Announcement

Collapse
No announcement yet.

Làm hồng treo gió ăn Tết

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Làm hồng treo gió ăn Tết


    Tận dụng đợt lạnh khô kéo dài, nhiều bà nội trợ đang đặt từ vài chục kg đến hàng tạ hồng về phơi kín ban công, sân thượng.







    Tuần trước, nghe dự báo sẽ có đợt lạnh khô, nắng nhẹ, Nguyễn Thơm, 30 tuổi ở quận Long Biên lên kế hoạch khởi động mùa hồng treo gió. Cô chi hơn 700.000 đồng đặt 20 kg hồng vuông Đà Lạt - loại được xem là khó nhất nhưng cũng cho thành phẩm ngon nhất.
    Mất nguyên ngày thứ 7 để gọt và treo, đến nay sau bốn hôm, hồng đã héo. "Thời tiết này treo hồng chỉ có tuyệt", Thơm chụp vài bức ảnh khoe trên hội đam mê hồng treo gió kiểu Nhật. Hàng chục người khác bình luận cũng đang tranh thủ trời đẹp để phơi hồng như cô.
    Nguyễn Thơm đã "nghiện" thú chơi này sang mùa thứ hai. Không như một số người dùng nhiều loại hồng, cô chỉ treo hồng Đà Lạt và canh thời tiết chuẩn mới làm nên mỗi mùa chỉ được khoảng 3-4 đợt.






    Hồng treo gió là phương pháp sử dụng gió trời và nhiệt độ tự nhiên để làm khô quả hồng một cách hoàn toàn tự nhiên. Làm hồng treo gió ở Việt Nam khó hơn Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc do khí hậu có độ ẩm tương đối cao. Với kiểu thời tiết Hà Nội thay đổi nhanh, chỉ sơ sẩy 30 phút là có thể bỏ đi cả mẻ. Nhiều người ví, phơi hồng vất như "nuôi tằm", cần theo sát đến độ "ăn ngủ cùng hồng".
    Mùa hồng treo thường kéo dài từ tháng 9 âm lịch đến sát Tết. Tuy nhiên gần Tết lượng hồng tươi khan hiếm nên giá cao. Vì thế thời điểm này đang được chị em nô nức phơi. Để làm được một kg hồng khô sẽ cần bốn đến sáu kg hồng tươi. Nhiều người cho biết chi phí làm có thể lên tới 300.000 đồng/kg.






    Không thể bỏ qua thời tiết đẹp, chị Hồng Nhung, 36 tuổi ở huyện Đông Anh cũng đang treo 20 kg hồng vuông Đà Lạt, với dự định sẽ dành loại hồng ngon nhất này để biếu tặng Tết.
    Mới biết đến thú chơi này từ sau Trung thu, Nhung nhận mình đã thành "con nghiện". Lần đầu tiên đặt 10 kg hồng giòn Fuji Sơn La, nhưng vì còn xanh chưa treo được, chị tiếp tục đặt 15 kg hồng trứng Sơn La. Sau ba ngày treo, trời đổ mưa, nguy cơ hỏng luôn cả mẻ.
    Nhung mượn tủ sấy quần áo về "chữa cháy". Hồng được sấy ngày bốn lần, mỗi lần một tiếng rưỡi trong suốt một tuần. Sản phẩm thành công, quả dẻo ngọt, ai ăn cũng tấm tắc. Đến nay chị đã thử năm mẻ, với năm loại quả khác nhau và cho biết sẽ tiếp tục chơi.






    Trào lưu này xuất hiện ở Việt Nam chừng 5 năm trước, thu hút hàng nghìn người chơi. "Mỗi năm phong trào một sôi nổi, chuyên nghiệp", chị Thu Nguyễn, admin một group hồng treo gió kiểu Nhật, với hơn 8.000 thành viên, nói.






    Chị Thu cũng là chủ một doanh nghiệp làm hồng treo gió ở Đà Lạt, đồng thời cung cấp hồng tươi cho khách lẻ ở Hà Nội. Theo chị, đối với các bà nội trợ khi treo hồng nghiệp dư tại nhà mà không có các máy móc thiết bị hỗ trợ, theo dõi thời tiết quyết định đến thành bại của mẻ hồng. Đợt này thời tiết cả tuần trời hanh khô, độ ẩm thấp, không mưa, là thời điểm lý tưởng. Chị vừa nhập một tấn đáp ứng nhu cầu khách hàng.






    Để khắc phục thời tiết bất lợi, nhiều người sử dụng thêm điều hòa, lò sấy, dùng máy hút ẩm, thậm chí hong cả trong máy rửa bát. Người không có điều kiện có thể để tủ lạnh chờ nắng rồi phơi, hoặc bật quạt. "Năm ngoái, một khách hàng của tôi đã dùng một phòng điều hòa phơi nửa tấn hồng, thành phẩm để đi biếu tặng", chị Thu chia sẻ.






    Nhiều người muốn làm hồng treo gió theo đúng cách làm truyền thống dù phải rất tỉ mẩn từ khâu chọn quả đến gọt, rồi canh thời tiết.
    Chị Thủy Linh, 33 tuổi, ở Hòa Bình đã tận dụng được "chuồng cọp" của gia đình để phơi hồng treo gió. "Ngày đầu tiên mình phơi nắng trực tiếp cho se mặt, những ngày sau treo trong mái có nắng xiên đón gió là được", Linh cho biết.
    Nắng quá dễ làm hồng bục mật, lên men, bên ngoài khô nhanh nhưng trong ruột vẫn ướt. Độ ẩm trên 65% thì dù có nắng, có gió vẫn sẽ dễ bị hư mốc. Cứ mỗi đợt treo hồng, Linh phải xem trước thời tiết cả tuần mới dám treo. Nếu gặp thời tiết bất lợi, chị cho hồng vào tủ lạnh, đợi nắng mới làm tiếp. Đã có lần gia đình phải hy sinh tủ lạnh trong 4 ngày chỉ để chứa hồng.






    Đối với chị, thú chơi này có một sức hút kỳ lạ. Nhìn những dây hồng bên khung cửa đu đưa trong gió heo may rất thích mắt. Không chỉ chị, chồng con cũng thích ngắm nhìn. "Ăn không bao nhiêu, nhưng mang thành quả đi tặng mỗi người một ít lại thấy vui", chị Linh, công tác trong một công ty Hàn Quốc chia sẻ.
    Trải qua ba năm gắn bó với thú chơi, Linh làm từ đầu mùa tới cuối mùa. Ban ngày đi làm, tối về chị lại luẩn quẩn gọt, treo. Mỗi năm chị làm hàng tạ. Trong hình là loại hồng mật Vân Sơn được ép theo hai kiểu khác nhau.






    Ban đầu, chị Cẩm Phương, 36 tuổi ở quận Cầu Giấy, cũng bị mê mẩn những dây hồng treo của bạn bè trên mạng. Trong lần thử nghiệm đầu tiên, chị bị thất bại, bỏ đi hoàn toàn 10 kg. Nhưng nay Phương là một "cao thủ". Không chỉ làm cho gia đình, bạn bè, chị còn làm bán.
    Mùa năm nay mới khởi động hơn một tháng, chị đã làm 260 kg hồng tươi. "Tranh thủ thời tiết tuần này đẹp, mình đang gọt tiếp 80 kg", Phương cho hay.


    Click image for larger version

Name:	ZZC813~1.JPG
Views:	434
Size:	112.4 KB
ID:	92193
    Qua hai mùa hồng, Phương thích nhất treo hồng trứng lửa và hồng vuông đồng Đà Lạt. Hồng trứng lửa cho thành phẩm đỏ nâu, ngọt đậm, dẻo mật nhưng có hạt. Hồng vuông đồng ngọt thanh, không hạt, nhiều mật, thành phẩm màu cam nâu. Trong hình là hồng vuông đồng mới thu hoạch sau nửa tháng (bên trái) và để tủ lên phấn trắng khi 4 tháng, nhiều người sành ăn thích loại này.

    Hướng dẫn cách làm hồng treo gió của chị Thu Nguyễn, chủ doanh nghiệp hồng treo gió ở Đà Lạt
    1. Gọt vỏ
    Rửa sạch tay trước lúc gọt. Gọt vòng quanh quả hồng và chừa lại phần cuống để buộc dây. Lúc gọt tránh làm cho quả hồng bị sứt sẹo. Nếu có vết bầm dập, phải cắt sạch đi.
    2. Buộc dây
    Dùng dây buộc quanh tai hồng, hồng nào có cuống thì có thể buộc vòng quanh cuống.
    3. Phơi ở nơi có nắng, thoáng gió và khô
    Khi treo ở nhà nên tìm khu vực ít bụi, có nắng, có gió càng tốt nhưng phải tuyệt đối tránh mưa và sương mù. Nắng to quá, gió to quá cũng làm hồng chỉ khô bên ngoài mà không khô bên trong, dễ bục mật.
    4. Massage hồng
    Việc massage hồng nhiều sẽ làm nhựa tiết ra nhiều hơn, song tùy loại hồng có thể làm vỏ bị thâm, dễ bị lên men và hỏng. Nếu không có kinh nghiệm, tốt nhất chỉ thỉnh thoảng nắn hồng xem có quả nào hỏng thì loại bỏ. Trước khi thu hoạch, nắn nhẹ nhàng, thấy nhân không còn lùng bùng nữa là đã đạt yêu cầu.
    5. Thu hoạch
    Đối với hồng Đà Lạt, trái trung bình sẽ mất tầm 15-20 ngày thu hoạch; hồng trứng chỉ mất 12 ngày; hồng Mộc Châu to thì có thể cần đến 21-30 ngày mới đạt yêu cầu.
    Khi thu hoạch, nhớ để nguyên cả tai hồng, cất túi bóng hoặc hút chân không. Bạn có thể để ngoài chỗ râm mát, sau năm đến bảy ngày, hồng dần dần sẽ lên lớp phấn trắng bao xung quanh quả. Đây không phải là mốc là là đường từ mật hồng tiết ra.
    Sau đó có thể để ngăn mát từ một đến hai tháng. Nếu muốn lâu hơn, nên để ngăn đá.
    Phan Dương
    Ảnh: Nhân vật cung cấp

Working...
X