó là bước đi thêm một bước theo vòng sinh hoá. Nhưng bước luôn hai bước là vượt ra khỏi vòng sinh hoá mà nhập Niết Bàn!

    Đó là nói về “trục thời gian.” Bây giờ chúng ta để ý một chút đến “trục không gian.” “Nhất chi mai” (một cành mai) nở hoa đêm qua, không phải ở “vườn SAU” mà ở “sân TRƯỚC.” Cái gì đã qua, nó ở phía sau ta. Hoa mai là thứ hoa mùa đông, mùa đã qua, lại nở “đêm qua” cũng là chuyện đã qua, lẽ ra nó phải ở đằng SAU mới đúng lý. Vậy, nếu đúng lý thì thiền sư phải bưng cái “nhất chi mai” ấy ra “vườn sau” và viết “Hậu viên tạc dạ nhất chi mai” cho thời gian và không gian nó thuận chiều với nhau. Nhưng như thế thì không phải là bài kệ lấy Phật pháp và thuyết luân hồi làm chính nữa. Do đó mà cành mai trắng này, ngài để cho nó nở “đêm hôm qua” nhưng ở “sân trước.” Phạm Duy có câu hát “Đừng cho KHÔNG GIAN đụng THỜI GIAN”; nhưng với bài kệ này, không gian đã đụng thời gian và làm sáng lên tia sáng giác ngộ trong đêm u minh của tâm thức con người.

    Đến đây, người ta bắt gặp triết lý nhất nguyên của Đông phương trong bài kệ này: xuân tàn cũng là xuân khai, đi cũng là đến, xuân cũng là đông, việc đời cũng là tuổi người, kiếp này cũng như kiếp trước mà cũng là kiếp sau, trước cũng là sau, và không gian hay thời gian cũng chỉ là một. Thứ triết lý nhất nguyên này, người phương Tây quen với triết học nhị nguyên, mọi thứ đều phân biệt rõ ràng, khó lòng nhìn ra và khó lòng chấp nhận được.

    Điều cuối cùng chúng ta lưu ý là “nhất chi mai.” “Chi” có nghĩa là “cành.” Cành mai này có thể nở một bông mai mà cũng có thể nở nhiều bông mai. Thiền sư không nói rõ. Nhưng một lần nữa, chúng ta có một cặp “ít-nhiều.” Ít hay nhiều, một bông mai hay nhiều bông mai, với thiền sư Mãn Giác hay với người “ngộ đạo” đâu có là vấn đề. Vấn đề là “nhất chi mai” này mọc ra và nở hoa từ cội cây, là nguồn của sức sống. Nhờ cội nguồn sức sống đó, cành hoa trắng màu hoa mai mà cũng trắng như tâm người đã được gội rửa. Đó mới là điều quan trọng. Điều thần diệu của câu thơ “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” là thiền sư không hề nhắc đến chữ khai (nở) mà người đọc ai cũng cảm nhận được cành mai đang nở hoa. Rõ ràng “không” mà là “sắc”. Người viết kệ không nhắc đến hoa “khai” mà người nghe kệ lại cảm nhận được hoa “khai”. Phải chăng người viết kệ đã giúp người nghe kệ “khai ngộ”?

    Bài kệ “Cáo Tật Thị Chúng” bật sáng tâm thức người nghe, người niệm. Hèn chi trước khi viên tịch, Mãn Giác thiền sư đã tập họp đệ tử, cho nghe bài kệ này trước khi ngài bước luôn một lúc hai bước để nhập cõi Niết Bàn, không còn qua vòng sinh hoá của thuyết luân hồi nữa.

    Những chi tiết về thiền sư Mãn Giác và nhà Hậu Lý, tôi tìm trong sách vở và trên “internet.” Phần bình luận do tôi suy nghĩ và viết ra.)

    ____________________________
    (*) Nho, Y, Lý, Số: giỏi chữ Nho (chữ Hán) có thể làm thầy đồ dạy học. Y thuật, ý nói làm thầy thuốc chữa bệnh. Khoa Địa Lý xem đất cát, đặt phần mộ. Số: xem tướng, xem số (coi bói.)
    Attached Files
Working...
X