Announcement

Collapse
No announcement yet.

Món Ngon Quê Nhà - vfTV

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Món Ngon Quê Nhà - vfTV

    Món ngon quê nhà (Nam)
    Phút
    30:08 Bồn bồn mọc hoang muôn trùng ở NH - Mỹ già biết ăn, Mỹ trẻ không
    Mình ở vùng núi, không có nhiều cho mình rớ ...

    34:45 Khóm ... vẫn chưa hiểu chữ "khóm" từ đâu mà có !!! Bắc kêu Dứa - Nam kêu Thơm - Trung kêu Thơm - hông lẽ ... Dứa là đặc sản miền Tây ???
    Quê Ba Khía là vườn thơm Bến Lức

    35:17 "thân khóm củ khóm"
    36:07 Quê mình kêu là thơm, cây thơm hay bụi thơm

    Chàng phát ngôn nhân ở đây bị nhiễm bịnh "phăng", không biết nhưng không học không hỏi mà "phăng cho nổ"
    Phăng lần thứ nhứt ...
    36:40 "Củ hủ khóm ... củ hủ khóm ngon như củ hủ dừa, ngon không thua củ sắn"
    Cây thơm có vị đắng đặc trưng của nó, hoàn toàn không giống thứ gì khác, chiên bánh xèo là số dzách, xào thịt là nhì

    Phăng lần thứ hai ...
    48:42 Nói về cây Bạch Mai, Mai Tứ Xuyên
    Cây Mù U là Nam Mai không dính dáng gì đến Bạch Mai hay Mai Tứ Xuyên đây là hai loại cây khác nhau.
    Mù U được gọi là Nam Mai vì nó ở miền Nam hay ở VN ...
    Làm văn hoá mà phăng thì ... ai tin thì ráng chịu hen ...




    "
    Mù u


    Có một loại cây có cái tên nghe rất dân dã và ngộ nghĩnh nhưng được nhắc đến rất nhiều trong ca dao, văn thơ và âm nhạc, cây mù u.



    Cây Mù u thuộc họ Bứa (Clusiaceae), là một loài cây gỗ thường xanh, chiều cao trung bình từ 8 đến 20 mét. Danh pháp của cây Mù u có hai phần là Calophyllum inophyllum , có nghĩa là Cây ở miền đông châu Phi có những cành hoa trắng thơm; mọc ở những vùng ven biển phía nam Ấn Độ đến Malaysia và Úc.

    Thân cây mù u có màu đen mốc, xù xì từng mảng như vảy da cá sấu, có nhiều khối u và hạt của nó ép thành dầu thắp đèn cho ra một thứ ánh sáng "lù mù" khói bay "mù mịt. Có lẽ vì vậy nên dân gian gọi là cây mù u chăng? Ngoài ra, cái tên mù u cũng còn được giải thích truyền khẩu rất đơn giản, rất bình dân rằng, ngày trước dân ta nghèo nên dùng dầu mù u để thắp đèn, khói bốc lên mù mịt, người cầm đèn không thấy đường, va đầu vào cột nhà u cả trán, từ đó cây được đặt cho cái tên “mù u”.

    Sau đây là hai bài thơ miêu tả cây Mù u với cái tên lạ lẫm trích trong nammainguyenthi's blog . Ở đây có lẽ tác giả chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật gia nên đã cho rằng cây có cái tên không đẹp là do kiếp trước không chịu tu hay tu chưa thành. Nghe thật ngộ nghĩnh làm sao!

    Thương kiếp Mù U

    Kiếp xưa chưa khéo tu,
    Đã "mù" lại thêm "u"...!
    Nhưng tình hoa trong trắng,
    Thắp sáng chốn hoang vu !!!

    nhưng bây giờ cây được đặt thêm một tên nữa là Nam mai , một tên gọi nghe sang trọng hơn, quý phái hơn. Nam Mai là cây mai miền Nam. Tương truyền khi vua Gia Long bị vua Quang Trung đuổi chạy trôi dạt vào Cà Mau , vào một ngày xuân, vua bỗng thấy một cây mù u nở bông trắng xoá như bạch mai nên đã tặng cho cây mù u bình dân cái tên vương giả là Nam Mai. Cũng có tài liêu ghi rằng: " Có người cho rằng tên Nam mai do vua Gia Long đặt thay cho tên Mù u khi chúng được nhà vua lệnh cho trồng nhiều ở Huế để nhớ những năm tháng bôn ba ở miền Nam cũng như công dụng của nhựa, trái và gỗ của loại cây nầy" (theo Nguyễn Thiện Tịch):

    Nam Mai thay tiếng " Mù U",
    Để cho đỡ tủi kiếp tu không thành !!
    Mai trắng lục tỉnh tinh anh,
    Trái tròn, thân mộc, hột cho sáng mờ....
    Với quê mai trắng là thơ,
    Dầu chong mái lá ước mơ thanh bình !!

    Cây mù u được phân bố ở những vùng đất hoang gần biển ở nhiều nước thuộc Châu Phi như Kenya, Tanzania , Mozambique, Madagascar… ; Châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Philippines…; Châu Úc như Lãnh thổ Bắc Úc, Queensland… ; nhiều đảo ở Thái Bình Dương như Guam, Marshall, Bắc Mariana, Palau, Fiji, Samoa…Ngày nay cây được trồng khắp các vùng nhiệt đới trên thế giới.

    Từ giả thuyết về tên gọi Nam mai, chúng ta có thể suy ra những hàng mù u ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế xuất hiện sau này tại miền Trung tức từ thời vua Gia Long. Hiện nay, ở Khuê Trung thuộc quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng vẫn còn một cây mù u nằm trong khuôn viên Miếu Bà và gần cái giếng Chăm. Cây mù u này rất to, gốc của nó đến hai người ôm không xuể.



    Ở Huế, văn chương bình dân còn truyền lại câu ca dao:

    Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng
    Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u

    Xã Tắc ở đây là nói đến đàn Xã Tắc, nơi diễn ra lễ tế, được xây ở bên trong Kinh thành, phía tây của Hoàng thành, nay thuộc địa phận phườngThuận Hòa, Thành phố Huế. Trong vườn của đàn, người ta trồng nhiều thông và mai, hai bên đường từ nền dưới dẫn ra cổng tam quan trồng hai hàng cây mù u thẳng tắp.

    Chúng ta còn thấy hình ảnh những cây mù u gục đầu trong những cơn mưa dầm và trong cái lạnh thấu xương của đất Thần kinh cùng những ánh đèn dầu mù u nhỏ nhoi côi cút qua bài thơ của Tuệ Chương Hoàng Long Hải, trích trong truyện ngắn Mưa đêm Bidong- Nhớ mưa dầm xứ Huế:

    Đêm Huế mưa buồn như em không nói
    Những cây mù u gục đầu,
    Lạnh về cắn xé đêm thâu
    Những chấm đèn côi cút
    Những giọt lệ khuya nhĩu xuống, nguyện cầu.

    Như vậy, mù u có lẽ được trồng và mọc nhiều ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Chắc chắn hình ảnh mù u đã gợi bao nhiêu kỉ niệm, khơi dậy bao nhiêu niềm cảm hứng để chúng ta có những bài thơ giàu chất lãng mạn, những tản văn nhều cảm xúc và những ca từ trữ tình khiến những người dù chưa bao giờ thấy cây mù u cũng phải thấy lòng rung động.

    Cây mù u thật sự đã đi vào ca dao bằng những lời ca buồn:

    Bướm vàng đậu ngọn mù u
    Lấy chồng càng sớm, lời ru càng buồn

    Và vẫn những lời ca buồn đó đã được nhiều nhạc sĩ sáng tác những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ như Sông quê của Đinh Trầm Ca, Buồn tình hát lý mù u của Hà Phương , Bông mù u của Thành Công, Bẽ bàng bướm đậu mù u của Trương Quang Tuấn, Bông tím mù u (Lý Cái Mơn) không rõ tác giả...

    Chúng ta thử nghe bài hát rất hay của Đinh Trầm Ca:

    Có một dòng sông chảy tràn trong trí nhớ
    Làng em bến lở, làng anh ở bến bồi
    Mỗi ngày em qua bên này sông đi học
    Dưới bến con đò chờ trong bóng mù u

    Ở miền Tây Nam bộ, mù u thường mọc theo bờ sông, bờ rạch. Cây có cành thấp với tán rộng nên cho nhiều bóng mát và hàng mù u trở thành chỗ dừng chân tránh cái nắng gay gắt mùa hè của biết bao nhiêu khách bộ hành trên bước đường xuôi ngược và cũng là chỗ đứng chờ đò qua sông đi học của em nữ sinh hay chỗ anh đứng chờ em trong những buổi hẹn hò như trong bài hát Bông mù u của nhạc sĩ Thành Công:

    Anh chờ em dưới bóng cây
    Mù U che mắt tình yêu chúng mình
    Ngày em tóc bỏ ngang vai
    thương con bướm vàng đậu nhánh mù u.

    Hình ảnh nhánh mù u với bướm vàng được bắt gặp rất nhiều trong thơ văn cũng như trong các bài hát đậm chất miền Nam:

    Bướm vàng đậu nhánh Mù u
    Đưa tay anh bắt…tặng em làm quà

    ( Bông mù u của Thành Công)

    và hình ảnh đó trở nên quen thuộc đến nỗi khi muốn nói đến chuyện người con gái lấy chồng, các nhà thơ hay nhạc sĩ đều ví von với con bướm vàng đậu nhánh mù u như trong Sông quê của Đinh Trầm Ca:

    Nhánh mù u con bướm vàng quanh quẫn
    Anh bao nhiêu chiều tan thơ thẩn qua sông
    Em tan trường về con đò lên bến lở
    Áo lụa như mây bay ngược gió sông chiều

    nhưng trong Cất lại một tình yêu của Thích Nhất Hạnh thì bướm vàng thôi không đậu nhánh mù u vì em theo tiếng gọi của lý tưởng:

    Con bướm vàng đã thôi không đậu nhánh mù u
    Em đã không lấy chồng để lời ru vui trở lại
    Để câu hò bên sông không còn nỗi buồn xa ngái
    Để Phật pháp có người gìn giữ một tàng kinh.
    -Phật pháp tại lòng thành, phật pháp tại tâm linh.

    Đa số những câu chuyện lồng trong hình ảnh mù u và bướm vàng là những câu chuyện tình yêu không thành, để lại nỗi buồn nhớ đến nao lòng cho người ở lại như trong Bẽ bàng bướm đậu mù u của Trương Quang Tuấn:

    Tình anh ơi lý mù u
    Gió mùa thu ... gối nhỏ im lìm
    Xanh xao hẹn thề hàng tre u sầu quạnh quẽ
    Bên xóm trưa hè ai hát buông lời chín xề
    Em nhớ thương chàng, bẽ bàng bướm đậu mù u ... !!!

    và trong Sông quê của Đinh Trầm Ca:

    Nhánh mù u, con bướm vàng không đậu
    Câu ca từ thuở thơ dại ru sang
    Sông quê, trường làng con đò trên cát lở
    Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ não lòng...!

    hay trong bài hát Buồn Tình Hát Lý Mù U do Hà Phương sáng tác, là tình yêu dang dở vì có một người lỗi hẹn :

    Ca dao buồn chan chứa tràn kỷ niệm
    Bông mù u tàn trăng rơi rụng trong tim
    Ta hẹn nhau khi em chưa thì con gái
    Xanh mái tóc thề lối đi về đời nhau

    Trăng chưa tròn anh vẫn còn đứng đợi
    Trăng vừa mới tròn em đã vội sang sông
    Bến Cửu Long mênh mông dòng nước lớn
    Em bước theo chồng mà lòng dạ buồn không?

    Tương tự, nội dung một số bài hát khác là những câu chuyện tình yêu buồn vì tiếc em đã vội vã sang sông như trong một bài hát được sáng tác vào năm 1990 của nhạc sĩ Trần Tiến: Sao em nỡ vội lấy chồng, mượn một ý trong bài thơ Lá diêu bông của nhà thơ Hoàng Cầm viết vào mùa rét năm 1959. Trong bài hát, vẫn là hình ảnh bướm vàng đậu nhánh mù u và một lời than trách nhẹ nhàng là sao em nỡ vội lấy chồng sớm để cho lời ru càng buồn, càng đau:

    Ngày lấy chồng em đi qua con đê
    Con đê mòn lối cỏ về
    Có chú bướm vàng bay theo em
    Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi
    Lấy chồng sớm làm gì
    Ðể lời ru thêm buồn

    hoặc trong bài hát Bông mù u của nhạc sĩ Thành Công, nghe tếng anh kêu mù u mà xót xa đến lạ. Anh gọi mù u hay gọi tên em, người con gái sang ngang vì chữ hiếu phải trả với mẹ cha, bỏ lại một môí tình dở dang, dang dở :

    Bướm vàng bỏ nhánh mù u
    Chiều mưa lá rụng bay đầy bên sông
    Bìm bịp kêu em có buồn không
    Bông mù u nở nhớ em cũng buồn

    Ai ngờ trời đổ cơn mưa,
    mù u ướt lá làm đau bướm vàng.
    Ngày em đã bỏ sang ngang
    xa con bướm vàng trả hiếu mẹ cha.
    Anh nhờ con bướm bay xa.
    Mù u thương nhớ bông vàng đành rơi.

    Mù u ơi hỡi mù u! Mù u ơi hỡi mù ơi!
    Có con bướm vàng bỏ xứ đi xa
    Mù u ơi hỡi mù u! Mù u ơi hỡi mù ơi!
    Biết chăng bướm vàng, thương tình dở dang.

    Ngoài các ca khúc trữ tình nhưng rất đỗi bình dị vừa được đề cập, chúng ta còn tìm thấy rất nhiều bài vọng cổ và tân cổ giao duyên có lời hát mộc mạc, chân tình nhưng đậm chất dân gian Nam bộ, dễ đi vào lòng người nghe như Đôi bông mù u của Thiện Giả, Bông mù u trắng, Còn Đó Bông Mù U.. . Đó là chưa kể đến nhiều tản văn viết xoay quanh chủ đề mù u mà tác giả đã gửi gắm vô số kỷ niệm thời thơ ấu với những cảm xúc chân thật từ trái tim khi nhớ về quê ngoại hay quê nội mà trong phạm vi một bài viết ngắn như thế này tôi không thể trích ra hết được.

    Do có khả năng chịu được nhiều loại đất khác nhau như đất cát ven biển, đất sét, đất phèn hay đất bạc màu nên mù u thường được trồng ở các vùng ven biển , ven sông, ở các khu rừng đất thấp và ở cả những khu đất trong đất liền. Trong những khu vườn của miền Tây Nam bộ cũng vậy, người ta trồng nhiều cây mù u . Cây lặng lẽ lớn lên, lặng lẽ dâng cho đời cho người biết bao nhiêu lợi ích từ bóng mát đến gỗ tốt, từ dầu thắp sáng đến mủ để trị các bệnh ngoài da.

    Thật vậy, cây trồng sau 20 năm, chặt xuống ngâm sình 3 năm thì có lẽ ít loại gỗ nào qua mặt được nó, được dùng làm cột nhà, cầu khỉ, làm ván ghe, xuồng. ...... Nếu cây không thẳng thì thân cây được xẻ ra làm thành những tấm thớt rất được người dân ưa chuộng vì độ chắc và bền của gỗ. Ngoài ra, do đặc điểm gỗ có nhiều sớ ngược xuôi nên được dùng trong điêu khắc.

    Thân cây mù u chứa nhiều mủ màu xanh thường thấy rịn ra ở vỏ. Mủ mù u có thể chữa được các bệnh ghẻ, nhọt, nhất là những mụn nhọt nổi từng cục lớn như là cục u trên đầu.



    Trái mù u rất tròn, khi đã trưởng thành lớn bằng ngón chân cái hay hơn, cứng, không ăn được, có màu xanh nhạt, bên trong có một hột. Đến cuối thu khi mù u chín trái chuyển sang màu vàng hoặc nâu sậm. Trái mù u không phải chỉ để cho trẻ con lượm về để ném nhau, để làm đạn bắn chơi, hay để chơi nhà chòi, mà nếu chúng ta cắt 1/3 trái , moi ruột , lấy vỏ làm gáo. Sau đó khoét hai lỗ nhỏ gần miệng để tra vào một cái cán tre làm tay cầm là ta có được một cái gáo mù u. Gáo mù u dùng thay các loại muỗng hay vá nhỏ bằng nhựa hay i- nốc (inox) để múc nước mắm trong các món bánh bèo, bánh nậm, bánh xèo... hay múc nước cốt dừa trong món cháo đậu đỏ của cô gái bán hàng rong trong câu chuyện Cái gáo mù u của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, và trong các món bánh khác của người miền Nam cần cho thêm nước cốt dừa.

    Chúng ta có thể thấy hình ảnh gáo mù u trong bài thơ Theo chân ngoại lượm trái mù u của thi sĩ Kiên Giang- Hà Huy Hà, quê Rạch Giá nay thuộc tỉnh Kiên Giang:

    ...Móc ruột mù u, chừa vỏ mỏng
    Anh làm gáo nhỏ, chơi nhà chòi
    Nước mưa, em uống năm, mười gáo
    Uống nước nhà quê nhớ suốt đời...

    Do nhà thơ dùng gáo mù u múc nước mưa uống trong trò chơi nhà chòi của thời thơ ấu chứ thực ra để uống nước mưa, quê nội tôi không dùng gáo mù u mà dùng gáo dừa. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, mỗi lần về thăm quê nội, tôi thấy hầu như nhà nào ở quê cũng đều có một vài cái lu để xung quanh nhà để hứng nước mưa, và bên trên nắp đậy lu nước có đặt một cái gáo làm từ vỏ dừa để múc nước uống. Gáo dừa cũng có cái cán để cầm như gáo mù u nhưng lớn hơn nhiều và không thấy dễ thương xinh xắn bằng.

    Phía trong hột cứng của trái mù u là cái nhân tươi, giòn màu vàng xanh, chứa nhiều dầu. Ngày xưa ở thôn quê chưa có điện và người dân quê nghèo khổ làm gì có tiền mua đèn cầy hay sau này là dầu lửa. Do đó họ thường phải đi lượm mù u về đem đổ ra phơi như phơi lúa. Khi mù u khô rồi đập lấy ruột ép để lấy dầu. Cây đèn dầu mù u rất giản dị: một cái chén hay một cái dĩa đựng dầu có cọng tim nằm vắt thòng ra vành miệng để đốt, có khói xanh bay lên khắp nơi làm khung cảnh trong ngôi nhà trở nên đục mờ, trông u buồn, ảm đạm, tối tăm như cái nghèo khó của người nông dân suốt ngày chân lấm tay bùn. Chúng ta đọc mấy câu thơ của Kiên Giang trong bài Theo chân ngoại lượm trái mù u:

    Ngày thơ theo ngoại lượm mù u
    Cho anh kêu ké ngoại, em ừ
    Anh xách giỏ trầu theo bước ngoại
    Lội đồng, tìm hái cọng u du

    Lượm tiếp ngoại mù u mới rụng
    Xe đèn thắp đỡ tối ba mươi
    Ở nhà quê nhớ thời đồ khổ
    Đèn đuốc mù u vẫn sáng trời

    Tác giả bảo: "Đèn đuốc mù u vẫn sáng trời" nhưng thật ra đó là ánh sáng từ hạnh phúc của cậu bé vì được em cho anh kêu ké ngoại của em, được xách giỏ trầu theo bước ngoại , được giúp ngoại lượm mù u và giúp ngoại xe đèn thắp sáng tối ba mươi. Đã biết đêm ba mươi trời không trăng không sao mà quê nghèo thì không đèn không điện nên rất tối, vậy mà chỉ môt ngọn đèn dầu mù u thì không thê làm sáng trời được. Nếu ánh đèn mù u có khả năng làm sáng trời thì người ta đã không đặt cho nó cái tên mù u và nhà thơ Tuệ Chương đã không mô tả cái ánh sáng của ngọn đèn mù u là những chấm đèn côi cút:

    Những chấm đèn côi cút
    Những giọt lệ khuya nhĩu xuống, nguyện cầu.

    Dầu từ hạt mù u đặc, có màu xanh lá cây đậm được các hãng mỹ phẩm dùng trong các chế phẩm chăm sóc da và tóc. Dầu mù u cũng được dùng để điều trị bỏng và các bệnh liên quan, được xem là một dược liệu dân gian quý . Chỉ cần đốt trái mù u cho cháy thành than, xong tán nhuyễn và trộn vào một chút dầu mù u là có được một thứ thuốc xức ghẻ rất hiệu nghiệm. Nhựa mù u có thể dùng để làm thuốc cầm máu vết thương rất thông dụng.



    Hoa mù u có hương thơm, nở quanh năm nhưng nhiều nhất vào cuối mùa Xuân và cuối mùa Thu. Hoa khá lớn, có năm cánh trắng tinh khiết với nhiều nhụy vàng và hình dáng tựa hoa mai nên nhiều người nhầm lẫn gọi là Bạch mai. Tuy hoa không đẹp nhưng khoảng nửa đầu thế kỷ 20, ở miền Nam còn thông dụng một loại nữ trang có hình dạng giống hoa mù u gọi là bông tai mù u. Bông tai này được làm bằng vàng 24 karat, giống hình cây đinh, đầu đinh tròn nhỏ trông rất dễ thương hoặc giống như hạt trai có chuôi vặn phía sau. Thường loại bông tai vàng này không chạm trổ, chỉ để trơn như vậy. Nếu còn con gái thì sẽ đeo bông búp. Còn nếu nhà trai đi hỏi hay cưới vợ cho con thì mua bông có hình hoa nở làm sính lễ. Cho nên người con gái nào lớn lên cũng đều mơ ước có quà cưới là đôi bông tai mù u mà nhạc sĩ Thành Công đã đề cập đến trong bài hát Bông mù u: :

    Ngày em tóc bỏ ngang vai
    Thương con bướm vàng đậu nhánh Mù U
    Em thường mơ ước đơn sơ
    Ngày anh đến cưới bằng Mù U bông vàng.

    Trong bài thơ Đôi bông tai mù u của một hội viên Thi đàn Việt Nam không rõ tên tác giả có mấy câu nghe rất dễ thương như sau:

    Xưa !
    Nội tặng mẹ...
    Đôi bông tai mù u ngày đám cưới
    Ánh vàng ngời làm rạng rỡ mặt cô dâu.

    Thời gian trôi...
    Lưng mẹ cõng cuộc đời
    Vẫn son sắt
    Đeo đôi bông mù u theo năm tháng.

    Có đôi lúc !
    Mẹ mân mê...lau từng kẽ hằn vết ố
    Cha ghẹo rằng
    Đôi bông này xưa quá phải không em ?

    Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến lá cây mù u. Lá cây dày giống lá măng cụt nên lũ kiến vàng tập trung làm thành những tổ treo lủng lẳng trên cây, từ đó, kiến vàng bò khắp các cây cam, mận, xoài trong vườn để bắt sạch lũ sâu ăn hại. Mép lá có đường viền trắng, mặt trên phiến lá rất bóng, gân phụ nhiều, nhỏ li ti, xếp song song san sát nhau khiến cho lá trông rất đẹp. Lá mù u được trẻ con hái về thắt hình cá, hình chim để chơi đùa trong những trò chơi của tuổi thơ ở nông thôn.

    Cây mù u quả thật đã gắn liền với đời sống người dân Việt, nhất là người dân quê hay người ở miệt vườn của miền đất Chín Con Rồng. Ngày xưa, người dân trồng mù u vì biết bao nhiêu công dụng của nó. Cây cho bóng mát, gỗ để đóng ghe, xuồng, vỏ làm gáo, dầu để đốt đèn, mủ để chữa các bệnh ngoài da. Ngày nay, người ta cũng đã biết đến những đặc tính trị liệu y học của tất cả các bộ phận của cây mù u từ vỏ, lá, trái, đến tinh dầu.

    Tuy nhiên ở một số địa phương, vì nhu cầu phát triển đô thị và thành thị hóa nông thôn, mù u cũng như một số loại cây khác đang âm thầm biến mất để thay vào đó là những con đường nhựa mới, những khối nhà cao tầng hình hộp hay những ngôi biệt thư sang trọng. Một số vùng ở nông thôn đã được điện khí hóa. Người dân không còn cần dùng đèn dầu mù u nữa. Đặc biệt ở nông thôn bây giờ đang từ từ vắng bóng thanh niên. Đa số họ rời bỏ chốn làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn để đi học hay đi làm ăn, lập nghiệp ở thành phố, nên có lẽ chẵng còn cảnh anh đứng đợi em dưới bóng cây mù u nữa rôì mà chỉ có cảnh anh hẹn em ở quán cà phê. Cũng đã trở thành quá khứ cảnh anh hát điệu lý mù u ngọt ngào vào những đêm trăng sáng :

    Trăng sáng chưa qua sông,
    Hò ơi mù u chưa chín
    Trăng sáng qua bên sông,
    Hò ơi mù u đã rơi

    vì bây giờ thanh niên đã làm quen với những chiếc điện thoại di động, những cái iPhone, iPad hiên đại và họ tận dụng mọi lúc mọi nơi để chat, để nghe nhạc, để xem phim hay để lướt Facebook. Nếu bây giờ ở chốn làng quê vẫn còn trẻ con thì chúng cũng chẵng thèm những loại đồ chơi làm từ mù u. Những viên bi mù u đã được thay bằng những viên bi thủy tinh nhiều màu sắc mất rồi.

    Thật sự cây mù u đang dần bị lãng quên. Tôi xin phép mượn mấy khổ thơ trong phần hai và ba của bài thơ Theo chân ngoại lượm trái mù u của thi sĩ Kiên Giang- Hà Huy Hà để kết thúc bài viết ở đây:

    II
    Rời xóm mù u mấy chục năm
    Ngày thanh bình vội vã về thăm
    Ngoại già khuất bóng vào thiên cổ
    Em lấy chồng xa cũng bặt tăm

    Cây mù u cỗi, người ta đốn
    Làm cối làm chày, giả gạo thuê
    Mất ngoại, xa em, buồn héo ruột
    Mình anh thờ thẫn dạo đường quê

    Đèn mù u, chiếc gáo mù u
    Đã lắng chìm trong bụi mịt mù
    Đèn điện vẫn cần cho cuộc sống
    Anh thầm biết thế, vẫn trầm tư

    III.
    Về xóm cũ, mình anh giỗ ngoại
    Đèn mù u: kỷ niệm ngày thơ
    Anh nhờ họa sĩ lên màu sắc
    Ánh lửa trong màu đẹp cõi mơ

    Nghe chày giả gạo đêm trăng sáng
    Anh ngỡ vầng trăng như vỡ tung
    Cất bước xa làng, sao nhịp cối
    Nện vào lòng tiếng vọng rưng rung.

    https://www.youtube.com/watch?v=-OGHx0LAPr4

    https://www.youtube.com/watch?v=JpQ30RXvzHc

    https://www.youtube.com/watch?v=13I--R0KGoE
    Thân Hạnh
    "



    Chài trong lưới FB





  • Font Size
    #2
    Món ngon quê nhà (Bắc)

    Comment


    • Font Size
      #3
      cám ơn bạn .. keep working hard :laughing-kitty-smiley-emoticon:

      Comment


      • Font Size
        #4
        Originally posted by tctd View Post
        cám ơn bạn .. keep working hard :laughing-kitty-smiley-emoticon:
        Quỡn đi vô lưới lụm bỏ đó ... dành ngày mưa ... đúng chỗ thì để ... không thì tự nhiên ... dời hoặc quăng giùm hen

        Comment


        • Font Size
          #5
          Originally posted by Ba Khía View Post

          Quỡn đi vô lưới lụm bỏ đó ... dành ngày mưa ... đúng chỗ thì để ... không thì tự nhiên ... dời hoặc quăng giùm hen
          không đâu .. hay lắm .. văn hoá việt nam rộng lớn để chổ nào cũng đuợc

          Comment

          Working...
          X