Announcement

Collapse
No announcement yet.

Navalny, kẻ thù không đội trời chung của Putin, chết trong tù

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Navalny, kẻ thù không đội trời chung của Putin, chết trong tù

    MOSCOW, Nga (NV) – Alexei Navalny, kẻ thù không đội trời chung của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, người vận động chống tham nhũng trong chính quyền và tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ chống Điện Kremlin, qua đời trong tù hôm Thứ Sáu, 16 Tháng Hai. Ông được 47 tuổi, theo hãng tin AP.

    Navalny, đang thụ án 19 năm vì phạm tội cực đoan, cảm thấy không khỏe sau khi đi dạo, theo Cơ Quan Tòa Án Liên Bang Nga, sau đó ông bất tỉnh. Xe cấp cứu tới nơi cố gắng cứu sống Navalny, nhưng ông không qua khỏi. Cơ quan tòa án cho biết nguyên nhân cái chết “đang được điều tra.”

    Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông Putin được loan báo về cái chết của Navalny và cơ quan quản lý nhà tù sẽ điều tra sự việc theo các thủ tục tiêu chuẩn.

    Nhà đối lập chính trị Alexei Navalny, ở Moscow, Nga, ngày 9 Tháng Chín, 2013 (Hình: Vasily MAXIMOV/AFP/Getty Images)

    Navalny ngồi tù từ Tháng Giêng 2021, khi ông quay về Moscow sau khi bình phục sức khỏe ở Đức sau vụ đầu độc chất độc thần kinh mà ông đổ lỗi là do Điện Kremlin làm. Trước khi bị bắt, ông từng vận động chống tham nhũng, tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn chống Điện Kremlin và tranh cử vào các cơ quan công quyền.

    Từ lúc đó, ông phải lãnh ba bản án tù, tất cả đều bị Navalny bác bỏ nói rằng các bản án đều có động lực chính trị.

    Ngay sau khi cái chết của Navalny được loan báo, mạng xã hội SOTA của Nga lan truyền những hình ảnh về chính khách đối lập được cho là vừa ra tòa ngày hôm qua. Trong đoạn phim, người ta thấy Navalny đứng lên và cười đùa với thẩm phán trong băng thu hình.

    Navalny được di lý tới một khu vực nhà tù hình sự “theo chế độ đặc biệt” hồi Tháng Mười Hai từ một nhà tù ở miền Trung nước Nga – đây là nhà tù có cấp độ an ninh cao nhất trong số các nhà tù của Nga – nằm ở phía trên Vòng Bắc Cực.

    Những người thân cận của ông chỉ trích việc chuyển tới một khu vực giam giữ ở thị trấn Kharp, nằm trong khu vực cách Moscow khoảng 1,900 kilometer (1,200 dặm) về phía Đông Bắc, là một hành động khác nhằm trừ khử Navalny để bịt đầu mối.

    Ở nước Nga của Putin, các đối thủ chính trị thường lụn bại trong những tranh chấp bè phái hoặc phải sống lưu vong sau khi ngồi tù, hoặc bị cho là bị chuốc độc dược hay phải nhận lãnh những kiểu đàn áp tàn khốc khác. Nhưng Navalny ngày càng can trường hơn và đạt tới đỉnh cao của phe đối lập nhờ lòng can đảm, gan dạ và sự hiểu biết tinh tường về cách thức mà truyền thông xã hội có thể phá vỡ sự ngột ngạt mà các hãng tin độc lập của Điện Kremlin tạo nên.

    Navalny từng đối diện với mọi thất bại – cho dù đó là hành hung hay cầm tù – với sự tận tâm mãnh liệt, đối diện với hiểm nguy bằng sự hóm hỉnh đầy mỉa mai. Điều đó đã đẩy Navalny tiến tới một nước cờ táo bạo và định mệnh đó là từ Đức trở về Nga rồi bị bắt bớ.

    Navalny sinh quán tại Butyn, cách Moscow khoảng 40 kilometer (25 dặm). Ông tốt nghiệp với văn bằng luật của đại học People’s Friendship University năm 1998 và nhận học bổng tại đại học Yale University năm 2010.

    Ông thu hút công chúng bằng cách tập trung vào tình trạng tham nhũng trong mối liên hệ mờ ám giữa các chính khách và doanh nghiệp ở Nga; một trong những hành động sơ khởi của ông là mua cổ phần của các công ty dầu khí Nga để trở thành cổ đông tích cực và thúc đẩy sự minh bạch.

    Bằng cách tập trung vào tham nhũng, chiến lược của Navalny khiến cho nhiều người Nga cảm nhận được họ bị lừa dối, và ông cũng tạo ra tiếng vang mạnh mẽ hơn những bận tâm mang tính trừu tượng và triết học hơn về lý tưởng của dân chủ và nhân quyền.

    Navalny bị kết án năm 2013 về tội tham ô trong vụ án mà ông gọi là một vụ truy tố có động lực chính trị và bị kết án năm năm tù, nhưng văn phòng công tố sau đó bất chợt yêu cầu trả tự do cho Navalny trong khi chờ kháng cáo. Tòa án cấp cao hơn sau đó tuyên phạt Navalny án treo.

    Một ngày trước khi tuyên án, Navalny ghi danh ứng cử vào chức vụ thị trưởng Moscow. Phe đối lập coi việc trả tự do cho Navalny là kết quả của các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại bản án của ông tại thủ đô, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng đó là do nhà cầm quyền mong muốn tăng thêm tính hợp pháp cho cuộc bầu cử thị trưởng.

    Navalny về nhì trong cuộc tranh cử, màn trình diễn xuất chúng trước viên chức đương nhiệm được bộ máy chính trị của Putin chống lưng và nổi danh vì cải tiến hạ tầng cơ sở và mỹ quan của thủ đô.

    Danh tiếng của Navalny ngày càng tăng lên sau khi chính khách có sức lôi cuốn hàng đầu, Boris Nemtsov, bị bắn chết vào năm 2015 trên một cây cầu gần Điện Kremlin.

    Cứ mỗi lần Putin nói về Navalny, ông luôn luôn chú ý không bao giờ nhắc tới cái tên nhà hoạt động này, gọi Navalny là “kẻ đó” hoặc diễn đạt tương tự, rõ ràng là để làm giảm tầm quan trọng của Navalny.

    Ngay cả trong nhóm đối lập, Navalny thường bị coi là có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa quá mức khi ủng hộ quyền của dân tộc thiểu số Nga – ông ủng hộ việc Moscow sáp nhập Bán Đảo Crimea vào năm 2014 dẫu cho phần lớn các quốc gia đều coi đó là phi pháp – nhưng ông hầu như có thể gạt bỏ sự dè dặt đó với sức mạnh của các cuộc điều tra do Quỹ Phòng Chống Tham Nhũng do ông lãnh đạo tiến hành.

    Mặc dù các băng tần truyền hình quốc doanh chẳng coi Navalny ra gì, nhưng cuộc điều tra của ông lại gây được tiếng vang với dân Nga trẻ tuổi từ các đoạn phim trên YouTube và các bài viết trên trang mạng cũng như trương mục mạng xã hội của ông. Chiến lược này giúp ông tiếp cận những vùng sâu trong đất liền cách xa các trung tâm chính trị và văn hóa của Moscow và St. Petersburg, sau đó thiết lập một mạng lưới văn phòng địa phương mạnh mẽ.

    Công việc của ông mở rộng từ việc tập trung vào nạn tham nhũng cho tới lên án toàn diện hệ thống chính trị dưới thời Putin, người lãnh đạo nước Nga trong hơn hai thập niên. Ông là nhân vật trung tâm trong các cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng có chống lại kết quả bầu cử quốc gia không minh bạch cũng như loại trừ các ứng cử viên độc lập.

    Navalny hiểu rằng ông có thể thu hút sự chú ý bằng lời lẽ súc tích và hình ảnh cương trực. Mô tả của ông về bàn tay quyền lực của Putin đó là một Nước Nga Thống Nhất có “đảng của những kẻ lừa đảo và trộm cắp” ngay lập tức được nhiều người biết tới; một cuộc điều tra kéo dài liên quan tới tư dinh xa hoa ở vùng nông thôn của Thủ Tướng lúc bấy giờ là Dmitry Medvedev tập trung vào căn nhà cho vịt có đầy đủ tiện nghi trong khu phức hợp. Chẳng bao lâu, món đồ chơi hình dạng con vịt màu vàng vui nhộn trở thành hình thức phổ biến để chế giễu thủ tướng.

    Trong lúc đang lãnh án tù vào năm 2019 vì dính líu tới một cuộc biểu tình chống bầu cử, Navalny được đưa đi bệnh viện vì một căn bệnh mà giới chức cho rằng đó là phản ứng do dị ứng, nhưng một số bác sĩ nói đó trông như là bị ngộ độc.

    Một năm sau, vào ngày 20 Tháng Tám 2020, ông lâm bệnh nặng trên chuyến bay tới Moscow từ thành phố Tomsk tại Siberia, nơi ông đang sắp xếp các ứng cử viên phe đối lập. Navalny ngã quỵ ở lối đi trong lúc trở về từ phòng tắm, phi cơ phải hạ cánh khẩn cấp xuống thành phố Omsk, nơi ông phải nằm viện hai ngày trong lúc những người ủng hộ van nài các bác sĩ cho phép Navalny đi Đức điều trị.

    Khi tới Đức, các bác sĩ xác định Navalny bị đầu độc bằng chủng Novichok – tương tự loại độc chất thần kinh suýt lấy mạng cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông tại Anh Quốc năm 2018 và dẫn tới cái chết của một phụ nữ khác.

    Navalny được làm cho hôn mê trong khoảng hai tuần để chữa trị, sau đó phải nỗ lực để phục hồi khả năng nói và cử động trong vài tuần sau đó. Buổi nói chuyện đầu tiên của Navalny trong lúc bình phục cho thấy sự dí dỏm đầy thách thức của ông – một bài viết trên Instagram nói rằng thở bằng hơi thở của chính mình là “một cách hay ho bị nhiều người đánh giá thấp. Hãy làm thử đi.”

    Điện Kremlin kịch liệt bác bỏ cáo buộc âm mưu đầu độc, nhưng Navalny thách thức sự phủ nhận này bằng một hành động táo bạo – một cuộc điện thoại chơi khăm. Navalny công bố đoạn ghi âm cuộc gọi mà ông nói rằng ông gọi cho một thành viên được cho là thuộc nhóm sĩ quan Cơ Quan An Ninh Liên Bang, hay còn gọi là FSB, người này cố tình thực hiện vụ đầu độc và sau đó cố gắng ém nhẹm nó. FSB bác bỏ và nói đoạn ghi âm là giả mạo.

    Nán lại ngoại quốc không phải là bản chất của ông. Navalny và vợ lên phi cơ bay về Moscow vào ngày 17 Tháng Giêng 2021. Khi tới nơi, ông nói với các nhà báo đang chờ rằng ông rất vui khi được hồi hương và đi bộ tới khu kiểm soát số thông hành rồi bị bắt giam. Chỉ trong vòng hơn hai tuần, Navalny bị xét xử, kết tội và bị kết án hai năm rưỡi tù giam.

    Những vụ bắt giữ và tuyên án này làm dấy lên những cuộc biểu tình ầm ĩ lan tới tận những ngõ ngách xa xôi nhất của Nga và đã có hơn 10,000 người bị cảnh sát giam giữ.

    Là một phần của cuộc đàn áp lớn chống lại phe đối lập sau đó, một tòa án tại Moscow trong năm 2021 quy kết Tổ Chức Chống Tham Nhũng của Navalny và khoảng 40 văn phòng khu vực của tổ chức ra ngoài vòng pháp luật và cho là cực đoan, một phán quyết làm cho các thành viên trong nhóm chính trị của ông bị truy tố.

    Khi Putin đưa quân xâm lược Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai 2022, Navalny kịch liệt lên án cuộc chiến trong các bài viết trên mạng xã hội từ trong tù và trong các lần ra tòa.

    Chưa đầy một tháng sau khi chiến tranh bùng nổ, ông bị kết án thêm chín năm tù vì tội tham ô và coi thường tòa án trong một vụ án mà ông và những người ủng hộ ông bác bỏ và nói là bịa đặt. Các nhà điều tra ngay lập tức mở một cuộc điều tra mới, và vào Tháng Tám 2023, Navalny bị kết án về tội cực đoan và bị kết án 19 năm tù.

    Ngoài vợ, Navalny còn có một con trai và một con gái. (TTHN)
Working...
X