Announcement

Collapse
No announcement yet.

Nga bắt đầu chuẩn bị thời « hậu Putin » ?

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Nga bắt đầu chuẩn bị thời « hậu Putin » ?



    Một tháng trước bầu cử tổng thống Nga, ứng viên duy nhất dám kêu gọi « ngừng cuộc chiến ở Ukraina », Boris Nadejdine, đã bị loại khỏi cuộc đua. Nhưng chương trình vận động tranh cử của ông là những dấu hiệu báo trước Matxcơva đang chuẩn bị cho giai đoạn « hậu Putin » ?


    Nhà sử học Françoise Thom chuyên về Liên Xô và bang giao quốc tế, giảng dạy tại Đại Học Sorbonne Paris không loại trừ khả năng tiếng nói của Nadejdine « phản ảnh một xu hướng ngầm » bắt đầu âm ỉ trong hàng ngũ một số lãnh đạo Nga. Ứng viên này đã « được phép xuất hiện trước công chúng » để giới lãnh đạo « bắt mạch » công luận ?


    Bài tham luận của Françoise Thom mang tựa đề « Phi Staline hóa và Phi Putin hóa » đăng ngày 10/02/2024 trên trang mạng Desk Russie, nơi tập hợp khoảng 200 tác giả (nhà báo, sử gia, chính trị học, nhà văn, dịch giả …) chuyên nghiên cứu về Liên Xô cũ và Nga hiện nay, về Đông Âu.

    Không một nhà độc tài nào bất tử


    Tác giả bài viết so sánh không khí ngột ngại tại Matxcơva hiện nay với giai đoạn cuối triều dưới thời Staline. Thập niên 1950 thế kỷ trước, lãnh tụ tối cao Xô Viết khi đó « nhìn đâu cũng thấy kẻ thù » : « thù trong », « giặc ngoài » để rồi đã ra lệnh thanh trừng trong hàng ngũ trí thức, trong giới hoạt động văn hóa… Hồi ký của những thành viên trong Bộ Chính Trị, của những nhân chứng hàng đầu như Khroutchev hay Mikoian, Beria cho thấy nhen nhúm một sự chống đối ngầm. Thí dụ như Beria đã cho điều tra về hiệu quả của các quần đảo ngục tù và đã nhận thấy rằng « chúng không đóng góp gì cho kinh tế đất nước mà trái lại, những quần đảo Goulag là những gánh nặng cho Nhà nước ». Cũng Beria, cánh tay mặt của Staline điều hành guồng máy an ninh của Liên Xô đã tung tin đồn về sức khỏe đang đi xuống của Staline và thậm chí « báo động » với phương Tây về những kế hoạch hung hăng của chủ nhân điện Kremlin khi đó, ngụ ý trong hậu trường, có những người « giữ khoảng cách với đường lối của Staline ».

    Song sau khi Staline qua đời, một số đồng chí của vị nguyên soái này cho rằng Beria đi quá đà và đã tìm cách « vô hiệu hóa » Beria. Tháng 2/1956 Khroutchev quyết định « mở lại hồ sơ Staline » và một năm sau, Mikoian nhìn nhận « cần có thời gian để phán xét đúng đắn » Staline.

    Điểm quan trọng trong suốt quá trình « hạ bệ Staline », theo nhà sử học Françoise Thom, là « những mục tiêu đối ngoại » của Liên Xô thời bấy giờ.

    Matxcơva khi đó hướng đến giai đoạn « tan băng » để phá tiến trình hội nhập của châu Âu, để thọc gậy bánh xe hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Tại hội nghị Berlin, tháng 2/1954 Molotov trong cương vị ngoại trưởng đã đề xuất « một hiệp ước an ninh châu Âu » nhưng phương Tây đã nhanh chóng nhận thấy đây là thủ thuật để chận ảnh hưởng của Mỹ tại châu Âu, để phá hỏng kế hoạch thành lập Cộng Đồng Phòng Thủ Châu Âu (CED)… và Pháp do chống đối dự án CED đã vô hình chung đã giúp Matxcơva xua tan được một mối đe dọa. Cũng nhà sử học Françoise Thom nhắc lại, cùng năm 1954, Hoa Kỳ từ bỏ mục tiêu « giải phóng đông Âu khỏi ách của Liên Xô ».

    Bôi xấu thêm Putin để mua chuộc cảm tìm cho người kế vị ?


    Thế còn trong tình hình của nước Nga hiện nay ? Có những điểm tương đồng nào cho phép tác giả bài viết trên trang Desk Russie so sánh hiện tượng « phi Staline hóa » với tiến trình « phi Putin hóa » đang phôi thai ?

    Françoise Thom trả lời : tựa như Joseph Staline hơn 7 thập niên trước, Vladimir Putin giờ đây cũng đang trông thấy kẻ thù ở khắp nơi. Với tổng thống Liên Bang Nga, cộng đồng LGBT « đe dọa giống nòi dân tộc ». Putin đang tăng cường cỗ máy quân sự trước mối đe dọa « phương Tây » và đó là nỗi ám ảnh ông nhắc đi nhắc lại như « bài kinh nhật tụng ».

    ảnh Reuters

    Cùng lúc thì cũng có những tin đồn « không hay » về sức khỏe tổng thống Vladimir Putin, cũng có những tiếng nói chỉ trích đường lối « tôn sùng cá nhân » của nhân vật quyền lực nhất nước Nga… Công việc đó, theo bà Françoise Thom như thể « để nhắn nhủ phương Tây (và cả Ukraina) rằng trong tương lai không xa Kremlin sẽ đổi chủ ». Dường như thông điệp đó đã có ích cho Matxcơva chẳng hạn như qua việc « Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraina ».

    Chuyên gia quan niệm : Những quyết định lố bịch của Vladimir Putin ngày nay, các đợt đàn áp vì những lý do vớ vẩn, những vụ bắt giam những nhân vật có tên tuổi, những cái chết mờ ám, những phát biểu càng lúc càng điên rồ của Dmitri Medvedev cái loa phóng thanh của Putin… như thể đang chuẩn bị dư luận để khi mà Kremlin đổi chủ, người kế vị Vladimir Putin vừa hiện nguyên hình là một nhà lãnh đạo « sáng suốt và có văn hóa ». Đó sẽ là những « lợi thế to lớn » giúp Matxcơva dễ nói chuyện với phương Tây.

    Vladimir Putin còn « trụ được » bao lâu ?


    Phương Tây đặt câu hỏi tại sao Vladimir Putin chưa bị lật đổ vào lúc mà những quyết định điên rồ của ông ấy đang hủy hoại kinh tế đất nước, Nga bị chảy máu chất xám… trai trẻ bị đẩy ra chiến trường Ukraina …

    Đó là góc nhìn của phương Tây, vì theo nhà sử học Françoise Thom, người Nga vẫn quan niệm, nước Nga không thể hùng mạnh « nếu không có Ukraina » Ukraina là yếu tố cần thiết cho tham vọng khôi phục lại đế chế Nga. Chiếm được Ukraina, trong tương lai nếu xảy ra chiến tranh với NATO Nga sẽ đẩy những người lính Ukraina ra trận. Trái lại, đối với Matxcơva, « một nước Ukraina độc lập và thịnh vượng (…) Liên bang Nga sẽ rơi vào thế một cường quốc trung bình đứng ngoài rìa »…

    Vậy phải chăng Vladimir Putin đang đi tiếp con đường Joseph Staline đã vạch sẵn từ 1933 khi Matxcơva « để cho Ukraina chết đói, tiêu diệt tầng lớp tinh hoa của nước này, loại hết tất cả những công thần Thế Chiến Thứ Hai gốc Ukraina » ?

    Vladimir Putin còn bảo vệ được chiến ghế tổng thống, bởi ông đang làm một công việc mà không ai muốn nhúng tay vào : thu phục Ukraina về với nước Nga. Khi hoàn thành nhiệm vụ « Putin sẽ phải nhường chỗ lại cho một gương mặt nào đó khả dĩ hơn để hàn gắn quan hệ với phương Tây » để cộng đồng quốc tế chấp nhận hy sinh Ukraina hòng « bình thường hóa » các hoạt động giao thương của hai khối « Đông - Tây ».

    Đã lộ về chính sách của Nga trong tương lai ?


    Nói cách khác, theo quan điểm của nhà sử học Françoise Thom, số phận của Ukraina coi như đã « an bài » tựa như hồi kết chính trị của Vladimir Putin ?

    Giáo sư Thom tìm một số yếu tố cho phép trả lời phần nào câu hỏi này trong chương trình vận động tranh cử tổng thống của ứng viên Boris Nadejdine – cho dù là ông đã chính thức « bị loại ».

    Qua một vài cuộc họp báo và vận động, ứng viên này đã dám so sánh « Cuối triều thời Eltsine, chính phủ Nga trong thế yếu, yếu hơn bây giờ rất nhiều. Chỉ nội việc chỉ định một người vô danh như Putin vào chức vụ tổng thống cũng đủ chứng minh cho điều đó ». Nhưng rồi trước những gì Vladimir Putin đã làm thì rõ ràng là « quyền hạn của Nhà nước lớn lắm và tất cả tùy thuộc vào Nhà nước », ngụ ý ở hậu trường là cả « một hệ thống ngầm, rất sâu » và rất lợi hại… mà biết đâu như chính ứng viên này đã tuyên bố « Putin có thể chỉ định tôi để kế thừa sự nghiệp ».

    Giả thuyết « hoang đường đó » cũng có một phần sự thật khi biết rằng, Boris Nadejdine, 60 tuổi, là « người của guồng máy » một chính trị gia nhiều kinh nghiệm, một mối thâm giao với những nhân vật hàng đầu trong cỗ máy quyền lực ở Matxcơva.

    « Nadejdine là người duy nhất đưa ra chương trình phi Putin hóa một cách kềm chế », do vậy theo nhà nghiên cứu Françoise Thom, chỉ nội điều đó cũng đủ để cần tiếp tục theo dõi nhân vật này : rất có thể một vài chìa khóa về những chuyển biến tại Nga trong tương lai đang được cất giấu đâu đó trong chương trình vận động tranh cử của Boris Nadejdine.

    Thanh Hà
    RFI
Working...
X