Announcement

Collapse
No announcement yet.

Khi cha mẹ ‘dạy một đàng, làm một nẻo’ với con trẻ

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Khi cha mẹ ‘dạy một đàng, làm một nẻo’ với con trẻ



    Cha mẹ đôi khi cũng "nói một đàng, làm một nẻo." Hình minh họa: Vitolda Klein/Unsplash.Cha mẹ nào chẳng thương con, dạy dỗ, mong muốn con nên người, nhưng cũng có khi họ “nói không đi đôi với làm”, khiến con trẻ thắc mắc.


    “Anh xem con bé Na anh kìa, hôm qua nó dám…nói hỗn với em,” chị Lan “méc” chồng. “Nó bảo em là người nói dối (liar). Em có nói dối đâu. Tức chết đi được!” Người chồng kêu con gái, hỏi cho ra lẽ vì sao hỗn với mẹ. Bé Na trả lời: “Hôm qua gặp cô Christy mập ngoài sân, mẹ khen cô ấy mặc đẹp, trong khi cô mặc chiếc áo bó sát người, lòi chiếc bụng bự, thấy ghê lắm. Mẹ dạy con là không được nói dối, vậy mà mẹ nói không đúng sự thật với cô Christy.” Quay sang vợ, anh chồng ôn tồn nói: “Con có lý, nếu nhìn…thấy ghê có nghĩa là không đẹp. Không đẹp mà khen đẹp, là nói dối rồi.”

    Tuy vậy, chị Lan vẫn…ngoan cố, cho rằng “Ừ thì là…khách sáo thôi, nhưng mẹ nói dối được, còn con thì không bao giờ, nghe chưa!” Có gì đó…sai sai trong cách dạy con của chị Lan.

    Cha mẹ dạy con luôn phải nói sự thật. Nhưng đôi khi, họ nói dối, nói không đúng sự thật hoặc cố tình nói khác đi vì mục đích nào đó. Tất cả đều khiến con trẻ cảm thấy đó là không thành thật, là đạo đức giả, và đương nhiên là không tốt.

    Không chỉ trong chuyện nói năng, giao tiếp hàng ngày, nhiều cha mẹ có cách cư xử không hề giống như họ dạy dỗ con mình. Ví dụ, bố mẹ ngủ chung phòng với nhau, nhưng con thì ngủ riêng, thậm chí một lời ru, một câu chúc con ngủ ngon cũng không có. Tiến sĩ Susan Krauss Whitbourne ở đại học Massachusetts Amherst University cho rằng, giúp con ngủ thiếp đi sẽ tạo mối liên kết cảm xúc mạnh mẽ và cải thiện sức khỏe tinh thần của trẻ.

    Trẻ con thích ăn vặt, ăn những thứ bé thích. Tất nhiên ăn uống lành mạnh là quan trọng, nhưng nhiều khi ngay cả người lớn cũng ngán, hoặc không muốn ăn một loại thực phẩm nào đó. Con trẻ cũng vậy. Người lớn có thể thay thế bất kỳ món ăn nào theo ý thích, dù đó là bữa ăn không khoa học hoặc thậm chí nhịn luôn. Đâu ai dám xía vào! Nhưng trẻ con thường bị “tước” mất quyền được lựa chọn này. Mẹ cho ăn gì phải ăn nấy. Mẹ vừa ăn vừa đọc, okay!, nhưng con thì…đừng hòng làm chuyện ấy!

    Chuyện con chơi điện thoại, iPad cũng khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Nhưng lỗi không chỉ ở phía các cháu bé. Người ta tính trung bình, một người trưởng thành dành hơn 3 giờ mỗi ngày để truy cập internet trên điện thoại di động, chưa kể thời gian làm việc trên laptop, desktop, iPad để đọc tin tức hoặc xem phim. Trong khi đó, họ giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ. Cũng đúng. Vì lứa tuổi của các cháu nhỏ, việc sử dụng các thiết bị điện tử không cần phải lâu như thế, do các cháu chủ yếu “chơi là chính”. Nhưng một khi đã đặt ra giới hạn cho trẻ, cha mẹ cũng nên xem lại mình, để làm gương.
    Mẹ dạy con không được vừa ăn vừa làm chuyện khác, nhưng lại rất…vô tư, vừa ăn vừa đọc. Hình minh họa: Unsplash.
    Cha mẹ cũng hay thích “xen” vào chuyện ăn mặc của các con, nhất là các bé gái. Thử nghĩ, một ngày bạn ra đường với bộ đồ mà bạn không thích, bạn có cảm thấy thoải mái không? Chắc chắn là không. Con trẻ cũng thế. Cha mẹ có thể lo cho con, khi bé chọn bộ đồ không phù hợp với thời tiết. Nhưng thường họ không để tâm đứa trẻ thực sự cảm thấy thế nào, mà tự đưa ra nhận định cảm tính, rồi ép buộc, bất chấp phản ứng của trẻ thế nào.

    Nhiều bậc phụ huynh thường dạy con phải cho bạn chơi đồ chơi chung, thỏa hiệp hoặc bắt trẻ làm theo ý của mình, là cách để thể hiện sự hy sinh, biết chia sẻ. Trong khi đó, họ lại có tính sở hữu cao, bướng bỉnh và không muốn hy sinh sự thoải mái của chính mình. Trẻ em là những cá thể riêng biệt, có nhu cầu và quan điểm riêng. Vì vậy, cha mẹ cần thiết lập ranh giới lành mạnh và biết lắng nghe con.

    Cha mẹ mong con thực hiện “mệnh lệnh” mình đưa ra ngay lập tức, bất kể đứa trẻ đang làm gì. Việc bỏ qua ý kiến của con, có thể khiến chúng cảm thấy tự ti, cho rằng “mình chẳng là cái thá gì, mình không quan trọng.” Vì thế, bên cạnh việc dạy con tính kỷ luật, bạn hãy cho chúng chút thời gian cần thiết để làm theo những gì bạn mong đợi.
    Nhiều phụ huynh giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ, còn họ thì…chơi xả láng! Hình minh họa: Afif Kusuma/Unsplash.
    Ai cũng muốn con thành công trong cuộc sống và thúc con cái học tập, thử thách những điều mới. Khi đứa trẻ chán nản hoặc thiếu động lực, phụ huynh thường la mắng, quát nạt, mà ít khi tìm hiều nguyên nhân. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ thường “nói không đi đôi với làm”, không làm gương cho con cái. Một ông bố đặt ra yêu cầu với cậu con trai 10 tuổi: “9 giờ lên giường, 6 giờ sáng thức dậy, thức khuya, dạy trễ là bị phạt.” Nhưng ông bố này lại thường xuyên đi nhậu về khuya, và khi con thay đồ đi học, bố vẫn còn nằm ngáy khò khò.

    Có những chuyện người lớn gặp khó khăn, họ thường “xả” khắp nơi, từ trong chiếc điện thoại ra tới quán cà phê. Nhưng khi con hỏi, họ thường dấu, vì muốn con vui, không phải lo lắng về điều gì. Tuy vậy, có những lúc trẻ cần nói lên vấn đề của mình, cha mẹ thường cắt ngang, chặn ngay từ đầu, rằng đó là “chuyện con nít, vớ vẩn, không đáng quan tâm, bỏ đi con!”. Khi ấy, con sẽ thắc mắc, “mình muốn chia sẻ chuyện của bố mẹ thì không được, và khi mình cần chia sẻ chuyện của mình, bố mẹ cũng không nghe. Bố mẹ…bị gì vậy ta!”

    Thắc mắc này của con trẻ, biết hỏi ai bây giờ?
    Attached Files
Working...
X