Announcement

Collapse
No announcement yet.

Bệnh nhân COVID-19 và những di chứng khó chữa lành

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Bệnh nhân COVID-19 và những di chứng khó chữa lành


    Bệnh nhân COVID-19. Hình minh họa. Credit: Amin Moshrefi/Unsplash.

    Không như bệnh cảm cúm thông thường, người nhiễm COVID-19 dù được chữa khỏi nhưng vẫn để lại nhiều di chứng.
    Hội chứng ‘COVID kéo dài’


    “Ông anh tôi trên 60 tuổi, chẳng có bệnh tật gì cả. Hồi cuối năm 2020 bị nhiễm COVID-19. Nay anh đã lành bệnh, nhưng sức khỏe không được như trước, cứ lơ mơ lờ mờ thế nào ấy,” ông Tom Nguyễn, cư dân San Jose kể.

    Anh của ông Tom không phải là trường hợp cá biệt. Đã có rất nhiều trường hợp thoát được “Cô-Vy” nhưng sức khỏe không hoàn toàn khỏe mạnh như trước. Bác sĩ Tamsin Lewis, sáng lập nền tảng về sức khỏe và tuổi thọ, cựu vận động viên ba môn phối hợp chuyên nghiệp và nhà vô địch Ironman của Anh Quốc năm 2014 là trường hợp điển hình khác. Tháng 3 năm 2020, bác sĩ Lewis bị nhiễm COVID-19 khá nặng. Cô được chữa khỏi và trở lại tập luyện, nhưng sức khỏe của cô vẫn không thể như trước lúc nhiễm bệnh. “Tôi cảm giác coronavirus đang đốt cháy tôi dần dần từ bên trong,” bác sĩ Lewis nói. Sau 11 tháng từ ngày được chữa khỏi bệnh, cô vẫn bị hành hạ bởi các chứng đau nhức cơ, khớp, tim đập nhanh, sốt tái diễn và tức ngực. Lewis cho biết: “Tôi thường bị ‘đói khí’ nên không thể hít thở sâu, mệt dai dẳng do chức năng tim suy giảm và giảm khả năng tập trung.”

    Dù là một vận động viên chuyên nghiệp và quen với việc điều chỉnh sinh lý cơ thể, bác sĩ Lewis cho biết cô cảm thấy COVID-19 thực sự tàn phá sâu sắc hệ thần kinh của cô.

    Một bác sĩ khác ở Mỹ – Lada Beara Lasic, 54 tuổi, bác sĩ chuyên về thận, bị nhiễm COVID-19 hồi đầu tháng Tư năm 2020. Bà trải qua ba tuần điều trị chứng khó thở và được xuất viện. Nghĩ rằng mình đã bình phục, bác sĩ Lasic trở lại làm việc, nhưng chỉ được một ngày. Qua hôm sau, các triệu chứng của bệnh tái phát, bà cảm giác tồi tệ hơn. Điều kỳ lạ là dù triệu chứng nặng như thế, rất khó xác định bệnh lý ở những bệnh nhân như bà Lasic. Xét nghiệm máu chỉ cho thấy vài dấu hiệu viêm, men gan tăng và không có gì khác đáng kể. “Nhiều bệnh nhân COVID-19 bị tái phát sau khi lành bệnh, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy tim, phổi, não tất cả dường như đều hoạt động bình thường,” Dayna MacCarthy, chuyên gia phục hồi chức năng của Bệnh viện Mount Sinai, cho biết.
    Một bác sĩ trong phòng thí nghiệm nghiên cứ vaccine ngừa COVID-19. Hình minh họa. Credit: Benjamin Lehma/Unsplash.10% người nhiễm COVID-19 bị di chứng


    Theo tạp chí y khoa The Lancet, COVID-19 có thể gây ra nhiều biến chứng kể cả sau khi khỏi bệnh, bao gồm ho kéo dài, khó thở, đau ngực, rối loạn chức năng nhận thức và suy nhược trong ít nhất 12 tuần. Cứ 10 người nhiễm COVID-19 thì một người phải sống chung với hậu quả kéo dài. Điều này có nghĩa: thế giới có hơn 109 triệu người nhiễm COVID-19, thì sẽ có hơn 10 triệu người chịu hoàn cảnh tương tự như Lewis.

    Tiến sĩ Christopher Hui, chuyên gia về hô hấp và hồi sức, cho biết: “Chính phủ Anh dự đoán 45% số bệnh nhân nhiễm COVID-19 cần hệ thống y tế cấp thấp và nguồn lực xã hội để hồi phục sức khỏe. Khoảng 4% số bệnh nhân cần được phục hồi chức năng với cường độ cao hơn, nhất là người điều trị nội trú.”

    Khi Bệnh viện Mount Sinai khai trương Trung tâm Chăm sóc hậu COVID-19 đầu tiên tại New York và cả trên toàn nước Mỹ, các bác sĩ cho rằng họ sẽ tiếp nhận những ca COVID-19 nặng đã được chữa khỏi. Virus ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể và bản thân những phương pháp điều trị căn bệnh này, chẳng hạn như đặt nội khí quản, cũng để lại những hậu quả, đòi hỏi quá trình hồi phục lâu dài. Tại bệnh viện Mount Sinai, với đội ngũ bác sĩ đa ngành, người bệnh được nhận các dịch vụ chăm sóc thể trạng và tinh thần sau cuộc chiến vất vả với COVID-19.

    Tuy nhiên, trong sự ngạc nhiên của bác sĩ, nhiều người chỉ gặp triệu chứng COVID-19 nhẹ cũng đến điều trị. Họ là những bệnh nhân trẻ, sức khỏe tốt, không bị bệnh nền như tiểu đường hay béo phì, nhưng nhiều tháng sau cơn bệnh, cơ thể của họ vẫn không chịu phục hồi. “Chúng tôi từng nghe về những căn bệnh do virus để lại di chứng, nhưng chúng thường không diễn ra trong nhiều tháng như những gì được chứng kiến ở đây. Thật là vô cùng ngạc nhiên,”, bác sĩ Zijian Chen, Bệnh viện Mount Sinai, nói.

    Đến nay, trung tâm Chăm sóc hậu COVID-19 này đã đón hơn 1.600 bệnh nhân. Những người gặp tình trạng “COVID kéo dài” gặp phải những triệu chứng kỳ lạ không liên quan đến nhau, bao gồm mệt mỏi, đau nhức, khó thở, nhạy cảm nhẹ, không thể vận động mạnh, mất ngủ, tim đập nhanh không lý do, tiêu chảy, chuột rút, suy giảm trí nhớ…
    Một bệnh nhân COVID-19. Hình minh họa. Credit: Mufid Majnun/Unsplash.Kinh nghiệm tự điều trị làm giảm nhanh di chứng


    Matthew Ross, người bị nhiễm COVID-19 hồi năm 2020, cho rằng bệnh nhân COVID cần kiên nhẫn trong quá trình hồi phục. “Cơ thể bạn vừa trải qua một chấn thương rất lớn. Đừng cố gắng trở lại bình thường quá nhanh. Một số nhu cầu cần được xây dựng lại một cách từ từ, chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng,” anh nói. Ross nói trong quá trình hồi phục, anh thường xuyên ra ngoài hít thở khí trời, ngưng uống rượu, tập thiền định và uống men vi sinh hằng ngày nhằm cải thiện hệ vi khuẩn chí có lợi cho hệ tiêu hóa.

    Bác sĩ chia sẻ một số biện pháp điều trị giảm nhẹ mà cô đang thực hiện như bơi trong nước lạnh, xông hơi và chiếu đèn hồng ngoại. Ngoài ra, Lewis dùng thêm một số thuốc bổ như ketone ester – được cho là giúp cải thiện khả năng vận động và tập trung. Cô cũng nâng cao sự cân bằng trong hệ vi khuẩn đường ruột bằng cách tuân theo chế độ ăn nghiêm ngặt: tránh thực phẩm lên men, đồ ăn đóng hộp, rượu, rau chân vịt và cà tím. Lewis cho rằng quá trình hồi phục của mình kéo dài hơn bình thường do bị di truyền cơ địa dị ứng từ mẹ. May mắn, các triệu chứng hiện nay đã được cải thiện. “Tôi cảm thấy sức khỏe của mình tốt lên theo từng tháng và cũng ít đợt tái phát hơn. Có thể năm 2021 tôi sẽ quay trở lại chạy bộ,” Lewis hy vọng như vậy.

    Dịch bệnh rồi cũng qua đi, bệnh nhân COVID-19 bị di chứng sau khi được điều trị rồi cũng khỏe lại, nhưng có một di chứng khác, tồi tệ hơn nhiều. Đó là nỗi sợ hãi rất kinh hoàng và khủng khiếp, sẽ đeo đuổi tâm trí của những nhân chứng lịch sử trong suốt hơn một năm qua. Di chứng này rất khó để được chữa lành!

    Đ. TRANG
    Attached Files
Working...
X