Announcement

Collapse
No announcement yet.

Đi tìm hình bóng của lẽ phải

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Đi tìm hình bóng của lẽ phải

    Lẽ phải là cái mà bấy lâu nay, chúng ta đã nghe, đã nói, đã dùng đến vô số lần đến mức chúng ta nghiễm nhiên coi đó là thứ sẵn có, là tuyệt đối trong cuộc sống chẳng có gì là tuyệt đối này. Người ta dùng lẽ phải để định hình cho cả suy nghĩ và hành vi, để giải thích cho cả lẽ sống của cả một kiếp người. Vậy có bao giờ người ta dừng lại để nghĩ về cái điều được cho là căn cơ, là cốt lõi đó; có bao giờ người ta đặt ra với chính mình và vô số người khác về câu hỏi: "Đâu là lẽ phải?".

    Từ cái lý mà một người chọn, sẽ quyết định chỗ đứng của người đó khi nhìn về thế giới.
    Đâu là lẽ phải, nghe thấy vậy mà lại là một câu hỏi khó. Mà chẳng những khó nó còn lạ, hiếm và thú vị nữa. Bởi do đâu? Bởi vì từ lâu nay người ta thường phân biệt phải trái, đúng sai, cái xấu cái tốt, người thiện kẻ ác cũng chỉ bằng "lẽ phải" mà thôi. Rồi cũng chính cái gọi là lẽ phải đó đã biến thành chuẩn mực cao nhất để cho một xã hội, một cộng đồng vận hành, để tán thưởng người này, để phán xét, lên án người kia. Vậy mà, bây giờ chúng ta lại hỏi, "Đâu là lẽ phải?" thì chắc hẳn sẽ khiến cho những chuẩn mực mà chúng ta lấy lẽ phải làm khuôn thước kia cũng phải một phen bị giật mình.

    Nhưng với cách hỏi này, tưởng chừng như người ta đang muốn đi tìm đến tận cùng của vấn đề và thực ra điều đó cũng cần thiết bởi vì người ta không thể mãi ở lưng chừng của sự hiểu biết và như một sự khám phá để xem rằng, liệu lẽ phải của mình có giống lẽ phải của người khác hay không? Và vởi suy nghĩ đó, việc đi tìm lời đáp cho câu hỏi "Đâu là lẽ phải?" này cũng khá hào hứng.

    Thật ra muốn tiếp cận theo hướng chúng ta nhìn nhận như thế nào về lẽ phải không hẳn là vấn đề đơn giản hay nan giải, bởi vì cách mà chúng ta nhìn nhận một vấn đề sẽ quyết định cách chúng ta xem nó là gì, hiểu nó như thế nào và vận dụng nó ra sao.

    Một cách đơn giản là tìm hiểu lăng kính mà chúng ta nhìn vào lẽ phải. Ví như một cái cây, nếu nhìn nhận dưới con mắt của người nông dân chuyên canh tác, trồng cấy thì người ta sẽ quan tâm nó là cây gì, lớn lên như thế nào, kết trái ra hoa ra sao; nếu nhìn dưới góc nhìn của người hoạt động vì môi trường thì cây trồng là giúp bảo vệ môi trường, phủ xanh đất trống; Nhưng chẳng may vào tay người cần củi đốt thì cái cây kia cũng chỉ sắp trở thành một đống củi mà thôi.

    Trước hết cần khẳng định rằng lẽ phải là một phạm trù có mặt rất thường xuyên trong đời sống con người và nó cũng là phạm trù được mỗi người hết sức "coi trọng" cho dù họ có nhận thức được điều đó hay không. Bởi vì người theo đúng triết lý của nền giáo dục mà chúng ta được học hỏi về lẽ phải, tôn trọng lẽ phải và rồi sẽ vận dụng nó để làm thước đo giúp phân biệt phải trái, đúng sai, cái xấu cái tốt, người thiện kẻ ác. Và có thể nói "lẽ phải" giúp định hướng cho các suy nghĩ và hành động của con người, nó là ngọn đuốc chỉ lối đi cho người ta đi đúng hướng. Ví như hàng vạn người lái xe trên đường tuy đã có bằng nhưng họ không cần thuộc làu, thậm chí quên từng điều luật giao thông, mà cả đời vẫn thực hành đúng theo các quy định về giao thông. Vì họ có nắm được lẽ phải (chứ không chỉ làm chủ chiếc xe) một cách tự nhiên, nhờ vậy mà lẽ phải đã dẫn dắt họ đi đúng hướng, đúng đường và không sai luật.

    Người ta tin lẽ phải là những điều đúng gần như tuyệt đối, là những thứ trái với lẽ phải đều là sai trái, tất nhiên họ có những lý lẽ cho niềm tin vào lẽ phải của mình. Đôi khi con người ta còn lầm tưởng khi đánh tráo khái niệm giữa lẽ phải và chân lý theo nghĩa những điều không bao giờ thay đổi được và do đó lẽ phải sẽ không bao giờ sai cả.

    Ở một góc độ tiếp cận, bản thân lẽ phải và chân lý cũng có sự giống nhau thật là bất đắc dĩ. Đó là "chân lý và lẽ phải vẫn sẽ luôn có người chống đối". Điều này thật quá đỗi ngạc nhiện bởi vì có vẻ mâu thuẫn với điều mà nhiều người vẩn tin, dù họ hiểu rằng, cuộc sống luôn tồn tại các mâu thuẫn và chúng ta cũng đừng ngạc nhiên sao lẽ phải và chân lý thường bị công chúng phản đối. Không phải điều gì mà số đông theo thì điều đó hoàn toàn đúng và ngược lại. Chưa chắc. Chúng ta đừng nghĩ rằng điều gì bị chống đối thì điều đó sai. Chưa chắc. Mà thường thì nói đến lẽ phải thì hay gặp sự chống đối. Bởi vì sao?

    Vì lẽ phải kêu gọi con người ta phải làm điều thiện, phải tránh cái ác, Phải từ bỏ tham, sân, si, phải giữ gìn tâm ý trong sạch…Nhưng trong cuộc đời này liệu có mấy người làm được điều đó? Hầu hết con người đều mắc phạm sai lầm lớn hay nhỏ trong đời.

    Một khi lẽ phải được thắp sáng thì những người có lỗi lầm thường sẽ bị phơi bày ra những lỗi lầm, sai sót của họ. Và thực tế không phải ai cũng dám đối diện với những lầm lỡ đó, chấp nhận mình là người có lỗi. Và như vậy thì họ có chống lại không? Chúng ta nhớ lại câu chuyện Chúa Giê-su (Jesus): thời xưa Chúa Giê-su bị nhóm Do Thái Giáo giết là bởi vì Chúa cũng nói lên sự thật, lẽ phải, vạch ra cái sai lầm, cái hiểu lầm của họ nên cuối cùng bị họ bắt, bị họ giết.

    Có thể rút ra được hai điều: một là người ta lấy lẽ phải để hành động và suy nghĩ; hai là không phải ai cũng dám đối diện với những lỗi lầm, sai sót của mình, chấp nhận mình là người có lỗi dưới ánh sáng của lẽ phải.

    Và từ hai điều đó, con người ta sẽ cố gắng tự tạo những cái "lẽ phải của riêng mình" để biện minh, giải thích cho hành vi của họ. Và cứ tạm gọi cái "lẽ phải của riêng mình" ấy là cái "lý". Như vậy, theo đúng cái quy luật đã tạo ra cái "lý", thì sẽ có nhiều vô số kể, có cái lý là lẽ phải, có cái lý lẽ suông và cũng có những cái lý với dạng "vô duyên đối diện bất tương phùng". Với cái lý, con người ta có thể hành động đúng nhưng chưa chắc đó đã là lẽ phải.

    Nếu như vậy, tiếp tục hỏi đến tận cùng của vấn đề thì lẽ phải của chúng ta liệu có giống nhau hay không? Cần hiểu, con người chúng ta là "con người xã hội" theo nghĩa con người sẽ không thể nào tách rời môi trường xã hội mà họ đang lệ thuộc vào. Không một ai trong chúng ta thoát khỏi con người xã hội và do đó nhận thức của con người cũng chính là "nhận thức mang tính xã hội". Mỗi sự vật, sự việc dưới góc nhìn của con người đều là sự kiến tạo xã hội theo nghĩa con người tạo dựng ra ý nghĩa cho nó. Chính vì lẽ đó mà với một sự vật, sự việc người ta sẽ có cách nhìn nhận khác nhau.

    Con người với các điều kiện xã hội khác nhau có cách suy nghĩ riêng biệt nên nhận thức về thế giới khác nhau kể cả về nhận thức "đâu là lẽ phải?". Vậy nên phải hiểu rằng lẽ phải cũng có nhiều loại lẽ phải khác nhau không thể dễ dàng chấp nhận sự khác biệt môt cách quá đà đôi khi sẽ là những điều bất lợi, khá nguy hiểm nếu người ta lấy điều đó để trốn tránh việc nhìn thẳng về sự thật, bao biện cho hành động của mình.

    Như vậy, rõ ràng ở đây chúng ta thấy rằng đã có sự khác biệt trong nhận thức về lẽ phải, nó không đơn giản chỉ thể hiện cho sự khác biệt về cách suy nghĩ mà còn giải thích về hành động của họ. Ở một góc độ nào đó, người ta cố tình tạo ra những lẽ phải nhằm để giải thích, bao che cho những hành động của mình. Kể cả kẻ khi đã sai vẫn cố cãi là mình đúng. Có thể gợi ý về chuyện mà người luật sư hành xử tốt hay xấu cũng từ những lời tranh cải bao biện như vậy. Họ dùng lẽ phải của riêng họ để thay đổi trắng đen, bao che cho tội ác để nhận đồng tiền dơ bẩn nào đó vì lòng tham xấu xa. Công lý nếu chiếu theo cái lẽ phải này thì làm sao bảo đảm sự công bằng, sự tôn trọng sự thật cũng như bảo vệ đạo đức con người được.

    Lẽ phải cũng mang tính tương đối theo cái nghĩa không phải cái gì được coi là lẽ phải thì cũng mãi đúng và không bao giờ thay đổi. Lẽ phải phụ thuộc vào nhận thức của con người, thông qua sự thay đổi về các điều kiện bên ngoài, sự phát triển và tăng cường trong hiểu biết của con người đối với thế giới mà nhận thức của con người qua từng thời kỳ cũng liên tục thay đổi và có sự phát triển đi lên của xã hội.

    Với ánh sáng minh triết của những lẽ phải đích thực đó thì hành động đúng mới chỉ là "nhất thời", thực hành được lẽ phải liên tục mới gọi là có "đẳng cấp cao". Để đạt được như thế, hẳn nhiên trong tâm trí của mỗi người phải còn chỗ gọi là "lương tri" sẵn sàng gọi mời, dung chứa được ý nghĩa của lẽ phải. Để thực hành được lẽ phải thì mỗi người còn phải được tu dưỡng, rèn luyện cách tôn trọng, ứng xử trên cơ sở nhận thức về tính chính đáng của người khác, xã hội và thiên nhiên.
Working...
X