Announcement

Collapse
No announcement yet.

Mạng lưới giúp Mỹ có thể chuyển vũ khí thần tốc cho Ukraine

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Mạng lưới giúp Mỹ có thể chuyển vũ khí thần tốc cho Ukraine


    Hạ viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có gần 61 tỷ USD cho Ukraine, kết quả được mong chờ với Kiev.

    Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ ngày 20/4 về việc thông qua nguồn tài trợ cho Ukraine có kết quả 311 phiếu thuận và 112 phiếu trắng. 112 đảng viên Cộng hòa phản đối dự luật, 101 người ủng hộ.

    Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ ký "ngay lập tức" khi quốc hội thông qua dự luật.

    Khoản viện trợ là thứ Ukraine và các đồng minh đã liên tục thúc giục khi Kiev đang lâm vào cảnh thiếu đạn dược. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hôm 18/4 cho hay hai lữ đoàn Ukraine, với hơn 2.000 binh sĩ, chỉ được bắn 15 quả đạn pháo và 42 quả đạn cối mỗi ngày. Ông cảnh báo Kiev sẽ thất bại trước Moskva vào cuối năm nay nếu không nhận được viện trợ bổ sung từ Washington.

    Một câu hỏi được đặt ra là nếu gói viện trợ được thông qua, vũ khí sẽ đến tay Ukraine nhanh đến mức nào để giúp họ đối phó khi Nga đang ngày một giành được nhiều lợi thế sau khi chiếm thành trì Avdeevka. Công nhân làm việc bên trong Nhà máy Đạn dược Lục quân Scranton ở Pennsylvania hôm 13/4. Ảnh: AP

    Theo AP, Ngũ Giác Đài có thể chuyển vũ khí đến tay Ukraine chỉ vài ngày sau khi quốc hội phê chuẩn gói viện trợ nếu sử dụng thẩm quyền chi ngân sách của tổng thống (PDA). Đây là cơ chế giúp quân đội Mỹ rút vũ khí ngay lập tức khỏi kho dự trữ. Ngũ Giác Đài từng dùng PDA để gửi hàng tỷ USD đạn dược, bệ phóng tên lửa phòng không, xe tăng, xe chở quân và các thiết bị khác tới Ukraine.

    "Chúng ta từng thấy rất nhiều lần vũ khí được chuyển giao thông qua PDA", Brad Bowman, chuyên gia cấp cao tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ có trụ sở tại Washington, nói.

    Những vũ khí đó được lấy từ các căn cứ hay cơ sở lưu trữ ở Mỹ hoặc từ các địa điểm ở châu Âu, nơi Washington lâu nay đã tăng cường chuyển trang thiết bị tới nhằm cắt giảm thời gian cần thiết để chuyển giao sau khi chính phủ phê duyệt nguồn tài trợ.

    Ngũ Giác Đài có các cơ sở lưu trữ vũ khí khổng lồ ở Mỹ với hàng triệu viên đạn đủ kích cỡ, sẵn sàng sử dụng trong trường hợp xung đột bùng nổ.

    Ví dụ, Nhà máy Đạn dược Quân đội McAlester ở Oklahoma có nhiệm vụ lấp đầy 435 container vận chuyển, mỗi container có sức chứa 15 tấn đạn dược, nếu Tổng thống ra lệnh. Cơ sở này cũng là nơi lưu trữ chính một trong những loại đạn dược được sử dụng nhiều nhất trên chiến trường Ukraine, đạn pháo 155 mm.

    Nhu cầu của Ukraine đối với đạn pháo 155 mm đã gây áp lực không nhỏ lên kho dự trữ của Mỹ, buộc quân đội phải tìm nguồn cung từ những nơi khác. Kết quả là hàng chục nghìn viên đạn 155 mm đã được chuyển từ Hàn Quốc về McAlester để trang bị thêm cho Ukraine.

    Theo một quan chức quân sự Mỹ, Washington sẽ có thể gửi một số loại đạn dược "gần như ngay lập tức" tới Kiev vì họ có kho chứa ở châu Âu. Trong số đó có đạn 155 mm và các loại đạn pháo khác, cùng với một số loại đạn phòng không.

    Một loạt cơ sở tại Đức, Ba Lan và các đồng minh châu Âu khác cũng đang giúp Ukraine bảo dưỡng, sửa chữa và huấn luyện họ sử dụng những hệ thống được gửi ra mặt trận. Chẳng hạn, Berlin đã thành lập một trung tâm bảo trì cho đội xe tăng Leopard 2 của Kiev ở Ba Lan, gần biên giới Ukraine. Những cơ sở lân cận như vậy giúp Ukraine đẩy nhanh tốc độ sửa chữa để tiếp tục sử dụng hệ thống của phương Tây.

    Giám đốc CIA Burns nhấn mạnh với tình hình chiến sự hiện nay, "yếu tố nhanh là tối quan trọng".

    "Chúng tôi có một mạng lưới hậu cần rất mạnh mẽ cho phép vận chuyển trang thiết bị một cách thần tốc", thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Pat Ryder khẳng định.

    Vũ Hoàng (Theo AP)
Working...
X