Announcement

Collapse
No announcement yet.

Đồng tiền đè ... đàn ông!

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Đồng tiền đè ... đàn ông!

    Đàn ông cũng như đàn bà thường bị nhiều thứ …"đè". Có thứ tưởng là to ví như công danh sự nghiệp, lại có thứ cứ nghĩ là nhỏ ví như miếng cơm manh áo.

    Trong tiếng Việt, nghĩa của chữ "đè" nôm na là, bị một cái gì đó dùng sức nặng áp đặt lên (Từ điển Viện Ngôn ngữ học). Khi bị đè lên người ta thường ú ớ nửa tỉnh nửa mê loay hoay, mơ hồ lẫn lộn, vừa vô ý thức vứt bỏ muốn vùng thoát ra, vừa có ý thức khoan khoái mộng mị muốn đắm chìm vào.

    Đàn ông ở trong trạng thái lúc đang chập chờn ngủ thì dân gian gọi là "bóng đè". Còn nếu "trúng" chứng khoán hay bất động sản thì các thiếu nữ "xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê" kính trọng gọi là bị …"tiền đè". Thực ra nguyên văn của câu thành ngữ đương đại này là "Anh ấy (hoặc nói sỗ sàng hơn là "lão ấy") tiền đè chết người". Đây là một câu cảm kích khá tích cực, có hàm ý chân thành, chan chứa sự nể phục, được vô số các thiếu nữ tuổi teen đang mon men tính toán bước vào hôn nhân rất thường hay xài. Những teen nữ khác đứng chung quanh, hồi hộp lắng nghe, rõ dãi nhỏ tong tong rưng rưng thèm khát, rồi "nồng nhiệt đố kỵ chúc mừng bạn mình gặp số đỏ".

    Trước đấy độ chục năm, để mô tả một "đại gia lắm của" thì các quý bà và quý cô cũng hay sử dụng một thành ngữ tương đương "tiền nhiều như đám quân Nguyên". Tất nhiên, trong đám quân xâm lược hung hãn đã vào nước ta thì đám quân Nguyên không phải là nhiều nhất, nhưng cái tỷ lệ kẻ thù mà một chiến binh Đại Việt từng phải dũng cảm đương đầu thì hình như quân Nguyên vẫn là kẻ thù đông đảo nhất. Đem chuyện thừa mứa dư dật ra ví với đám tàn bạo quân Nguyên, quả thật các nàng đã vừa hóm hĩnh lại vừa chính xác đến khó tin!!

    Đàn ông được "tiền đè" nói chung có xuất xứ không quá phức tạp, phần lớn bọn họ đều có sự minh bạch về thừa tự, từ sự chăm chỉ tích góp của bố mẹ, của ông bà. Do không phải vất vả rồi lại đột ngột thừa hưởng một "cục tiền" quá lớn thì bọn họ ngông nghênh vung tay nửa thiện nửa tà này để hoang phí.

    Điển hình cho loại này ở nước ta chính là nhị vị công tử, Hắc (cậu ba Qui) và Bạch (Tư Phước Georges) khét tiếng người ở Bạc Liêu. Những sự kiện "phá gia chi tử" của hai đại thiếu gia này đã trở thành truyền kỳ, học giả Vương Hồng Sển sơ lược có kể: "Tư Phước ngọt với em út bao nhiêu thì cậu Ba cũng ngọt với bồ bịch bấy nhiêu, duy 'chiến lược' mỗi chàng mỗi khác. Phước chuyện chọn người phải cho đẹp, cậu Ba chọn người phải cho 'ngon', phần đông được tuyển trong hạng gái vườn tập khiêu vũ, chơn chưa rửa sạch phèn. Cậu Tư cho tiền không bao giờ lấy lại. Cậu Ba lúc gặp tuổi đầu, gái lựa mua gì cậu cũng không từ chối. Nhưng khi cậu chán chê thì giở ngón đểu, giả đò thuê me, mượn cầm đỡ vào tiệm mà không bao giờ chuộc lại. Và cậu lánh mặt luôn với chiếc xe chạy ngày mấy trăm cây số ngàn, có giỏi lội bộ theo mà bắt"… (Sài Gòn tạp pín lù – NXB Hội Nhà văn, trang 135). Hắc và Bạch công tử là đại diện xuất sắc cho kiểu đàn ông tiền đè chết người khác.

    Tuy nhiên, nói cho cùng, lấy tiền của chính bố mẹ mình đem ra tiêu xài cũng vẫn là chuyện thiên kinh địa nghĩa, đàn ông được tiền đè mà nguồn tiền ấy lại từ vợ mới đáng kể, gọi là "quái chiêu".
    Có lẽ trong lịch sử, trường hợp của Thúc Sinh chắc là duy nhất. Theo "Kim Vân Kiều truyện" thì thư sinh họ Thúc tên Thủ vốn người huyện Vô Tích. Anh chàng này tài cao học giỏi nên chọn được nhà vợ rất giàu, vừa mừng vừa sợ âm thầm ăn chơi phóng túng "Trăm nghìn đổ một trận cười như không". Đàn ông đến lầu xanh mà mê cave thì thiên hạ có đầy, cứ đọc các báo lá cải của thời bây giờ là thấy cũng nhan nhản không ít. Nhưng dám rút tiền của vợ để yêu rồi lấy cave thì xưa nay tuyệt hiếm. Tên tự của Thúc Sinh là Kỳ Tâm, quả xứng đáng, tâm hồn của anh chàng này đương nhiên có chỗ kỳ lạ khác hẳn đám đàn ông bình thường. Về sau Thúc Sinh bị vợ phát hiện nên gặp nhiều chuyện phiền muộn cay đắng lắm, suýt nữa tha hóa trở thành thằng nát rượu. "Sinh càng như dại như ngây/ Giọt dài, giọt ngắn chén đầy chén vơi". Nói chung họ Thúc là điển hình cho kiểu đàn ông bị tiền đè chết mình.

    Thế nhưng, đàn ông theo đúng nghĩa bị tiền đè thì phải kể đến lão hà tiện Felix Grande, một tay người Pháp có xuất thân phó thùng trong kiệt tác "Tấn trò đời" của đại văn hào Balzac (1799-1850). Gã này tàn bạo, độc đoán chuyên nhìn người qua lỗ đồng xu. Hoặc bóc lột bọn người ở hoặc lợi dụng đám cầu hôn. Không những nhẫn tâm với cháu mà còn phá hoại hạnh phúc của con gái, biến vợ thành nô tì rồi giày vò bà này cho đến chết. Tính keo kiệt của lão ta đến mức quái đản "cái gì cũng muốn dè sẻn, cho đến cả cử động". Khi lạnh lẽo đang hấp hối, gã chỉ đòi nhìn vàng vì nó làm cho gã thấy trong người ấm lại. May thay, xã hội hôm nay bỗng tuyệt hiếm những người giàu có bẩn thỉu như tay Grangde này. Bởi gã này bủn xỉn là do đã vật lộn kiếm tiền từ sự chắt chiu từng giọt mồ hôi nước mắt.

    Còn đám đàn ông thừa mứa, dư dật thời nay biết nhai tôm hùm, biết nuôi bồ nhí, đa số đều do liều lĩnh chụp giật, hoặc thê thảm hơn, may mắn hớt trộm mót nhặt được của rơi của vãi của thiên hạ.

    Đàn ông có tiền đôi khi vẫn có những người có tài có đức. Đồng tiền luôn mang bộ mặt của người cầm nó. Ở người tiêu xài phóng khoáng thì đồng tiền rộng rãi, cao thượng, ở người bần tiện tính toán thì đồng tiền nhơ nhớp chật chội. Tuy nhiên, cao hơn cả vẫn là những đàn ông mang khuôn mặt mà bất cứ kiểu tiền nào cũng không thèm bắt chước.

    Đại loại đấy là những người chẳng bao giờ bị tiền đè.














    Attached Files
Working...
X