Announcement

Collapse
No announcement yet.

Những Bản Nhạc Kháng Chiến Của Phạm Duy

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Những Bản Nhạc Kháng Chiến Của Phạm Duy

    Click image for larger version

Name:	ZZZ10-~2.JPG
Views:	541
Size:	30.7 KB
ID:	95552

    Phạm Duy

    Sự nghiệp

    Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh năm 1921 mất năm 2013, thọ 92 tuổi. Ông là nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của VN, sáng tác của Phạm Duy rất đồ sộ. Các bản nhạc của ông sáng tác, viết lời hay phổ thơ, dịch từ nhạc ngoại quốc… tổng cộng có tới 2,000 bản.
    Vì sáng tác Phạm Duy quá nhiều và đa dạng nên nay người ta có khuynh hướng quên những bản Kháng chiến của ông mà theo nhận định của lớp người cũ đó là những bản tuyệt vời nhất không những của Phạm Duy mà của cả nền âm nhạc VN.
    Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Phan Huỳnh Điểu … cũng đã làm nhạc Kháng Chiến chống Pháp nhưng với thể loại này, các bản nhạc của Phạm Duy vẫn là những bài được nhắc tới nhiều nhất.
    Những bản nhạc Kháng chiến là một trong những bản đầu tay của Phạm Duy làm trong thời kỳ chống Thực Dân Pháp. Vì phạm vi giới hạn của bài viết chúng tôi chỉ đề cập ở đây những sáng tác khích động lòng yêu nước của nhạc sĩ.
    Trong số những bản nhạc phục vụ cuộc Kháng chiến chống thực dân, các bản Nhớ Người Ra Đi, Nhớ Người Thương Binh, Cây Cầu Biên Giới, Bà Mẹ Gio Linh, Tiếng Hát Sông Lô… là những bản đầu tay. Bản phổ thông nhất và được nhắc tới nhiều nhất là Nhớ Người Ra Đi không thấy nói làm năm nào nhưng có lẽ trước các bản Nhớ Người Thương Binh, Cây Cầu Biên Giới.. hai bản này viết năm 1947. Vì những ca khúc chống thực dân của ông rất nhiều (1) và vì giới hạn của bài viết nên chúng tôi chỉ chọn ba bài tiêu biểu như trên, về phần lời của bản nhạc chúng tôi lấy lời nguyên thủy từ hồi Kháng Chiến.
    Sau khi có Chính phủ Quốc Gia do Cựu Hoàng Bảo Đại về nước chấp chính năm 1949, 1950, người ta vẫn cho lưu hành những bản nhạc kháng chiến của Phạm Duy, Văn Cao, Phan Huỳnh Điểu… Chính phủ Quốc Gia không kỳ thị như Việt Minh, vẫn cho hát nhạc Kháng chiến tuy có đổi lời chút ít, có lẽ họ cho rằng Kháng chiến là của toàn dân chứ không phải chỉ riêng của Việt Minh.
    Bài Nhớ Người Ra Đi (2) là lời người mẹ, lời người vợ và sau cùng lời của đàn trẻ nhỏ, đùa trong nắng ngây thơ hỏi mẹ rằng cha chúng con đâu? lời và nhạc của Phạm Duy đã gợi lên lòng yêu nước nồng nàn và khích động những kẻ đã sống trong tám mươi năm nô lệ vùng lên phá bỏ xích xiềng.
    Cả ba lời người mẹ, người vợ, đản trẻ nhỏ đều kết thúc bằng ước vọng mong chờ ngày Chiến Thắng, nhưng Chiến Thắng ở đây chỉ là cởi bỏ xiềng xích nô lệ của Thực dân chứ không phải Chiến Thắng của một tập thể nào khác.
    “Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
    Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh”


    Vì lý do tuyên truyền người nhạc sĩ nói
    “Em tiễn anh ra mãi tận đầu thôn
    Một hôm lúc trâu bò về chuồng….”


    Sự thực thì tai mắt của Thực dân ở khắp nơi và người vợ không dám tiễn chồng ra mãi tận đầu thôn thoải mái như thế.
    Bản Nhớ Người Thương Binh được viết năm 1947 (3), người Mỹ rất thích bài này, trước 1975 tôi có nghe một ca sĩ Mỹ hát bằng tiếng Việt trên đài phát thanh Sài Gòn, giọng hát cao và hay hơn ca sĩ Việt Nam, chắc ông ta ở trong Quân đội. Gần đây phim The Vietnam war quay năm 2017 của Ken Burns & Lynn Novick cũng đã lấy bản Nhớ Người Thương Binh làm nhạc nền cho toàn phim.
    Bài cũng có ba phần, phần trên nói về người vợ gánh lúa cho chồng ra đi diệt thù
    “Chiều về, chiều về trên cánh đồng xanh
    Có nàng gánh lúa cho anh ra đi giết thù”

    Phần hai người chồng trở về nay đã cụt tay
    “Chàng về, chàng về nay đã cụt tay
    Máu đào đã nhuốm trên thây bao nhiêu quân thù”

    Phần thứ ba nói về người thương binh bùi ngùi cho thân thận của mình.
    Cuối cùng chúng tôi xin đề cập bản Bên Cầu Biên Giới (4), bài này rất nổi tiếng viết năm 1947, đồng thời với bài Nhớ Người Thương Binh.
    Hồi xưa trước 1975, đây là bản nhạc mở đầu cho chương trình phát thanh Quân Đội, bài Bên Cầu Biên Giới do Anh Ngọc ca.
    Khác với những bài trên, Bên Cầu Biên Giới tràn trề tình cảm lãng mạn, tác giả nói ông sáng tác bản này lúc ông nhớ tới người yêu khi ở bên cầu Lào Kay.
    Trả lời trong một cuộc Phỏng vấn về Âm nhạc trong một băng video, Phạm Duy nói ông bị Hội văn nghệ Việt Minh phản đối bài Bên cầu Biên Giới vì nó chứa đựng tính chất tiểu tư sản lãng mạn, họ yêu cầu ông phải giết chết, thủ tiêu nó đi.
    Bài này dài hơn các bài đã nói trước và chan chứa tình yêu thương
    “Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi
    Nắng (ư) ngừng bên chiếc cầu biên giới
    Xa xa thoáng đàn trầm vô tư
    Đâu đây dáng huyền đền duyên mơ

    Bên cầu biên giới
    Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi
    Sông nước xa xôi,
    Mây núi khắp nơi
    Không tỏ một đôi lời …”

    Phạm Duy đã mơ tưởng trước đây được sống phiêu lãng giang hồ, sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết trên bờ sông Danube.
    Có người bạn tù nói với tôi hồi còn trong trại giam: Phạm Duy làm xong bản này rồi bỏ Hậu phương về Thành, cây cầu biên giới là cầu Lào Kay. Nhưng chắc không phải vì hồi đó là năm 1947, Phạm Duy sau đó đi thiên sơn vạn thủy, ông vào Nam, Tham gia Văn Nghệ Liên Khu IV ra Việt Bắc mãi cho tới năm 1951 ông mới bỏ về Hà Nội
    Có lẽ Phạm Duy chán nản, nhớ lại giấc mơ qua
    “Đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ
    Mộng bền năm xưa
    Chỉ là mơ qua” !!!

    Dinh Tê
    Cuối 1947 Phạm Duy từ Thái Nguyên qua Bắc Giang, lưu diễn tại Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn năm 1948. Sau đi Phúc Yên, Sơn Tây về Hà Đông. Sau ông vào Thanh Hóa để vào Nam tại đây nhạc sĩ tham gia Đoàn Văn nghệ Quân đội Liên khu IV, trực thuộc Trung đoàn 304 (có sự tham gia của Thái Hằng). Ông đính hôn với Thái Hằng, rồi làm đám cưới, Tướng Nguyễn Sơn chủ trì hôn lễ, sau đó hai vợ chồng ra Việt Bắc.
    Đầu 1 tháng 5 năm 1951 đại gia đình Phạm Duy-Thái Hằng chia làm 3 nhóm từ Thanh Hóa “dinh tê” (tức rentrer) trở về Hà Nội. Ngày 9 tháng 6 năm 1951 di cư (bằng máy bay) vào Nam, sinh sống tại Sài Gòn.
    Phạm Duy và gia đình, Ban Hợp Ca Thăng Long bỏ Hậu phương kháng chiến trở về với chính phủ Quốc gia mới thành lập. Phạm Duy, một thanh niên yêu nước như muôn nghìn người khác, chàng đã dùng nhạc và lời chứa chan tình yêu nước nồng nàn để khích động nhiệt huyết của họ và cuối cùng đã bỏ kháng chiến trở về với dân tộc. Không riêng gì người nhạc sĩ này, hàng nghìn vạn người bị lừa đã lên đường trở về.
    Năm 1949, 50 ông Bảo Đại về nước lập chính phủ Quốc Gia trị vì đã gây được niềm tin tưởng nơi người dân y như nhà có nóc. Dân chúng hồi cư tấp nập về thành thị, riêng tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Nội, Sơn Tây. … trong tháng 7/1949 mỗi ngày có vài nghìn người, riêng ngày 30/10 tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây…số người trở về lên tới 35 ngàn người. Quân Pháp lan tràn kiểm soát vùng duyên hải đông dân như Bùi Chu, Phát Diệm ngày 16/10/1949. Công chức kéo về rất nhiều, giải pháp Bảo Đại đem lại thắng lợi trước cảnh hồi cư đông đúc tại nhiều tỉnh miền Bắc, người dân bỏ già Hồ về với cựu Hoàng (5).
    Không phải chỉ Phạm Duy và gia đình bỏ Kháng chiến về thành mà hàng vạn, hàng triệu người cũng bỏ về, phần vì cuộc sống hậu phương thiếu thôn cơ cực, và nhất là vì cuộc kháng chiến chống thực dân không còn ý nghĩa. Mới đầu người dân nô nức tham gia kháng chiến chống thực dân vì họ đã sống tám mươi năm nô lệ, sau thấy quân Pháp đổi chính sách và nhất là cuộc Kháng chiến nay không còn ý nghĩa ban đầu của nó. Mới đầu là Phong Trào Yêu Nước sau dần dần trở thành Phong Trào Cộng Sản, Việt Minh đã lợi dụng Kháng chiến để bắt đồng bào, chiến sĩ gian khổ phục vụ cho phong trào Quốc tế một cách vô nghĩa.
    Cuộc chiến đấu đã không còn ý nghĩa của những câu:
    “Em tiễn anh ra mãi tận đầu thôn” hoặc “Chàng về nay đã cụt tay, máu đào đã nhuốm trên thây bao nhiêu quân thù, từ ngày chinh chiến mùa thu….”
    Tám ngàn chiến sĩ anh dũng đã chết cho Chiến Thắng Điện Biên không phải là Chiến thắng mà người vợ khi tiễn chồng ra tận đầu thôn mong mỏi:
    “Lúc xa nhau mong chờ ngày Chiến Thắng”
    Các văn nghệ sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ danh tiếng như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hoàng Cầm, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu … đều là những thanh niên theo Kháng Chiến vì lòng yêu nước nồng nàn, nhưng lòng yêu nước đã bị đánh lừa, nhiều người lỡ theo rồi thì theo luôn, họ trở thành những người CS. Họ đã bị đánh lừa nay lại đi theo con đường đánh lừa những người nhẹ dạ khác, và sau cùng họ cũng đi vào con đường tội lỗi, vì họ cũng phải nói láo, cũng phải đánh lừa người khác.
    Năm 1954 những người miền Bắc chấp nhận ở lại với quê cha đất tổ của mình, một thời gian sau họ phải từ bỏ nhà cửa, ruộng nương ra đi vì sưu cao thuế nặng è cổ không ngóc đầu dậy được, Việt Minh tước đoạt tài sản người dân để “Cúng Tầu”. Họ ra đi cũng vì những cuộc đấu tố tàn bạo kinh hoàng bắt đầu thành hình và diễn ra tại một số làng mạc. Lòng yêu nước của họ đã bị lợi dụng và chà đạp, bấy giờ họ mới tỉnh mắt ra và biết thế nào là Việt Minh, thế nào là Cách Mạng. Cách mạng Mùa Thu đã bị lợi dụng và hoen ố khi đưa vào một mục đích hạ tiện, bẩn thỉu khác.
    Năm 1954 những người di cư thường nói: Việt Minh lợi dụng lòng yêu nước của người dân, của đồng bào, chiến sĩ để đánh thắng quân Pháp, để thực hiện cái mà họ gọi là Cách Mạng.
    Năm 1954 mới đầu chỉ là chống Thực dân dành độc lập, sau khi thắng Thực dân năm 1954 Cách mạng quay ra chống Mỹ Ngụy để thống nhất đất nước mà chính họ đã chia đôi. Cuộc kháng chiến chống Pháp đã trả giá đắt, theo thống kê của người Pháp trong La Guerre d’Indochine (Yahoo.fr) Việt Minh chết 300 ngàn, 500 ngàn bị thương, 100 ngàn bị bắt làm tù binh, thường Dân chết 150 ngàn, tổng cộng 450 ngàn người đã bỏ mạng. Quân đội QGVN kể cả chết bị thương và bị bắt làm tù binh là 419 ngàn, Quân Pháp có 75 ngàn tử trận, 64 ngàn bị thương, 40 ngàn bị cầm tù.
    Người ta tưởng cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn từ 1954 cho tới 1975 là chấm dứt nhưng chỉ nghỉ ngơi được ít năm thì tới cuộc Chiến Tranh Đông Dương lần thứ ba giữa các nước Cộng Sản tiếp theo. Cuộc chiến tranh Việt -Miên kéo dài 10 năm từ 1979 tới 1989 mới kết thúc, phía VN theo tài liệu trên Wikipedia tử thương khoảng 100 ngàn người, ngay sau đó là cuộc chiến tranh biên giới Việt -Trung kéo dài từ 1979 cho tới 1989. Khi Lê Duẩn vừa nằm xuống năm 1986, đảng CSVN đã thương thuyết với Tầu Cộng để chấm dứt chiến tranh. Cuộc chiến 10 năm tại đây đã khiến CSVN mất thêm hàng trăm nghìn người nữa.
    Mới đầu chỉ là kháng chiến chống Pháp dành độc lập vì Thực dân trở lại năm 1946, cuộc chiến như đã nói trên giết hại hơn nửa triệu người Việt cả dân lẫn lính. Sau đến cuộc chiến Người Việt giết Người Việt từ 1954 tới 1975 khiến vài triệu người cả dân lẫn lính phải bỏ mình. Sau cùng là cuộc chiến Việt-Miên và Cuộc chiến biên giới Việt-Trung giữa các chế độ CS khiến mấy trăm ngàn người Việt phải mất mạng.
    Từ ngày Chinh chiến mùa thu cho tới cuối thập niên Tám mươi người dân chỉ thấy máu đổ thịt rơi mấy chục năm đằng đẵng, tổn hại biết bao nhiêu máu xương của đồng bào chiến sĩ.
    Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công quân Pháp tại Hà Nội nửa đêm 19/12/1946 là ngày khởi đầu cho Cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ, tại nơi đây Trung Đoàn Thủ đô đã chiến đấu anh dũng hai tháng rồi rút bỏ. Đến trưa ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc tính ra đã được ba mươi năm và Việt Nam đã trở thành bãi chiến trường tan nát vì bom đạn.
    Những kẻ đã gây lên cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn, núi xương sông máu sẽ phải đời đời đắc tội trước Non sông và Lịch Sử.
    Trọng Đạt
    ————————
    Xin mời quí vị thưởng thức bản hòa tấu Bên Cầu Biên Giới,
    Ban nhạc Canada trình bầy.


    *

    Chú thích
    (1)
    Quê nghèo, Nương chiều , Nhạc tuổi xanh, Về miền Trung, Chiến sĩ vô danh, Ngày trở về, Nhớ người thương binh, Tiếng hát trên sông Lô, Đường Lạng Sơn, Việt Bắc …
    (2) Nhớ người ra đi

    Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
    Mà không nhớ thương người mẹ già
    Chờ con lúc đêm khuya
    Người con đã ra đi, vì nước
    Con bước đi khi trống làng rồn xa
    Mẹ đưa mắt trông về ngọn cờ
    Cầu cho đứa con trai
    Ở đâu đó con ơi, được vui !
    Nhớ thương con oán thù loài thực dân
    Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
    Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.

    Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
    Mà không nhớ thương người vợ hiền
    Chồng ra lính biên cương
    Ngồi may áo cho con, còn nhớ
    Em tiễn anh ra mãi tận đầu thôn
    Một hôm lúc trâu bò về chuồng
    Rồi anh nhớ anh mong
    Chờ chiến sĩ xa xăm lập công.
    Nhớ thương anh oán thù loài thực dân
    Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
    Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.

    Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
    Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ
    Đùa trong nắng ngây thơ
    Cùng nhau hát líu lo, ngoài ngõ
    Nhưng mỗi khi dưới mái nhà mênh mang
    Ngừng chơi nắm tay mẹ, hỏi rằng
    Rằng : Cha chúng con đâu?
    Về mua bánh cho cho con, mẹ ơi
    Nhớ thương cha oán thù loài thực dân
    Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
    Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh…


    (3)
    Nhớ người thương binh
    Chiều về, chiều về trên cánh đồng xanh
    Có nàng gánh lúa cho anh ra đi giết thù (u u ù)
    Từ ngày chinh chiến mùa Thu.

    Từ ngày, từ ngày chinh chiến mùa Thu
    Có chàng ra lính biên khu ai ơi tung hoành (ư ư ừ)
    Chiều về trên cánh đồng xanh.

    Chiều quê hằng nhớ người trai
    Và em nhìn tháng ngày trôi
    Nhớ người đi, đi rồi
    Người vì non nước xa xôi.

    Một chiều, một chiều trên quãng đường xa
    Bóng người anh dũng năm xưa ra đi chốn này (ư ư ừ)
    Chàng về nay đã cụt tay.

    Chàng về, chàng về nay đã cụt tay
    Máu đào đã nhuốm trên thây bao nhiêu quân thù (u u ù)
    Từ ngày chinh chiến mùa Thu.

    Chiều quê còn nhớ người chăng
    Vì ai vào chốn tử sinh
    Chiến trường quên, quên mình
    Người về có nhớ thương binh.

    Người về, người về có nhớ thương binh.
    Tôi về tôi nhớ chiều xanh ra nơi sa trường (ư ư ừ)
    Và ngày tôi đã bị thương
    Và ngày, và ngày tôi đã bị thương
    Thân tàn nhưng trí càn vương ai ơi mây trời (ư ư ừ)

    Chiều về thương nhớ đầy vơi.
    Người xa gửi đến quà xa
    Ngồi đây tưởng đến lệ rơi
    Hỡi người xa, xa vời
    Đẹp lòng tôi lắm ai ơi


    (4)
    Bên Cầu Biên Giới
    Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ
    Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu
    Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời
    Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa

    Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ
    Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa
    Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa
    Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ

    “Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi
    Nắng (ư) ngừng bên chiếc cầu biên giới
    Xa xa thoáng đàn trầm vô tư
    Đâu đây dáng huyền đền duyên mơ

    Bên cầu biên giới
    Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi
    Sông nước xa xôi,
    Mây núi khắp nơi
    Không tỏ một đôi lời …

    Ôi giấc mơ qua
    Mộng đời phiêu lãng giang hồ
    Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
    Hay là chết bên bờ sông Da – nube
    Những đêm sáng sao

    Nhưng đường quá xa vời
    Hương trời vẫn mê mài
    Lòng tôi sao vẫn còn biên giới !
    Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây
    Ôi dòng tóc êm đềm!
    Ôi bể mắt đắm chìm!
    Đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ
    Mộng bền năm xưa
    Chỉ là mơ qua” !!!


Working...
X