Announcement

Collapse
No announcement yet.

Vì sao "kẻ tàn ác thường sống thảnh thơi"?

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts
  • This topic by sangt*o has been deleted by sangt*o

    Font Size

    Vì sao "kẻ tàn ác thường sống thảnh thơi"?

    Giới trẻ gần đây có câu "kẻ tàn ác thường sống thảnh thơi", bắt nguồn từ ca khúc "Kẻ tàn nhẫn thường sống thảnh thơi" của nhóm ca sĩ ở VN. Nhiều người không biết lời ca đầy đủ của bài hát nhưng lại khó quên đến câu này. Mới nghe qua có vẻ mâu thuẫn với niềm tin của bao thế hệ người Việt thường nghĩ rằng, "ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác" nhưng không phải là không có lý do.

    Vì sao kẻ tàn ác thường sống thảnh thơi? Vì họ thường chẳng bao giờ bận tâm đến hậu quả sau cùng của việc mình đã làm, chỉ cần biết cá nhân mình thu được lợi lộc gì. Nói một cách mỉa mai thì "kẻ tàn ác" rất biết nhìn sự việc theo hướng tích cực của riêng họ, vì họ không cảm thấy dằn vặt khi giở trò lợi dụng, chơi xỏ hay làm tổn hại đến người khác, thế nên "tòa án lương tâm" không có tác dụng gì với họ; về mặt tinh thần họ vẫn ra vẻ thảnh thơi và thoải mái, ít nhất cho đến ngày bị "nghiệp quật".

    Từ ngàn xưa, nền văn hóa phương Đông đã thấm nhuần lời dạy "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", mỗi khi gặp biến cố và chuyện xui xẻo, trước hết nên tự trách mình, tự tìm ra sai lầm của mình trước khi đổ lỗi cho người khác. Một người lương thiện, giàu tinh thần trách nhiệm luôn cố gắng tuân thủ phương châm quý báu này. Tiếc rằng, đôi lúc chính vì vậy họ mới không thể sống thảnh thơi, ngay cả khi họ xứng đáng được hưởng lấy hạnh phúc. Tâm lý tự nhận sai trong mọi trường hợp còn có thể đẩy người tốt vào cảnh bị thao túng, lạm dụng và tự làm khổ chính mình.

    *
    Trên một số chương trình tư vấn về tâm lý, nơi các nạn nhân bị bắt nạt/bạo hành có thổ lộ tâm sự để được giúp đỡ, có rất nhiều người xem trên mạng đã bình luận những câu ác ý, xát muối tâm can. Chẳng hạn một phụ nữ lên chương trình "Người thứ ba" (ở VN) kể về việc 4 lần bị chồng ra tay bạo hành thô bạo, ông chồng lại còn đi học thêm đấm bốc. Chỉ có vài người bày tỏ thái độ thương cảm, lên án kẻ vũ phu, còn đa số lại chăm chăm chĩa mũi dùi vào người vợ, chê rằng cô đã "nhu nhược, hèn nhát, không biết tự cứu lấy bản thân", để suy ra cô này "bị đánh cũng là đáng đời".

    Từ đàn ông đến phụ nữ, nhiều người tin rằng nếu nạn nhân bị đánh một lần, lỗi nằm ở thủ phạm; nếu bị đánh đến 4 lần dẫn đến nhiều thương tật, lỗi chắc chắn thuộc về nạn nhân vì đã quá yếu hèn, không biết tự vệ.

    Đắng lòng thay, phương châm "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" nói trên đã bị nhiều người biến thành lối suy diễn thật nông cạn khi cứ đổ lỗi cho nạn nhân. Khi có ai đó bị quấy rối, bạo hành và bắt nạt, dư luận thường hỏi tại sao mà nạn nhân bị hành tội như vậy, tại sao mà họ cứ nhẫn nhục cam chịu, không có phản kháng gì cả? Dù cho thủ phạm đã sai rành rành, dù cho nạn nhân vô tội, nhiều người vẫn nghĩ rằng, nạn nhân cần phải làm chuyện gì sai trái nào đó mới bị thủ phạm nhắm đến. Vì "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nếu "không có lửa làm sao có khói", có đúng không?

    Chính lối suy diễn này đã làm cho nhiều người không dám lên tiếng cầu cứu đến sự giúp đỡ hay mạnh dạn tiết lộ ra mình đã bị đối xử quá bất công. Ngay cả khi đã thoát ra khỏi cảnh bị bạo hành, nhiều nạn nhân vẫn rất dè chừng, tự ti, không dám đón nhận hạnh phúc vì họ nghĩ mình có lỗi, mình không đủ tốt, không xứng đáng với những thứ tốt đẹp. Trong khi đó, nhiều kẻ từng ức hiếp, hãm hại người khác vẫn cứ an nhiên sống vui, sống khỏe. Sự dằn vặt, mặc cảm mà nạn nhân đã phải gánh chịu, lẽ ra phải dành cho thủ phạm mới đúng! Nhưng chúng đâu có bao giờ biết ăn năn hối hận, mà chỉ có nạn nhân gánh chịu đủ thứ búa rìu dư luận, luôn cảm thấy họ rằng do đã làm điều gì sai nên mới gặp chuyện đau thương này.

    Nhà toán học và vật lý Blaise Pascal từng nói: "Chỉ có hai loại người: người có đạo đức nghĩ mình là tội đồ và kẻ tội đồ nghĩ mình có đạo đức".

    Kẻ tàn ác thường sống thảnh thơi vì không có "tòa án lương tâm" nào phán xét, khi tự cho rằng, "người khác sai chứ tôi không sai, người khác ngu xuẩn, yếu đuối, bất cẩn chứ chẳng phải do tôi chọn làm ác". Người tốt bụng và hiền lành luôn biết nghĩ cho người khác, không nỡ làm tổn thương đến ai, thà chịu nhận phần thiệt thòi, đau đớn về mình chứ không làm hại đối phương. Thế nên, họ dễ dàng bị dư luận săm soi bắt bẻ, bị kẻ xấu thao túng tâm lý. Dù "luật nhân quả vốn không chừa ra một ai" nhưng trong khi những người "ở hiền" trông đợi được "gặp lành", cần nên ngưng tự dằn vặt khi mình không làm gì sai và dám mạnh dạn tuyên bố: "Tôi không có lỗi! Tôi không đáng phải chịu đựng việc này!"

    Chúng ta khó lòng bắt kẻ tội đồ ăn năn hối cải nhưng luôn có thể chìa tay ra giúp đỡ các nạn nhân, nói lời tử tế thay vì phán xét và đổ lỗi cho họ.
    Attached Files
Working...
X